Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 22:32 (GMT +7)
Bài 2: Giải pháp từ đâu?
Thứ 6, 02/11/2012 | 08:02:25 [GMT +7] A A
Do hạ tầng yếu kém, do nhận thức của người dân, do thiếu kinh phí đầu tư... hàng loạt các lý do được ngành điện đưa ra giải thích cho tình trạng xuống cấp của hệ thống điện nông thôn trên địa bàn huyện Đông Triều. Và cái người dân đang mong mỏi nhất lúc này là giải pháp nào để đảm bảo an toàn cho họ trước những nguy hiểm treo ngay trên đầu?
Nguyên nhân của tình trạng điện yếu ở các thôn, xã trên địa bàn huyện Đông Triều thời gian qua, theo giải thích của Điện lực Đông Triều là do hệ thống lưới điện kém và xa trạm biến áp. Đã rất nhiều lần, người dân các địa phương bức xúc, phản ánh về tình trạng thiếu điện sinh hoạt trầm trọng tới ngành điện trong các lần tiếp xúc cử tri và chất vấn tại các kỳ họp HĐND huyện. Thậm chí, lãnh đạo các xã còn có văn bản đề nghị ngành Điện cải tạo, sửa chữa hệ thống đường dây đã quá cũ và xây dựng thêm trạm biến áp để tăng chất lượng phục vụ điện cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thu, Bí thư, Trưởng thôn Tràng Bảng 1, xã Tràng An cho biết: “Tình trạng điện yếu gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân không phải Điện lực Đông Triều không biết. Ngành điện hứa nhiều lần lắm rồi, hết năm này đến năm khác. Nào là giữa năm 2012 sẽ làm xong trạm điện, rồi năm 2013 sẽ tu sửa đường dây, vậy mà đến nay, tình trạng điện yếu vẫn chưa được khắc phục”.
Điện không ổn định nên các hộ dân ở thôn Đồng Cấm (xã Nguyễn Huệ, Đông Triều) phải thắp đèn dầu mỗi tối. |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2009, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Đông Triều đã bàn giao cho Điện lực Đông Triều nguyên trạng lưới điện của 18 xã, với trên 33.000 khách hàng, hàng trăm km đường dây hạ áp, trung áp và trên 130 trạm biến áp. Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu nên hệ thống lưới điện nông thôn lúc đó cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, sau khi tiếp nhận lưới điện nông thôn, Điện lực Đông Triều đã lập dự toán, báo cáo Công ty Điện lực Quảng Ninh để có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa. Trong thời gian qua, ngành điện cũng đã có sự quan tâm đầu tư hệ thống đường dây, cột điện, các trạm biến áp trên địa bàn huyện với rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Đến hết năm 2010, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã hoàn thành dự án xây dựng lưới điện nông thôn giai đoạn I trên địa bàn huyện Đông Triều với tổng số vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng; đại tu nâng tiết diện 4 đường dây 35kV với tổng vốn là 25 tỷ đồng, đại tu nâng cấp 2 đường dây 6kV, 2 đường dây 10kV với tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Năm 2012 này, tiếp tục đầu tư xây dựng 1 trạm biến áp 110kV với tổng vốn trên 70 tỷ đồng và triển khai 3 công trình chống quá tải với tổng vốn trên 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng nguồn vốn sửa chữa thường xuyên, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng thay trên 50.000m cáp các loại, nâng công suất cho trên 60 trạm biến áp phân phối và đầu tư hơn 8 tỷ đồng để nâng công suất 2 trạm biến áp trung gian. Tuy nhiên, sự đầu tư này chỉ như “muối bỏ bể” bởi hệ thống lưới điện nông thôn trên địa bàn toàn huyện quá nhiều, trong khi kinh phí đầu tư còn nhiều hạn chế. Ông Đỗ Xuân Hải, Giám đốc Điện lực Đông Triều cho biết: “Hiện nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn giai đoạn II trên địa bàn huyện Đông Triều với tổng vốn đầu tư trên 65 tỷ đồng. Dự kiến kế hoạch đến hết năm 2013 cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện Đông Triều. Lúc đó, tình trạng điện áp thấp của khoảng 5.000 hộ dân trên địa bàn huyện (chiếm 15% số hộ dùng điện) sẽ được ổn định và an toàn hơn bây giờ”.
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp khắc phục những nguy hiểm do hệ thống lưới điện nông thôn đang xuống cấp hiện nay, ông Đỗ Xuân Hải, Giám đốc Điện lực Đông Triều cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Điện lực Đông Triều nói riêng và Công ty Điện lực Quảng Ninh nói chung sẽ tập trung các nguồn vốn để đầu tư các trạm biến áp và các đường dây hạ thế. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền Luật điện lực, các văn bản hướng dẫn đảm bảo an toàn sử dụng điện tới mọi người dân. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành điện trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, tìm các nguồn vốn để đầu tư cải tạo nâng cao chất lượng điện áp cũng như đảm bảo an toàn lưới điện, đặc biệt là lưới điện hạ áp nông thôn”.
Có lẽ trong khi chờ ngành điện cải tạo lại hệ thống lưới điện nông thôn đã xuống cấp thì ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần phải nâng cao trách nhiệm tự đầu tư cải tạo đường dây sau công tơ, đảm bảo an toàn theo quy định lưới điện nông thôn. Việc trang bị những kiến thức về điện rất quan trọng, bởi điều này sẽ giúp mỗi người dân tự bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, tránh những tai nạn về điện có thể xảy ra.
Thu Trang (Đài Đông Triều)
Liên kết website
Ý kiến ()