Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 04:37 (GMT +7)
9 nguyên nhân khiến bạn mất ngủ
Thứ 5, 30/06/2022 | 22:09:58 [GMT +7] A A
Tình trạng mất ngủ làm ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ, ghi nhớ, tập trung hay năng suất lao động...
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn mất ngủ vào ban đêm.
Ảnh hưởng bởi tuổi tác
Mất ngủ về đêm thường gặp ở những người cao tuổi, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên. Khi tuổi tác tăng cao sẽ khiến khả năng tiết ra hormone tăng trưởng bị hạn chế, từ đó giấc ngủ của người già sẽ bị ảnh hưởng xấu, gây tình trạng mất ngủ kéo dài.
Thay đổi nội tiết tố
Chứng mất ngủ về đêm cũng dễ bắt gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc đang trong giai đoạn mang thai, sau sinh. Bởi vì trong thời kỳ này, nội tiết tố của phụ nữ dễ bị thay đổi bất thường, lượng hormone bị suy giảm đáng kể.
Áp lực, căng thẳng kéo dài
Căng thẳng kéo dài sẽ làm cho não bộ phải hoạt động liên tục, hệ thần kinh trung ương luôn cảm thấy hưng phấn nên giấc ngủ sẽ trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, khi cơ thể ở trạng thái stress quá mức sẽ làm cho hệ thần kinh phóng thích ra các nội tiết tố như cortisol, adrenalin… để cơ thể có thể kích ứng tốt hơn. Khi các tác động này diễn ra với cường độ cao và kéo dài sẽ gây ức chế và khiến cơ thể rơi vào trạng thái rối loạn giấc ngủ.
Làm việc quá nhiều trước khi đi ngủ
Làm việc khuya sẽ khiến bạn không thể thư giãn và chuẩn bị cho cơ thể đi ngủ. Vì vậy bạn cần dành ít nhất một giờ trước khi đi ngủ để dừng mọi công việc có thể gây mệt mỏi, áp lực cho cơ thể và tinh thần. Những việc bạn có thể làm là đọc sách, nghe nhạc… bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thư thái nhất trước khi đi ngủ.
Caffein
Sau khi sử dụng cà phê thì phải mất tới 8 giờ để những tác động của caffein chấm dứt tác động tới kích thích thần kinh của bạn. Sử dụng caffeine sẽ khiến bạn khó ngủ vào ban đêm, trằn trọc và trở nên mệt mỏi.
Rượu
Rượu có thể làm cho bạn cảm thấy buồn ngủ, nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon. Bạn có thể thiếp đi khi uống rượu, nhưng chính men rượu sẽ khiến bạn giật mình tỉnh giấc giữa đêm và rất khó có thể ngủ trở lại.
Rối loạn nhịp sinh học
Thức khuya và ngủ nướng là thói quen của nhiều người, tuy nhiên điều này có thể làm rối loạn nhịp sinh học của cơ thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Ngủ trưa quá muộn
Ngủ trưa quá muộn sẽ khiến bạn bị mất ngủ và khó ngủ vào ban đêm. Chính vì vậy, nếu cần ngủ trưa, hãy duy trì giấc ngủ dưới 30 phút vào đầu giờ chiều.
Ánh sáng từ tivi, điện thoại
Nhiều người thường có thói quen xem ti vi trước khi đi ngủ để dễ đi vào giấc ngủ hơn. Nhưng chính ánh sáng và tiếng động từ ti vi là nguyên nhân khiến bạn giật mình tỉnh dậy giữa đêm. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ làm trầm trọng hơn chứng mất ngủ về đêm của bạn. Ngoài ra, việc kiểm tra email, sử dụng điện thoại trước khi ngủ cũng sẽ ngăn não bộ tạm dừng hoạt động, kích thích chứng mất ngủ.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()