Tất cả chuyên mục

Những cuộc khảo cổ và các công trình nghiên cứu về Vân Đồn của các nhà khoa học thời gian qua đã phát hiện hàng ngàn hiện vật quý liên quan đến địa danh này. Đây được xem là nguồn tư liệu quan trọng, là cơ sở khoa học cho những nhận định đầy đủ về một thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh cũng đang lưu giữ hàng trăm hiện vật như vậy. Trong số đó có 2 hiện vật khá thú vị là bản đồ Hồng Đức và bức tranh Thương cảng. Tuy chỉ là bản chụp, song 2 hiện vật này được đánh giá chứa đựng nhiều thông tin mới lạ về thương cảng một thời lẫy lừng trong lịch sử - thương cảng Vân Đồn.
Bức tranh thương cảng do Bảo tàng tỉnh sưu tầm.
Theo nhân viên thuyết minh Bảo tàng, bản đồ Hồng Đức được một vị giáo sư sử học giới thiệu. Theo đó, bản đồ được ghi chú "An Nam quốc trung đô, tính thập tam thừa tuyên hình thắng đồ hoạ. An Bang đồ". Được vẽ năm Hồng Đức thứ 21, ngày mồng 6 tháng 4 năm Canh Tuất (1490). Như những gì được ghi trong tài liệu Hán Nôm, Viện Hán Nôm, đây là một trong những bản đồ cổ. Trên bản đồ vẽ rất rõ các thương cảng chính như Vân Đồn, Vạn Ninh, Hồng Đàm. Trong đó 2 địa danh quan trọng trong hệ thống thương cảng là Vân Đồn và Vạn Ninh được thể hiện chính xác với những nét đặc thù như nằm trong một vụng biển kín, tiếp giáp với nhiều đường giao thông thuỷ đi Trung Quốc và các nước khác. Vị trí nằm cạnh cửa sông Bạch Đằng, một tuyến giao thông chính vào kinh kỳ và nhiều địa phương khác. Riêng bãi Hồng Đàm, một địa danh được nhắc đến nhiều trong "Lịch triều hiến chương loại chí", căn cứ vào vị trí được vẽ trên bản đồ, phỏng đoán có thể là ở vùng đảo Cô Tô hiện nay. Qua bản đồ Hồng Đức cho thấy nhiều địa danh quan trọng của vùng An Bang, mối quan hệ chặt chẽ giữa Vân Đồn với phủ, giữa Vân Đồn với các huyện, châu khác. Thể hiện những thông tin bước đầu về địa lý hành chính của một thương cảng tồn tại cách đây nhiều thế kỷ.
Năm 1998, Bảo tàng Quảng Ninh đã sưu tập được bản chụp một bức tranh cổ vẽ thương cảng trên vịnh Bắc Bộ trong tập sách "Gốm Việt Nam, một nét riêng truyền thống", một tài liệu khoa học của Mỹ. Qua nghiên cứu cho thấy nhiều khả năng đây là một bức tranh vẽ về một bến cảng nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Bởi về không gian, bức tranh mô tả khá gần với bến thuyền trên đảo Quan Lạn với núi Vân và hòn Ba Ngơi (ba lần nghỉ), những đặc điểm riêng có của Vân Đồn. Về hành chính, bức tranh có ghi chú 2 chữ "Đông Lĩnh", đây cũng là tên đỉnh núi cao nhất, một thôn cổ của Vân Đồn xưa, hiện tại vẫn còn và được ghi nhận trên bản đồ hành chính đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Bức tranh mô tả khu dân cư, các tường rào bao quanh khu thương cảng, có nhiều thuyền buôn đang có mặt trên bến bốc xếp hàng hoá. Với 3 chiếc thuyền mành, một loại thuyền được dùng chủ yếu trong các cuộc viễn dương có 2 hoặc 3 cột buồm lớn, mỗi cột đều có buồm nhỏ. Có thể nói toàn bộ bức tranh toát lên khung cảnh nhộn nhịp của một thương cảng. Song vẫn cho thấy sự phát triển dân cư và sự quản lý chặt chẽ của nhà nước đối với địa bàn này. Điều này thể hiện qua chi tiết khu dân cư và khu bến cảng được tách bằng hệ thống tường rào kiên cố. Theo Bảo tàng, qua quy mô và nhịp độ buôn bán của thương cảng được thể hiện trong tranh, bức tranh có thể được vẽ vào thời Hậu Lê, tức là khi mà thương cảng Vân Đồn đang được phục hồi và phát triển mạnh.
Qua bản đồ Hồng Đức và bức tranh Thương cảng có thể bước đầu hình dung về vị trí, mối quan hệ về giao thông và địa giới hành chính của thương cảng Vân Đồn. Đồng thời, có thể hình dung được quy mô kiến trúc xây dựng thương cảng này, khung cảnh, dân cư và cả vẻ đẹp tự nhiên riêng có của Vân Đồn. Đây cũng là những tư liệu sinh động cho công tác tuyên truyền, giáo dục về Vân Đồn, nhất là trong bối cảnh hiện nay việc phục dựng lại một bức tranh tái hiện hoạt động của một vùng thương cảng sầm uất xa xưa đang gặp nhiều khó khăn.
Ý kiến (0)