Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 16:09 (GMT +7)
Chào mừng Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam Lần Thứ XI Bác Hồ viết báo là để làm cách mạng
Thứ 5, 30/12/2021 | 08:49:33 [GMT +7] A A
Là người khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà, những điều Bác Hồ nói về nghề báo đã quá nửa thế kỷ, nay vẫn nguyên giá trị; như lời chỉ bảo, lời tâm sự thân tình về nghề mà với bất kỳ người làm báo nào cũng phải lấy đó làm cẩm nang cho mình. Viết báo là để làm cách mạng; mỗi tác phẩm báo chí phải như một nhịp cầu kết nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, viết cái gì có lợi cho đất nước, cho dân tộc.
Viết báo không phải là một nghề của Bác Hồ, nhưng khi tập hợp những bài báo của Người lại có thể coi đó như một giáo trình thực hành quý cho đội ngũ những người làm báo. Quý từ cách chọn đề tài, đến đặt tít và ngôn ngữ, cách thể hiện, ngắn gọn, súc tích mà sâu sắc.
Viết cho ai, viết để làm gì ?
Cho là mình có nhiều duyên nợ với báo chí, khi đến giảng bài tại lớp chỉnh Đảng Trung ương (ngày 17/8/1953), Bác Hồ đã kể lại nhiều kỷ niệm về viết báo trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Do một người ở tòa soạn giúp, tác phẩm đầu tay của Người đăng trên tờ Sinh hoạt công nhân-La vie ouvrière (Pháp) là một tin vắn chỉ mấy dòng. “Lần đầu tiên bài mình được đăng báo, có thể nói là sướng nhất trong đời người”, Bác chia sẻ với lớp học. Bác đem bài báo so với bản thảo giữ lại xem họ sửa như thế nào để lần sau viết cho hay hơn. Ban đầu viết ngắn, sau viết dài ra, rồi lại viết ngắn lại; viết dài nhưng không được nhạt nhẽo, viết ngắn cũng vẫn phải đầy đủ ý. Viết báo một thời gian, Người thử viết truyện ngắn và đưa đến Báo Nhân Đạo. Truyện được đăng báo, Bác nói: “Đó là lần thứ hai mà mình thấy sung sướng”; và sau này khi “Cách mạng Tháng Tám thành công, viết bài Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là lần thứ ba mà mình thấy sung sướng”. (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, trang 122-124).
Một người bình thường, nhất là mới vào nghề mà có bài đăng báo thì ai cũng như vậy. Với Bác Hồ thấy sung sướng không chỉ vì bài được đăng mà cái chính là vì tư tưởng cách mạng của Người thông qua đó được lan truyền trong các tầng lớp xã hội Pháp lúc bấy giờ. Viết báo là để làm cách mạng, từ lúc học viết đến khi làm chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành tờ Người cùng khổ (Le Paria), các bài viết của Người đều tập trung tố cáo tội ác của thực dân, phản ánh cuộc sống cùng khổ của công nhân và kêu gọi họ đứng lên đấu tranh.
Sau này, Bác thường xuyên quan tâm đến báo chí, nhiều lần dự, nói chuyện tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam. Đó vừa là những lời chỉ dẫn, vừa như chia sẻ tâm sự với đồng nghiệp. Theo Người, là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ, Hội nhà báo phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; báo chí phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Cái gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước thì viết; không tô hồng, cũng không bôi đen bất cứ sự việc, hiện tượng nào. “Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành,...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. (SĐD, Tập 9, trang 414). Mỗi khi viết một bài báo, người cầm bút phải tự đặt câu hỏi, viết cho ai xem; viết để làm gì,...
Ngày nay, làm báo giữa thời đại kỷ nguyên số, bùng nổ thông tin, đọc và suy nghĩ những điều Bác Hồ căn dặn càng thấy thật thấm thía. Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí của ta có nhiều đóng góp quan trọng, giữ vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực sinh động, nhưng vẫn còn một số tờ báo, nhiều bài viết theo xu hướng thương mại hóa tiêu cực, xa rời tôn chỉ mục đích, sa đà vào làm kinh tế, chạy theo thị hiếu tầm thường, đưa tin viết bài giật gân, câu khách, thậm chí làm sai lệch sự thật, hoặc trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Những điều ấy không dành cho người làm báo chân chính, rất đáng lên án.
Lời ngắn ý dài, có thế nào nói thế ấy
Là người thầy của nền báo chí cách mạng nước nhà, nhưng khi viết dù là vấn đề lớn hay câu chuyện nhỏ, Bác Hồ đều dùng cách thể hiện mộc mạc, ngắn gọn, dễ đọc và dễ hiểu. Viết cho đối tượng nào thì dùng cách nói của chính đối tượng ấy, lời ngắn ý dài mà ai đọc cũng hiểu. Chưa đến 150 từ, ngắn gọn, nôm na, mà tràn đầy nhiệt huyết, bài Tìm người tài đức đăng trên Báo Cứu quốc số 411, ngày 20/11/1946 như lời hịch, thôi thúc toàn dân chung tay xây dựng đất nước: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”; “các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ: tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó”. (SĐD, Tập 4, trang 451). Bài báo chứa đựng tư tưởng lớn, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng làm nên; nhân tài ở trong nơi quần chúng, muốn kiến thiết đất nước thành công phải biết trọng dụng nhân tài. Tư tưởng đó là sự kế thừa, phát triển quan niệm của cha ông ta, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Bài báo ngắn gọn mà mang ý nghĩa thiết thực và có giá trị lớn như vậy.
Đọc những bài viết của Bác Hồ, ai cũng thấy học cách viết của Người cả đời cũng chưa đủ. Nhiều lần Bác đã chỉ ra những hạn chế của báo chí mà không ít người làm báo ngày nay vẫn vấp phải. Khi viết về văn nghệ “cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy”; “Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài” (SĐD, Tập 9, trang 412).
Theo Người, yêu cầu hàng đầu đối với báo chí là phải trung thực, khách quan; viết để cổ vũ, khích lệ cái mới tiến bộ; nêu cái hay, cái tốt, nhưng cũng phải có chừng, có mực, có thế nào nói thế ấy. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu, song phê bình cái xấu phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, “nói có sách, mách có chứng”. Viết cái gì cũng phải thiết thực; phải có căn cứ. Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Người cầm bút phải có trách nhiệm cao trước mỗi bài báo của mình, không vội vàng nghe thông tin một phía đã áp đặt, suy đoán chủ quan. Như thế là thiên lệch, thậm chí sai sự thật. Muốn có bài viết hay, người cầm bút không những phải có trình độ chuyên môn, kỹ năng tác nghiệp tốt mà còn phải lăn lộn “nơi đầu sóng, ngọn gió”. Khi đó bài viết mới mang hơi thở của cuộc sống, mới cuốn hút được người đọc, người xem.
Nhờ khoa học-công nghệ ngày càng phát triển, người làm báo ngày nay có nhiều lợi thế cả trong việc tìm hiểu, khai thác thông tin cũng như in ấn xuất bản, nhưng cũng chịu nhiều áp lực bởi sự phát triển của các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử, các trang mạng xã hội. Ai nhạy bén, biết biến áp lực đó thành cơ hội sẽ thành công, nếu không sẽ dễ bị tụt hậu so với đồng nghiệp. Biết học tập, vận dụng chỉ dẫn của Bác, người cầm bút sẽ vững bước trên đường tác nghiệp của mình. Càng khó khăn càng chủ động lăn vào làm chủ cuộc sống thì khó khăn đó sẽ cho cơ hội thử thách để trưởng thành, như cha ông ta đã nói “đất sỏi có chạch vàng”. Muốn làm tốt điều ấy, người cầm bút phải có đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, năng lực tác nghiệp. Các phẩm chất ấy không tự nhiên mà có, nó là kết quả của cả quá trình không ngừng tu dưỡng rèn luyện của mỗi người.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()