Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:41 (GMT +7)
86 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận đạt sao năm 2021
Thứ 4, 16/02/2022 | 10:06:49 [GMT +7] A A
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có quyết định cấp chứng nhận đạt sao năm 2021 đối với 86 sản phẩm OCOP. Trong đó có 22 sản phẩm đạt 3 sao, 64 sản phẩm 4 sao và 3 sản phẩm đủ điểm 5 sao để tham gia dự thi cấp quốc gia. Trước đó, từ ngày 22/11 đến 25/12/2021, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2021. Tham gia đánh giá có 100 sản phẩm được lựa chọn từ các cuộc thi cấp huyện. Qua 2 vòng đánh giá, Hội đồng đã thống nhất chọn ra 86 sản phẩm của 51 chủ thể sản xuất trình UBND tỉnh cấp chứng nhận đạt sao.
Đây là năm thứ 6 Quảng Ninh tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP. Trong 100 hồ sơ dự đánh giá năm nay có 23 hồ sơ (23,4%) sản phẩm đánh giá lại sau 3 năm, 75 hồ sơ (76,5%) dự thi mới. Về nhóm ngành: Có 69,3% sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 15,3% sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 13,2% sản phẩm thuộc nhóm thảo dược; 1% sản phẩm thuộc nhóm lưu niệm- nội thất- trang trí; 1% sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Hầu hết các hồ sơ sản phẩm đều tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh về việc lập hồ sơ dự thi với các minh chứng chính như: Phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm; giới thiệu về tổ chức; giấy đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; giấy kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm; hồ sơ tự công bố theo Nghị định 15 của Chính phủ; tiêu chuẩn cơ sở; cam kết bảo vệ môi trường; câu chuyện sản phẩm...
Ngoài ra để có điểm cao, các sản phẩm còn có minh chứng các hợp đồng thu mua nguyên liệu địa phương; hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; các chứng nhận về mã số mã vạch; chứng nhận sở hữu trí tuệ; chứng nhận điều kiện sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như: ISO, GMP, HACCP, VietGAP...
Đây cũng là năm thứ 2 Quảng Ninh ứng dụng công nghệ 4.0 vào đánh giá sản phẩm. Nếu như trước đây mỗi sản phẩm phải lập bộ hồ sơ đóng quyển và in 12 bộ gửi cho các thành viên Hội đồng và trong quá trình chấm, mỗi sản phẩm phải in 12 phiếu phát cho mỗi thành viên chấm thủ công, sau đó phải tự cộng điểm của mình để cho ra kết quả. Điều này khiến cho Tổ thư ký mất rất nhiều thời gian để tổng hợp điểm, thì nay hồ sơ được scan và đưa lên phần mềm chấm điểm từ cấp huyện, lên đến cấp tỉnh. Hội đồng có thể nghiên cứu trước hồ sơ minh chứng ở bất cứ đâu, chấm điểm trực tiếp trên phần mềm máy tính và tự động cho ra kết quả một cách chính xác, khách quan, công tâm; hồ sơ sản phẩm được lưu giữ lâu dài và có thể tra cứu bất cứ lúc nào khi cần. Với việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số mỗi năm tiết kiệm hàng trăm triệu đồng cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình đánh giá cũng còn bộc lộ một số hạn chế từ phía các chủ thể trong việc lập hồ sơ như: Tên sản phẩm, hoặc địa chỉ ghi trên nhãn, bao bì chưa trùng khớp với tên ghi trong hồ sơ; một số sản phẩm hồ sơ còn sơ sài không đảm bảo các minh chứng để đánh giá; có sản phẩm công bố tiêu chuẩn không đúng theo các chỉ tiêu kiểm nghiệm hoặc có công bố nhưng không gửi về Chi cục an toàn VSTP để xác nhận theo quy định; một số giấy tờ minh chứng hết hạn sử dụng; một số sản phẩm thời vụ chưa có sản phẩm mẫu để đánh giá... Đây là những thiếu khuyết đáng tiếc dẫn đến 10 sản phẩm bị loại không được cấp sao năm 2021.
Có thể nói việc tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP hằng năm đã góp phần tìm chọn ra các sản phẩm thực sự chất lượng, đảm bảo các tiêu chí và điều kiện an toàn để cung cấp ra thị trường. Qua đó ngày càng khẳng định uy tín và thương hiệu của Chương trình OCOP.
Các sản phẩm đạt sao năm nay dự kiến sẽ được UBND tỉnh tổ chức công bố và trao chứng nhận vào thời điểm thích hợp trong năm 2022.
Bá Trinh (Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()