Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 15/12/2024 20:31 (GMT +7)
Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 15/12/2024 | 15:08:47 [GMT +7] A A
Để có được một sản phẩm OCOP nếu được cho là khó một, thì để giữ được, xây dựng và phát triển trở thành sản phẩm hàng hoá, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế khó gấp nhiều lần. Vì vậy, việc rà soát các sản phẩm đạt sao, các sản phẩm tham gia chu trình đã được tỉnh đặc biệt chú trọng, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, chỉ tính từ năm 2020 đến hết năm 2024, sau khi rà soát các sản phẩm đã đạt từ 3-5 sao; 159 sản phẩm không đảm bảo để tham gia chương trình, trong đó sản phẩm đạt 3 sao là 31, sản phẩm đạt 4 sao là 5 còn lại 123 sản phẩm tham gia.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao, (trong đó: 296 sản phẩm đạt 3 sao; 93 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao). Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và có cơ hội vươn ra thị trường lớn.
Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này cần phải được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại.
Theo đó, năm 2024, qua rà soát, kiểm tra đã có 71 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên (trong đó có 29 sản phẩm đạt từ 3-4 sao và 42 sản phẩm tham gia Chu trình OCOP) của 47 chủ thể đã hết hạn 36 tháng công nhận. Nguyên nhân là do một số chủ thể đang trong quá trình thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác để phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới; một số chủ thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó nữa mà chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác.
Mặt khác, các sản phẩm OCOP hết hiệu lực chủ yếu là được công nhận từ năm 2020 theo Quyết định số 1048/QĐ-TTg, ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ “về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã phường một sản phẩm”, trong khi Quyết định số 148/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngày 24 tháng 02 năm 2023 “Về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình mỗi xã một sản phẩm”; thì bộ tiêu chí mới với nhiều nội dung, tiêu chuẩn hơn. Đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi hết hạn nếu không được công nhận lại sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu OCOP để in, dán trên bao bì đối với các sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Để không chỉ gỡ khó cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp, tham gia vào các sản phẩm OCOP, mà còn thực hiện có hiệu quả mục tiêu, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã chỉ đạo các sở, ngành thuộc Ban chỉ đạo OCOP và các địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiến hành rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng, sản phẩm bản địa... để phát triển sản phẩm OCOP.
Đối với việc nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như nâng cấp bao bì… mới đáp ứng đầy đủ điều kiện. Còn muốn nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.
Phạm Hải
- OCOP Quảng Ninh - Điểm tựa cho phát triển kinh tế nông nghiệp
- Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Thu Đông 2024
- Quảng Ninh phát triển sản phẩm OCOP
- Vân Đồn: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm OCOP
- Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
- Chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ thị trường cuối năm
Liên kết website
Ý kiến ()