Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 04:29 (GMT +7)
“Hạ nhiệt”cho khiếu kiện liên quan đến đất đai: Cần một giải pháp đồng bộ
Thứ 5, 24/05/2012 | 04:07:01 [GMT +7] A A
Khó khăn và bất cập
Theo thống kê của ngành Thanh tra, thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo có chiều hướng gia tăng, trong đó khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm trên 70%. Nội dung khiếu nại, tố cáo tập trung vào việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất, bố trí tái định cư, đòi lại đất cũ và tranh chấp quyền sử dụng đất. Nhiều vụ việc khiếu nại nổi cộm, mang tính bức xúc như vụ việc của các xã viên các hợp tác xã trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí hay khiếu nại của các hộ dân ở phường Ninh Dương (dự án Tây Ka Long); phường Hải Hoà (TP Móng Cái).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng khiếu kiện về đất đai, như sự biến động lớn về chủ sử dụng đất do sự xáo trộn về nơi cư trú, sự thay đổi về chính sách đất đai... Mặc dù pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003) không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai nhưng nhiều người vẫn tranh chấp hoặc khiếu nại để đòi đất cũ của mình. Cụ thể nhiều người dân tuy được Nhà nước giao đất để canh tác, làm nhà ở nhưng một thời gian dài đã bỏ không sử dụng, đến khi Nhà nước giao lại cho người khác sử dụng thì quay trở lại đòi quyền sở hữu... Bên cạnh đó là các biện pháp, chế tài để triển khai thực hiện các kết luận, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chưa đủ mạnh, làm cho kết luận, quyết định giải quyết chưa được thực hiện nghiêm. Một số vụ việc áp dụng pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo có lúc chưa thống nhất. Việc tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật nói chung, Luật Khiếu nại, tố cáo nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong cộng đồng dân cư chưa thường xuyên nên nhận thức của một bộ phận nhân dân về pháp luật còn mơ hồ cũng dẫn đến phát sinh các khiếu kiện.
Hội đồng tiếp dân của tỉnh đối thoại với các hộ dân phường Hải Hòa (TP Móng Cái). |
Một nguyên nhân khác đó là do sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai. Từ sau khi pháp luật có quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và quy định cho người sử dụng đất có đầy đủ các quyền nhưng việc nắm bắt kịp thời các quy định pháp luật của cán bộ và người dân hạn chế. Việc hiểu các quy định pháp luật cũng không đầy đủ và quan niệm về chế độ sở hữu tư nhân về đất đai trong nhân dân vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, do việc ban hành văn bản pháp luật về đất đai theo từng giai đoạn lịch sử, phát triển của đất nước nên thiếu đồng bộ và còn chồng chéo, thiếu công bằng, người hưởng chính sách sau được lợi hơn người hưởng chính sách trước (có một số trường hợp những người chây ỳ, không chấp hành pháp luật được lợi hơn người chấp hành nghiêm pháp luật), từ đó dẫn đến so bì, khiếu kiện. Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của nhiều cơ quan chuyên môn thì nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc khiếu nại về đất đai luôn “nóng” đó là do công tác bồi thường GPMB còn nhiều bất cập.
Trong quá trình thu hồi đất để thực hiện dự án, ở nhiều nơi, nhiều địa phương, những người làm công tác GPMB chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận. Do vậy đã dẫn tới chỉ quan tâm thu hồi đất của Nhà nước, nhấn mạnh việc tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư (thu hồi theo giá Nhà nước quy định quá thấp, giao đất tái định cư lại theo giá gần sát giá thị trường). Chính bởi sự thiếu khách quan này đã tạo cho người dân bị ức chế về tâm lý dẫn đến không chấp hành việc bị thu hồi, gây khó khăn cho công tác GPMB.
Chưa kể trong việc giải quyết hậu GPMB thường thiếu tính khả thi và công bằng giữa lợi ích của xã hội với lợi ích của những người có đất bị thu hồi. Nhiều địa phương chưa chú ý đến vấn đề bảo đảm điều kiện tái định cư, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi, nhất là đối với nông dân không còn hoặc còn ít đất sản xuất hoặc những người không còn việc làm như nơi ở cũ. Một số nơi chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, còn xem nhẹ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, giải quyết chưa kịp thời, dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đùn đẩy lên cấp trên, để tích tụ lâu ngày trở thành khiếu nại đông người, khiếu nại kéo dài.
Cần một giải pháp đồng bộ
Để giảm thiểu khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi và từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về đất đai để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời góp phần hạn chế những tồn tại, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. Chính sách, pháp luật về đất đai cần sửa đổi, hoàn thiện, khắc phục những bất cập, chưa đồng bộ, khung giá bồi thường khi thu hồi đất một cách hợp lý; khuyến khích động viên cá nhân, cơ quan tích cực giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu dân, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết. Bên cạnh đó cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước về đất đai; tăng cường công tác quản lý nhà nước ở địa phương, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Đặc biệt cần coi trọng công tác vận động hoà giải, đối thoại trực tiếp giữa những người đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện với công dân, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, không để tồn đọng đơn, thư khiếu nại. Kiên quyết không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự, tăng cường công tác hoà giải ở cơ sở. Các tổ chức đoàn thể phải phát huy vai trò cầu nối giữa người dân với Đảng và chính quyền theo chức năng của tổ chức mình, khi có sự việc xảy ra phải chủ động nắm bắt nội dung, tìm hiểu nguyên nhân, xác định đối tượng cần tập trung và thời gian thích hợp để tổ chức vận động, thuyết phục, phối hợp với chính quyền giải quyết vụ việc. Và như lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói: Đừng bao giờ để chính quyền phải đối đầu với dân, phải coi quyền lợi của dân là cái gốc trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo.
Đặng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()