Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:14 (GMT +7)
“65 năm là chặng đường đầy tự hào của phát thanh Quảng Ninh”
Thứ 7, 28/08/2021 | 09:04:29 [GMT +7] A A
Trải qua 65 năm (1956 - 2021) từ chương trình đầu tiên, phát thanh Quảng Ninh đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thính giả và xu thế hội nhập, phát triển của thời cuộc. Những thành tựu ấy chính là tài sản vô cùng quý giá cho thế hệ những người làm báo phát thanh hôm nay tiếp nối, phát huy trong thời kỳ mới. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh có cuộc phỏng vấn nhà báo Đỗ Bích, Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh (ảnh) về chặng đường phát triển, định vị giá trị, thương hiệu của phát thanh Quảng Ninh. |
- Ngày 2/9/1956, buổi truyền thanh đầu tiên của Đài Truyền thanh Hòn Gai đã được thực hiện, là mốc son lịch sử đầu tiên của phát thanh Quảng Ninh ngày nay, xin đồng chí đánh giá ý nghĩa của sự kiện này với phát thanh Quảng Ninh?
+ 65 năm trước, đúng vào ngày Quốc khánh 2/9/1956, trên vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, tiếng loa truyền thanh của Đài truyền thanh Hòn Gai vang lên trong buổi truyền thanh đầu tiên. Thời khắc đó cũng là dấu ấn không thể nào quên cùng biết bao cảm xúc đối với thế hệ những người làm truyền thanh - phát thanh Quảng Ninh. Thực hiện hợp nhất Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh, ngày 1/1/1964, Đài Truyền thanh Quảng Ninh phát thanh chương trình đầu tiên, nhạc hiệu của Đài lấy từ ca khúc "Bạch Đằng giang" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Năm 1976, Đài Truyền thanh Quảng Ninh được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển giao Đài A4 với máy phát sóng trung GZ-10-2, công suất 10KW, tần số 750KHZ. Từ đây, Đài có tên mới là Đài Phát thanh Quảng Ninh. Ngày 2/9/1983, sau chương trình truyền hình đầu tiên được phát sóng, Đài đổi tên thành Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh và từ năm 2019 đến nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh.
Buổi phát sóng đầu tiên ngày 2/9/1956 đã đánh dấu sự ra đời, nền tảng của phát thanh Quảng Ninh với nhiều thành tựu. 65 năm xây dựng và phát triển với những thăng trầm, song ở giai đoạn nào, phát thanh cũng luôn gắn liền, theo sát với từng nhịp bước, sự phát triển của Vùng mỏ. Phát thanh Quảng Ninh không ngừng vận động, đổi mới, khẳng định vị trí, vai trò của tờ báo nói, luôn mang đến nguồn thông tin kịp thời, chính xác, nóng hổi hơi thở cuộc sống, thật sự trở thành người bạn đồng hành thân thiết của biết bao thế hệ thính giả ở cả trong và ngoài tỉnh.
- Thưa đồng chí, thời gian qua, phát thanh Quảng Ninh đã có những cách làm như thế nào để chuyển mình từ phát thanh truyền thống sang phát thanh hiện đại?
+ Những gì đang diễn ra trong thời đại bùng nổ thông tin đã cho thấy, phát thanh luôn có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Song để có được điều đó, phải xuất phát từ sự dám thay đổi, đổi mới chính mình, đưa phát thanh từ truyền thống sang hiện đại.
Cùng với sự đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, phát thanh Quảng Ninh đã nâng công suất phát sóng với 2 kênh phát thanh là Chính trị thời sự tổng hợp (QNR1) và Du lịch và thông tin đối ngoại (QNR2) phát song song với thời lượng 18 tiếng/ngày/kênh. Đài PTTH Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh trở thành một trong số các cơ quan báo chí của miền Bắc, có độ phủ sóng rộng tại nhiều tỉnh, thành như: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng...
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thính giả, phát thanh Quảng Ninh đã thực hiện những bước đi bài bản, có lộ trình với những nghiên cứu khoa học cụ thể. Phát thanh Quảng Ninh đã phối hợp với các nhà khoa học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện khảo sát nhu cầu, đo lường mức độ quan tâm của thính giả. Trên cơ sở những phân tích khoa học đó, những người làm phát thanh đã cấu trúc khung chương trình, nội dung của các chuyên đề, chuyên mục theo đúng nhu cầu của các thính giả.
Bên cạnh đó, phát thanh Quảng Ninh cũng phối hợp với các chuyên gia nước ngoài từ Cộng hoà Liên bang Đức, Thụy Điển, Anh quốc, cũng như tranh thủ các dự án đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, xây dựng các chương trình phát thanh trực tiếp (PTTT) với nội dung, cách làm hoàn toàn mới. Các chương trình PTTT với tính tương tác cao, đã chạm đến trái tim, được đông đảo thính giả đón nhận, yêu thích, chính là minh chứng cụ thể nhất cho sự chuyển đổi thành công từ phát thanh truyền thống sang phát thanh hiện đại của phát thanh Quảng Ninh những năm qua.
- Vậy các chương trình PTTT có dấu ấn như thế nào trong “dòng chảy” của phát thanh Quảng Ninh, thưa đồng chí?
+ Sự thay đổi về công nghệ đã tạo điều kiện để thay đổi phương thức sản xuất chương trình phát thanh từ gián tiếp sang trực tiếp. PTTT được coi là xu thế của phát thanh hiện đại bởi sự vượt trội trong cập nhật tin tức và tăng tính tương tác với người nghe. Hòa vào dòng chảy đổi mới theo hướng phát thanh hiện đại, phát thanh Quảng Ninh đã có sự nhập cuộc khá kịp thời để phù hợp với yêu cầu chung của nhịp sống số, trở thành một trong số các Đài địa phương ở miền Bắc đi đầu trong sản xuất những chương trình PTTT hấp dẫn, ấn tượng, tạo độ phủ sóng rộng đến thính giả ở cả trong và ngoài tỉnh.
Nói đến các chương trình PTTT của phát thanh Quảng Ninh, hẳn nhiều thính giả không quên các chương trình như “60 phút bạn và tôi”, “Hạnh phúc trong tay ta”, “Giai điệu yêu thương”, “Radio Quảng Ninh - Giờ cao điểm”, “Bác sĩ của bạn”... Với phương châm “Trực tiếp - Tương tác - Thảo luận”, mỗi chương trình PTTT đã thật sự trở thành diễn đàn để thính giả được nói, được trải lòng, tâm sự, thậm chí bày tỏ quan điểm, trao đổi về vấn đề một cách dân chủ. Chính điều đó đã tạo sức sống, sự hấp dẫn, sinh động cho mỗi chương trình PTTT.
Cùng với những chương trình PTTT phát sóng hằng ngày, hằng tuần, phát thanh Quảng Ninh còn chú trọng thực hiện các chương trình PTTT đưa tin sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch của tỉnh, đất nước, cầu phát thanh giao thừa dịp Tết Nguyên đán... Các chương trình mang thông tin nhanh, tin cậy, hấp dẫn, độc đáo, kết hợp với âm nhạc, tiếng động hiện trường mang hơi thở của cuộc sống. Những yếu tố đó đều hội tụ trong mỗi chương trình PTTT do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh sản xuất, đã góp phần kéo thính giả đến gần hơn, dành tình cảm, sự yêu mến nhiều hơn cho phát thanh Quảng Ninh. Đó là lý do để những người làm báo phát thanh tự hào khẳng định PTTT chính là “đặc sản” của phát thanh Quảng Ninh.
- Đồng chí có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ với phát thanh Quảng Ninh?
+ Gần 30 năm gắn bó với nghề báo và đặc biệt báo phát thanh, những kỷ niệm, những câu chuyện về làm nghề, những ngày tháng đi tác nghiệp, những trăn trở, đau đáu với những tác phẩm đi dự thi, tình cảm gắn bó với đồng nghiệp... đều là những kỷ niệm khó quên trong tôi.
Tôi còn nhớ, tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ VII năm 2005, tôi đã dự thi một tác phẩm thể loại phóng sự với tựa đề “Tiếng kêu cứu từ những cánh rừng ngập mặn ở Đồng Rui (Tiên Yên)” và năm đó, tác phẩm của tôi đã xuất sắc đoạt giải nhất của Liên hoan. Vinh dự hơn, tác phẩm của tôi được PGS.TS Vũ Quang Hào - giảng viên Khoa Báo chí và Truyền thông (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xin lại Ban tổ chức Liên hoan để làm tư liệu giảng dạy cho các khóa sinh viên đại học, học viên cao học. Đó là một dấu ấn đẹp trong cuộc đời làm báo của tôi.
Cùng với đó, năm 2007, khi ở vị trí Trưởng Ban Biên tập phát thanh, tôi đã mạnh dạn tham mưu cho lãnh đạo Đài PTTH Quảng Ninh khi ấy lần đầu tiên xin đăng cai tổ chức Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ VIII tại Quảng Ninh. Sự chuẩn bị chu đáo cho Liên hoan đã được ban tổ chức ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp, các Đài địa phương trong cả nước khi về Quảng Ninh tham dự. Tại Liên hoan ấy, Đài PTTH Quảng Ninh xuất sắc đoạt 1 giải Vàng và 1 giải Bạc. Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm 2007 đã trở thành cơ hội, dấu mốc quan trọng để phát thanh Quảng Ninh khẳng định thương hiệu trên bản đồ phát thanh cả nước.
Và từ đó đến nay, tại các kỳ Liên hoan phát thanh toàn quốc hay tham gia các giải báo chí Quốc gia, giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (giải Búa Liềm vàng), phát thanh Quảng Ninh đều giành nhiều giải cao.
- Là một trong những người dành nhiều tâm huyết, đặt nền tảng vững chắc, góp phần nâng tầm giúp phát thanh Quảng Ninh phát triển như ngày hôm nay, đồng chí muốn gửi gắm điều gì tới thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên đã, đang và sẽ gắn bó với sự nghiệp phát thanh?
+ Trong những năm qua, Đài PT - TH trước kia và nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. Từ đây, hình thành đội ngũ làm báo có chuyên môn, tay nghề giỏi, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn giữ mắt sáng, lòng trong, bút sắc để yêu nghề, say nghề, sẵn sàng cống hiến đưa báo phát thanh nói riêng và báo chí Quảng Ninh ngày càng phát triển xứng tầm.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm truyền thông phát thanh Quảng Ninh, một dấu mốc lịch sử để chúng ta cùng nhìn lại quá khứ, hướng tới tương lai, tôi mong muốn đội ngũ những người làm báo phát thanh Quảng Ninh hôm nay sẽ tiếp tục phát huy năng lực, tinh thần, tâm huyết, trách nhiệm để làm tròn sứ mệnh của người làm báo, sáng tạo ra các tác phẩm báo chí không chỉ đúng mà phải hay, hấp dẫn, góp phần định hướng công chúng đến phát triển các giá trị chân, thiện, mỹ của con người, lan tỏa những giá trị nhân văn đẹp đẽ của cuộc sống.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Dung
- Tổng duyệt cầu phát thanh trực tiếp “Ngày hội non sông”
- Khánh thành công trình Đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng phát thanh
- Vươn xa cánh sóng phát thanh Quảng Ninh
- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: "Đổi mới và Đa dạng" - Cơ hội của nghề báo phát thanh
- Ký kết hợp tác quản lý nhà nước về phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử
Liên kết website
Ý kiến ()