Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:41 (GMT +7)
8 mối nguy từ việc bọc răng sứ không đảm bảo chất lượng
Chủ nhật, 02/07/2023 | 12:00:00 [GMT +7] A A
Bọc răng sứ ngày càng được nhiều người lựa chọn vì có thể cải thiện các khiếm khuyết của miệng, đồng thời giúp có hàm răng đẹp hơn. Tuy nhiên, bọc răng sứ sẽ trở thành thảm họa nếu lựa chọn các dịch vụ giá rẻ, không đảm bảo chất lượng…
1. Hệ lụy từ bọc răng sứ giá rẻ
- Viêm lợi: Viêm lợi, nướu bị sưng, tiết nhiều dịch là biến chứng thường gặp sau khi bọc răng sứ kém chất lượng. Nguyên nhân thường do kỹ thuật mài răng kém, không đúng tỉ lệ, gắn sứ sai kỹ thuật, vệ sinh vùng khoang miệng không sạch...
- Viêm tủy răng: Viêm tủy răng có thể xảy ra sau khi bọc răng sứ nếu bác sĩ thiếu kinh nghiệm và tay nghề kém. Điều này dễ dẫn đến việc mài răng sai, gây tổn thương đến cấu trúc răng thật. Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào tủy và gây ra viêm tủy.
Nếu tình trạng viêm tủy kéo dài có thể dẫn đến chết tủy, răng thật yếu dần, lung lay, thậm chí là mất răng.
- Hở cổ chân răng: Để đảm bảo việc bọc răng sứ khít với răng thật cần phải thực hiện đúng kỹ thuật, thao tác chuẩn xác. Nếu bọc răng sứ không khít sẽ làm hở cổ chân răng. Răng bị hở ở vị trí tiếp nối giữa răng sứ và nướu răng sẽ tạo ra khe và dễ đọng lại thức ăn thừa.
Hở cổ chân răng do bọc răng sứ gây vừa gây khó chịu vừa có thể gây viêm lợi, sâu răng, hôi miệng…
- Răng bị nứt vỡ: Răng sứ bị nứt vỡ cũng là hiện tượng dễ gặp. Nguyên nhân là do răng sứ không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.
- Hỏng răng thật: Hỏng răng thật là một trong những hệ lụy của việc sử dụng sứ kém chất lượng. Nhiều trường hợp bị viêm nhiễm, hư hại răng thật, thậm chí khiến răng thật bị lung lay.
- Răng sứ bị lung lay: Đây là cũng là mối nguy khi kỹ thuật bọc răng sứ kém. Kỹ thuật mài răng, cách lấy dấu răng… không chuẩn xác có thể ảnh hưởng đến chất lượng răng, khiến răng bị lung lay và tự rơi ra.
- Cảm giác ê buốt kéo dài: Khi bọc răng sứ, việc lựa chọn các dịch vụ giá rẻ có thể đi kèm theo kỹ thuật mài răng không đảm bảo, thiết bị kém chất lượng… Đây là nguyên nhân dẫn đến cảm giác ê, buốt, đau nhức răng kéo dài của nhiều người.
Thực tế, tình trạng răng sứ bị ê buốt này có thể xảy ra ở vài trường hợp răng quá nhạy cảm trong vòng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì rất có thể răng thật bị mài quá nhiều, chạm đến buồng tủy…
- Răng sứ bị kênh: Đây cũng là một nguyên nhân do kỹ thuật viên lấy dấu hàm không chính xác, khiến cho việc thiết kế răng sứ không khít với cùi răng.
2. Cần lưu ý gì khi bọc răng sứ?
Để đảm bảo bọc răng sứ an toàn, hiệu quả, cần lưu ý:
- Lựa chọn cơ sở y tế uy tín. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ về điều trị và chăm sóc răng.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng bàn chải mềm, đều đặn 2 lần/ngày. Sau mỗi bữa ăn, cũng nên chải răng để loại bỏ thức ăn thừa dắt ở kẽ răng.
- Không nên sử dụng tăm để lấy thức ăn thừa bởi dễ gây tổn thương đến các mô mềm xung quanh. Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch răng bọc sứ.
- Khám răng miệng định kỳ 2 lần/năm và lấy cao răng định kỳ. Nếu có các triệu chứng bất thường cần báo ngay với bác sĩ để xử trí kịp thời.
- Nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều canxi, vitamin. Hạn chế thực phẩm dai, cứng, thực phẩm có màu và uống nước đầy đủ mỗi ngày.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()