Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 02:30 (GMT +7)
Nâng cao ý thức đơn vị khai thác là giải pháp số 1
Thứ 6, 10/05/2013 | 08:45:19 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gia tăng. Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây không ít hệ lụy tới môi trường... Do đó, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản cần được chú trọng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Những tác động nguy hiểm
Hiện nay toàn tỉnh có 150 khu vực, mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Trong đó, chủ yếu là khai thác than, sét gạch ngói, sét xi măng, đá vôi xây dựng, đá vôi xi măng, cát xây dựng, cát thuỷ tinh, quặng pyrophilit, nước khoáng, quặng sắt và silic làm phụ gia xi măng... Theo đánh giá chung khai thác khoáng sản là ngành tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm bụi, tiếng ồn, nước thải mỏ, chất thải rắn và đất đai bị phá huỷ. Trong quá trình khai thác, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản và lân cận thường xuyên bị ô nhiễm do bụi, khí nổ và tiếng ồn phát sinh ở hầu hết các khâu sản xuất. Hiện nay do ảnh hưởng của quá trình khai thác than nên các khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê đang phải sống chung với bụi. Nguồn phát sinh bụi lớn nhất là từ các khâu sàng, chế biến, vận chuyển than. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại vùng than Quảng Ninh, tổng lượng nước thải mỏ khoảng 25-30 triệu m3/năm. Nước thải mỏ gây nhiều ảnh hưởng đến hệ thống sông, suối, hồ, vùng ven biển như gây bồi lấp, làm mất nguồn sinh thuỷ, suy giảm chất lượng nước... Do tác động lâu ngày, trong đó có tác động của khai thác than trái phép trong một thời gian dài, một số hồ thuỷ lợi vùng Đông Triều đã bị chua hoá, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ nông nghiệp.
Khai thác đá tại Công ty TNHH Bài Thơ, xã Thống Nhất (Hoành Bồ). |
Theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua, phần lớn các đơn vị, nhất là những đơn vị khai thác đá xây dựng không thực hiện một số nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt như: không lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi khu vực nghiền sàng, không bố trí phương tiện tưới nước trên tuyến đường vận chuyển, thực hiện không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo quy định. Một số khu vực khai thác do không thực hiện đầy đủ các biện pháp công trình bảo vệ môi trường, không thực hiện kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền đã gây bức xúc trong nhân dân.
Trong năm 2012, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra 21 đơn vị khai thác, chế biến đá, qua kết quả kiểm tra thực tế tại khai trường sản xuất bụi phát sinh chủ yếu từ trong các khâu: Ô tô đổ liệu vào phễu của bộ phận hàm kẹp, nghiền đập đá tại bộ phận búa đập hoặc nghiền côn, sàng phân loại đá tại bộ phận sàng rung, rót tạo các đống sản phẩm tại các đầu băng tải và hoạt động xúc lên ô tô vận chuyển. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị chưa thực hiện việc xây dựng nhà kín, có lắp đặt hệ thống phun nước, phun sương tại một số vị trí phát sinh bụi trong hệ thống nghiền, sàng như: phễu chứa hàm kẹp, búa đập, nhưng do số lượng đầu phun sương, phun nước còn hạn chế, áp lực nước tại các đầu phun không cao nên hiệu quả hạn chế bụi tại khai trường sản xuất thấp.
Giải pháp hữu hiệu
Nhằm khắc phục những tồn tại về môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, đến nay các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, cải tiến thiết bị và hạn chế những tác động xấu đến môi trường. Đơn cử như Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Bài Thơ đã hoàn thành việc lắp đặt nhà khung kín tại bộ phận sàng, nghiền; lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu, hàm kẹp, nghiền côn, các đầu băng tải; lắp đặt ống chụp mềm tại các đầu băng tải, xung quanh khu vực bãi chứa thành phẩm và dọc tuyến đường vận chuyển. Ngoài ra một số đơn vị như: Xí nghiệp Phú Cường đã lắp đặt phần khung nhà bao che máy nghiền, Xí nghiệp sản xuất đá Phương Đông, Công ty Cổ phần Phương Mai đã trang bị hệ thống phun sương dập bụi khu vực chế biến đá và dọc tuyến đường vận chuyển nội bộ... Đặc biệt, nhằm giải quyết tốt các vấn đề môi trường và nâng cao năng suất lao động, ngành Than đã tiến hành đổi mới công nghệ khai thác than ở các mỏ lộ thiên theo hướng sử dụng các loại thiết bị có công suất lớn và phù hợp với quy mô, điều kiện của từng mỏ như máy khoan xoay đập thuỷ lực đường kính khoan đến 160mm, phương pháp xúc chọn lọc với máy xúc thuỷ lực gầu ngược, dung tích gầu đến 15 m3, sử dụng xe ô tô tự đổ tải trọng cỡ lớn 55-60 tấn và 90-110 tấn. Trong công nghệ khai thác hầm lò, ngành đã áp dụng công tác cơ giới hoá trong việc đào lò xây dựng cơ bản bằng các tổ hợp thiết bị khoan thiều cần, sử dụng phương pháp chống giữ các đường lò XDCB bằng vì neo phun bê tông; sử dụng máy liên hợp khấu than. Đồng thời, các đơn vị trong ngành Than đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải mỏ đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường là 2 lĩnh vực luôn đối nghịch với nhau vì đã khai thác khoáng sản thì không thể tránh khỏi huỷ hoại môi trường. Vì vậy, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường khi khai thác khoáng cần được cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị khai thác khoáng sản quan tâm hơn nữa để đảm bảo phát triển bền vững.
Mạnh Đạt
(Sở Tài nguyên và Môi trường)
Liên kết website
Ý kiến ()