Tất cả chuyên mục

Những ngày này chuyến tàu chiều đưa khách từ Hạ Long về với Quan Lạn như đông hơn thường nhật. Anh lái tàu cho hay, anh đã làm công việc chạy tàu khách Hòn Gai - Quan Lạn từ nhiều năm nay, mỗi dịp tết đến xuân về những chuyến tàu luôn chật cứng hành khách và chủ yếu là người đi làm ăn xa, nam nữ thanh niên đi sắm tết… Ngày càng ít người từ đảo về ăn tết trong đất liền vì theo anh cuộc sống của người dân trên đảo không những đã bớt khó khăn mà mỗi ngày một thay da đổi thịt, khấm khá hơn. Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết song ngay lúc này, không khí xuân dường như đã tràn ngập đâu đây, len lỏi trong những câu chuyện, lời hỏi han của hành khách, nào là việc buôn bán cuối năm, nào là chuẩn bị cho ngày tết… làm cho không khí ngày xuân như ấm cúng hơn. Khi tàu gần cập bến, Quan Lạn hiện ra trước mắt chúng tôi với những dải cát trắng, những cánh rừng phi lao chạy dài theo cánh sóng tô điểm cho xã đảo một nét xuân dịu dàng, tươi tắn khó lẫn với bất cứ nơi đâu.
![]() |
Hằng năm, tại đình Quan Lạn diễn ra lễ hội truyền thống Vân Đồn. Trong ảnh: Các binh sỹ làm lễ diễu hành tại miếu Đức Ông trước khi đua thuyền tại lễ hội truyền thống Vân Đồn 2011. Ảnh: Trần Minh |
Là xã đảo của huyện Vân Đồn, Quan Lạn có diện tích tự nhiên trên 6.500ha, dân số hơn 3.600 nhân khẩu sống ở 8 thôn với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Từ xa xưa, Quan Lạn đã được biết đến là một vùng đất cổ, phát triển khá sớm cả về kinh tế lẫn văn hoá - Nơi có thương cảng cổ Vân Đồn được triều đại nhà Lý thiết lập vào năm 1149; nơi lập nên chiến công tiêu diệt đoàn tiếp viện của quân Nguyên Mông vào mùa xuân tháng 2 năm 1288. Người dân Quan Lạn từ xưa đã được biết đến là giỏi giang, từ người bôn ba xứ người đến người bám trụ xã đảo đều mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, không cam phận nghèo khó. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, với điều kiện tự nhiên của một xã đảo, người dân ở đây đã phát huy những lợi thế, không ngừng tìm tòi những hướng phát triển kinh tế phù hợp, phong phú các loại hình nghề như khai thác thuỷ sản, dịch vụ buôn bán, vận tải biển, vận tải hành khách, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản… Tuy nhiên, thời gian đầu, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nghề vận tải không đủ sức vươn xa, khai thác thuỷ sản sản lượng còn thấp do ngư cụ đánh bắt còn lạc hậu; dịch vụ chỉ thưa thớt một vài điểm trong xã, nông nghiệp không phát triển do còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện tự nhiên. Với sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm như: Mạng lưới giao thông, trường học, bưu điện, trạm xá, cầu cảng, nhà văn hoá… của Nhà nước đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống cho nhân dân. Để kinh tế - xã hội địa phương phát triển vững chắc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25, nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và phát triển các thành phần kinh tế theo hướng “Dịch vụ du lịch, khai thác nuôi trồng thuỷ hải sản, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp”. Đây là một bước chuyển hướng quan trọng, góp phần tạo nên một diện mạo mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngư nghiệp là tiềm năng, thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của xã nên từ lâu xã coi đây là ngành kinh tế quan trọng góp phần ổn định đời sống nhân dân. Trong những năm qua chính quyền địa phương đã có những chủ trương, định hướng đúng đắn tạo sự phát triển bền vững cho ngành kinh tế này trên cả 3 lĩnh vực: Khai thác, nuôi trồng và chế biến. Hiện nay, trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản, nghề khai thác sá sùng luôn chiếm trên 60% giá trị khai thác thuỷ sản trên địa bàn, giải quyết việc làm ổn định cho từ 450-500 lao động, mỗi năm cho nguồn thu ước tính từ 10-15 tỷ đồng. Cùng với khai thác sá sùng, nghề khai thác và chế biến sứa cũng mang lại thu nhập khá cao cho một bộ phận lớn người dân nơi đây. Hiện tại, toàn xã có 8 cơ sở chế biến sứa, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, vào khi cao điểm, giá một đầu sứa lên tới 25.000 - 30.000 đồng đã mang đến nguồn thu 8-10 tỷ đồng mỗi năm cho người dân xã đảo. Hiện nay, toàn xã có hơn 100 phương tiện tàu thuyền đánh bắt hải sản, năng suất bình quân hàng năm thu từ 750-800 tấn thuỷ sản các loại. Cùng với nghề khai thác, những năm gần đây, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã được người dân quan tâm phát triển. Hiện đã có hơn 20 hộ dân thôn Tân Lập đưa vào nuôi các loại nhuyễn thể cho giá trị kinh tế cao như tu hài, hàu Thái Bình Dương, ngao… cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Xác định du lịch, dịch vụ luôn là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đảo luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 4 doanh nghiệp đầu tư lớn vào các hạng mục du lịch sinh thái tại địa phương như: Công ty Vân Hải, Công ty VIT Hạ Long, Công ty Việt Mỹ, Công ty Vân Hải Xanh, đầu tư phát triển du lịch trên diện tích hàng trăm ha. Cùng với đó, bằng vốn tự có của các hộ gia đình cộng với vốn vay ngân hàng, trên 20 nhà nghỉ, khách sạn từ 3 đến 5 tầng cũng được xây dựng đã đưa vào phục vụ khách du lịch trong nhiều năm nay. Đặc biệt có những hộ gia đình còn đầu tư từ 5 đến 7 con tàu có phòng lưu trú, trị giá mỗi con tàu từ 4 đến 7 tỷ đồng. Hiện nay, toàn xã đã có trên 300 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, trên 50 điểm dịch vụ, gần 100 phương tiện xe lam… đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách khi đến với xã đảo. Theo thống kê, những năm gần đây, lượng du khách đến Quan Lạn ngày một tăng với trên 2,5 vạn lượt khách mỗi năm, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến với Quan Lạn ngày một đông.
Rời trụ sở UBND xã, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng 20, đơn vị bộ đội đang đóng quân trên địa bàn, những con người đang ngày đêm canh giữ cho sự bình yên của xã đảo Quan Lạn nói riêng và Tổ quốc thân yêu nói chung. Lúc này chỉ có một số cán bộ, chiến sĩ đang ở lại đồn làm công tác trực ban và dọn dẹp vệ sinh nhà cửa để chuẩn bị đón tết. Chỉ huy đơn vị vui vẻ cho biết: 100% cán bộ, chiến sĩ luôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị phải được đặt lên hàng đầu, không dao động trước bất kỳ tình huống nào. Vì thế vui xuân mới không quên nhiệm vụ, bảo vệ nguyên vẹn chủ quyền trên biển và địa bàn đóng quân. Vào những ngày giáp tết như hiện nay, cán bộ, chiến sĩ càng phải tăng cường công tác tuần tra bảo vệ biên giới biển, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hoá qua biên giới đồng thời đảm bảo an ninh trên địa bàn để nhân dân đón tết vui vẻ. Trên 70% quân số đơn vị luôn trực sẵn sàng chiến đấu. Hiện nay, đơn vị đã chuẩn bị cho cán bộ, chiến sĩ đón tết đầy đủ, chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Phần lớn chiến sĩ, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ đều có nguyện vọng muốn được ở lại đơn vị đón tết vì ai cũng mong muốn được đón giao thừa trong tình cảm đồng chí, đồng đội.
Chúng tôi tạm biệt Quan Lạn vào buổi sớm mai trong tiết trời xuân se lạnh. Cuộc sống ấm no đang dần đến với người dân xã đảo. Một thị tứ giữa trùng khơi đang từng bước được hình thành với những khu phố nhỏ khang trang, những con đường bê tông rợp bóng mát và những khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang dần hình thành. Tuy nhiên, cũng như đồng chí Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã băn khoăn, mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng khi người dân vẫn phải sử dụng điện giá cao trên 16.000 đồng/KWh như hiện nay và nguồn nước ngọt dùng trong sinh hoạt khan hiếm sẽ là trở ngại lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hữu Việt
Ý kiến (0)