Trẻ sinh ra với hệ miễn dịch còn non yếu và dần được hoàn thiện cho đến tuổi trưởng thành. Duy trì một số thói quen lành mạnh là cách tốt để góp phần tăng cường sức đề kháng và giúp trẻ hồi phục nhanh hơn nếu mắc bệnh. Dưới đây là 7 biện pháp tăng miễn dịch điển hình.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn do làm giảm các tế bào tiêu diệt tự nhiên NK (natural killer cells), vốn là "vũ khí" của hệ miễn dịch chống lại vi khuẩn và tế bào ung thư.
Những trẻ có nguy cơ thiếu ngủ cha mẹ cần cho con ngủ sớm và đủ giấc để đảm bảo chúng được nghỉ ngơi nhiều. Nếu bé không thể hoặc không có thói quen ngủ trưa, hãy cố gắng cho chúng đi ngủ sớm hơn.
Trẻ sơ sinh có thể cần ngủ tới 16 giờ mỗi ngày, trẻ mới biết đi cần ngủ từ 11-14 giờ và trẻ mẫu giáo cần từ 10-13 giờ.
Tập thể dục
Nghiên cứu cho thấy tập thể dục làm tăng số lượng tế bào tiêu diệt tự nhiên NK ở cả người lớn và trẻ em. Để con làm quen với việc tập thể dục, cha mẹ hãy là một tấm gương, tập thể dục cùng con. Các hoạt động thể chất lành mạnh dành cho gia đình bao gồm đạp xe, đi bộ, trượt patin, bóng rổ và cầu lông...
Ăn nhiều trái cây và rau quả
Các loại trái cây và rau có màu sắc sặc sỡ như cà rốt, đậu xanh, cam và dâu tây có chứa caroten, là chất dinh dưỡng thực vật (phytonutrients) giúp tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy, phytonutrients còn giúp tăng sản xuất tế bào bạch cầu (có tác dụng chống nhiễm trùng) và interferon (kháng thể bao phủ bề mặt tế bào, ngăn chặn virus).
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng thực vật cũng có thể bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim ở tuổi trưởng thành. Hãy cố gắng cho trẻ ăn khoảng 5 khẩu phần trái cây và rau mỗi ngày.
Giữ vệ sinh sạch sẽ
Ngăn trẻ tiếp xúc với vi khuẩn, virus không làm tăng khả năng miễn dịch nhưng là cách tốt để giảm bớt áp lực cho hệ miễn dịch của con. Điều này có thể hữu ích nếu con đang mắc bệnh lý nào đó.
Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất là hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước. Cha mẹ cũng cần chú ý đến việc vệ sinh trước, sau mỗi bữa ăn và sau hoạt động vui chơi bên ngoài, bế thú cưng, đi vệ sinh hoặc từ trường về nhà.
Khi ra ngoài, hãy mang theo giấy ướt hoặc gel rửa tay khô. Nếu con bị ốm, hãy vứt bỏ bàn chải đánh răng sau đó. Barbara Rich, bác sĩ tại Học viện Nha khoa Tổng quát, Mỹ, cho biết trẻ không nhiễm cùng một loại virus gây cảm lạnh hoặc cúm 2 lần nhưng virus này có thể truyền từ bàn chải đánh răng này sang bàn chải đánh răng khác nếu để gần. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho các thành viên khác trong gia đình.
Cho con bú sữa mẹ
Sữa mẹ có chứa các kháng thể tăng cường khả năng miễn dịch và các tế bào bạch cầu. Các kháng thể này giúp bảo vệ cơ thể trẻ chống nhiễm trùng tai, dị ứng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng đường tiết niệu và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Các nghiên cứu cho thấy sữa mẹ còn giúp tăng cường sức mạnh não bộ của bé và giúp bảo vệ khỏi bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, bệnh Crohn, viêm đại tràng và một số dạng ung thư sau này khi lớn lên. Đặc biệt, sữa non có màu vàng, loãng chảy ra từ bầu ngực trong vài ngày đầu sau khi sinh rất giàu kháng thể chống lại bệnh tật.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. Nếu không đủ sữa, hãy cố gắng cho bú ít nhất từ 2-3 tháng đầu tiên để bổ sung khả năng miễn dịch cho bé.
Không tiếp xúc với khói thuốc
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, nhiều chất trong số đó có thể gây kích ứng hoặc giết chết các tế bào trong cơ thể. Trẻ em dễ bị ảnh hưởng bởi tác hại của khói thuốc hơn người lớn vì chúng thở với tốc độ nhanh hơn và hệ thống giải độc tự nhiên chưa hoàn thiện.
Khói thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, nhiễm trùng tai và hen suyễn, ảnh hưởng đến trí thông minh và sự phát triển thần kinh ở trẻ. Cha mẹ cũng nên lưu ý thuốc lá điện tử cũng có những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe trẻ em.
Tiêm phòng đầy đủ
Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo khuyến nghị có thể giúp hệ thống miễn dịch của trẻ chống lại các mầm bệnh nguy hiểm như viêm màng não, bại liệt và thủy đậu. Tiêm chủng cũng giúp hệ thống miễn dịch nhận biết một số loại vi khuẩn và virus mà chúng có thể gặp phải. Nhờ đó hệ miễn dịch sẽ sẵn sàng bảo vệ cơ thể trẻ chống lại tác nhân gây bệnh.
Nếu lo lắng về việc tiêm chủng, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ có thể giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của vacxin, những vaccine nào quan trọng đối với con và những thông tin hữu ích khác.
Ý kiến ()