Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 04/01/2025 21:40 (GMT +7)
Thấy gì qua việc trùng tu, tôn tạo di tích đền Trung Cốc?
Thứ 2, 12/12/2011 | 05:46:03 [GMT +7] A A
Chúng tôi về đền Trung Cốc (xã Nam Hoà, Yên Hưng) vào cuối tháng 11-2011, nghĩa là chỉ cách thời điểm khởi công trùng tu, tôn tạo đền khoảng 4 tháng, vậy nhưng những gì nhìn thấy đã khiến chúng tôi khá bất ngờ. Trên mặt bằng xây dựng, ngôi đền chính với thiết kế 5 gian tiền đường và 3 gian hậu cung có tổng diện tích mặt bằng 105m2 đã gần như xong về phần gỗ cũng là phần cơ bản của đền, trong đó hậu cung đã được lợp mái, xây tường bao... Nhìn sang bên là công trình nhà đón tiếp, soạn lễ đã xây dựng xong hiện đang được trưng dụng để đặt các đồ thờ tự của đền, sát đó là am hoá vàng khá lớn đã xong phần thô. Và ngổn ngang phía sau đền là rất nhiều gỗ đang được thợ gia công tích cực phục vụ cho việc xây dựng nhà mẫu cũng có diện tích khá lớn (100m2) v.v.. Theo một cán bộ Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh (đơn vị chủ đầu tư công trình) thì nhà thầu cam kết sẽ hoàn thiện phần đền chính để du khách thập phương có thể về đây thắp hương thờ tự trong dịp Tết Nguyên đán tới đây.
Đền Trung Cốc hiện đã hoàn thiện về cơ bản phần gỗ cũng là phần cơ bản của công trình. (ảnh chụp vào ngày 29-11-2011). |
Qua tìm hiểu cho thấy, đền Trung Cốc đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Lưu truyền trong dân gian thì ban đầu đền khá đơn giản, chỉ được lợp bằng tranh, sau đó lại xây bằng đá trên gò đất cao ở khu vực gần sông Bạch Đằng thờ Trần Hưng Đạo và Phạm Ngũ Lão, hai vị anh hùng của dân tộc, lưu niệm sự kiện lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Đến mấy chục năm trở lại đây thì đền chỉ còn là công trình xây theo lối kiến trúc phổ thông nhưng thường xuyên phải trùng tu, tôn tạo lại. Chị Nguyễn Thị Dịu, một người dân thôn Đồng Cốc, xã Nam Hoà sinh sống và giúp việc tại đền cho biết, trong vòng khoảng hai chục năm trở lại đây, đền đã được đầu tư tôn tạo đến 3 lần. Lúc đầu, chỉ là định cải tạo nâng cấp thôi nhưng khi dỡ ra thì các hạng mục công trình, vật liệu đều bị nát hỏng, mối mọt nên cuối cùng đều phải đập hết đi làm lại. Chị Dịu khẳng định: “Dù chưa hoàn thiện nhưng nhìn vật liệu, quy mô đã thấy ngôi đền mới sẽ to, đẹp hơn hẳn so với công trình cũ trước đây...”. Nói về việc tôn tạo lại công trình đền Trung Cốc lần này, anh Nguyễn Mạnh Vường, Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban Quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh cho biết: “Công trình được làm theo lối kiến trúc cổ, sử dụng những vật liệu bền vững, chắc chắn với toàn bộ kết cấu gỗ làm bằng gỗ lim, các chân đá tảng kê cột, tường hậu cung và bao quanh tiền đường xây bằng gạch chỉ. Đồng thời, vì đây là doi đất cổ, xung quanh trước đây là đầm nước, mối tập trung rất nhiều nên khi tiến hành xây dựng thì việc phòng chống mối trong các hạng mục rất được chú trọng...”.
Với tổng nguồn vốn đầu tư cụm công trình là 14,847 tỷ đồng, trong đó đền chính là nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương và ngân sách tỉnh chiếm khoảng phần lớn kinh phí, còn lại là kinh phí dành cho các công trình khác từ nguồn xã hội hoá và huy động hợp pháp khác. Tuy vậy, năm nay, ngân sách nhà nước chi cho công trình đền chính mới giải ngân 2 tỷ đồng trong khi thực chi của nhà thầu lớn hơn rất nhiều. Khi mà không ít công trình xây dựng liên quan đến các di tích hiện nay đang bị chậm tiến độ vì thiếu nguồn vốn do giải ngân chậm, nhà thầu hạn chế về năng lực vốn thì những nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đền Trung Cốc thật đáng biểu dương, khen ngợi. Bên cạnh đó, sức mạnh từ xã hội hoá cũng rất đáng khích lệ khi được biết là ngoài đền chính thì gần như toàn bộ các hạng mục còn lại trong tổng khuôn viên lên tới 4.851m2 như: Nhà mẫu (có diện tích tương đương đền chính), nhà đón tiếp, soạn lễ, nhà kho, bếp, các hạng mục phụ trợ như sân, tường rào, mương nước, am hoá vàng... đều huy động từ sự đóng góp của nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp quanh vùng cũng như du khách thập phương. Chưa có thống kê cuối cùng nhưng cứ nhìn vật liệu gỗ dùng để xây dựng nhà mẫu, chưa kể một số hạng mục đã và đang đi vào hoàn thiện thì cũng thấy chắc chắn con số đó là không nhỏ.
Dù đã được đẩy nhanh về tiến độ nhưng thực tế cho thấy công trình cũng còn nhiều phần việc phải hoàn thiện. Mong rằng, việc trùng tu, tôn tạo đền Trung Cốc sẽ hoàn tất theo đúng kế hoạch, xứng đáng là công trình chào mừng 50 năm thành lập tỉnh, đồng thời góp phần phát huy giá trị một di tích nằm trong tổng thể cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Quảng Ninh.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()