Tất cả chuyên mục

Môn tiếng Trung chính thức được ngành GD-ĐT tỉnh đưa vào giảng dạy từ năm 2001 nhưng chỉ là thí điểm ở một số trường THCS. Còn Trường THPT Trần Phú, mãi năm 2005 mới bắt đầu có môn tiếng Trung để đón lứa học sinh tiếng Trung cấp THCS nhưng có thể coi đây là đơn vị đầu tiên của cấp THPT trên địa bàn tỉnh “khai phá” môn ngoại ngữ này. Và giờ đây, tiếng Trung đã trở thành “thương hiệu” của Trường THPT Trần Phú khi tạo dựng được “một sơri giải thưởng” học sinh giỏi cấp quốc gia và cấp tỉnh.
TP Móng Cái có đường biên giới giáp với TP Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Trung bình mỗi ngày, thành phố đón khoảng 6.000 lượt thương nhân Trung Quốc qua lại buôn bán và đi du lịch. Vì thế, việc đưa tiếng Trung vào giảng dạy trong Trường THPT Trần Phú có ý nghĩa rất lớn; không chỉ thể hiện mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước; xu hướng giáo dục hội nhập quốc tế mà còn đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Theo thầy giáo Nguyễn Công Đoàn, học sinh học tiếng Trung ở trường, sau khi tốt nghiệp THPT, dù không đi học đại học, cao đẳng hay học nghề cũng dễ dàng kiếm được công việc chân chính để nuôi sống bản thân như: Bán hàng thuê cho các thương nhân Trung Quốc hay đi làm phiên dịch… “Rất nhiều bạn trẻ ở đây đã coi tiếng Trung như “chiếc cần câu cơm”. Vì thế, bên cạnh học văn hoá thì học tiếng Trung đã trở thành nhu cầu” - thầy giáo Nguyễn Công Đoàn nói.
![]() |
Đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng CNTT là “bí quyết” tạo nên “thương hiệu” tiếng Trung ở Trường THPT Trần Phú. |
Là đơn vị “khai phá” đầu tiên môn học này trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh nên Trường THPT Trần Phú gặp không ít khó khăn trong buổi đầu giảng dạy. Biết được điều đó, nhà trường đã rất quan tâm, đầu tư đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy và học. Không những thế, nhà trường còn khuyến khích và tạo điều kiện để giáo viên tự học, bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Nhận được sự quan tâm ấy, các thầy, cô giáo nhóm tiếng Trung cũng rất tâm huyết, say nghề tự tìm tòi phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả; khai thác triệt để tài liệu giảng dạy nước ngoài để làm phong phú thêm tài liệu giảng dạy của nhà trường; đồng thời, tổ chức cho học sinh tham gia các chương trình giao lưu với một số trường học của Trung Quốc để giúp học sinh tự làm giàu vốn ngoại ngữ, tăng khả năng, tự tin và bạo dạn hơn trong giao tiếp. Hiện nhóm tiếng Trung của nhà trường có 5 thầy, cô giáo phụ trách giảng dạy cho khoảng 400 học sinh. Thầy giáo Nguyễn Công Đoàn là người đầu tiên tham gia giảng dạy môn học này tại trường. Tuy đã tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, từng là thành viên Hội đồng biên soạn SGK tiếng Trung của Bộ GD-ĐT nhưng thầy Đoàn vẫn không tự bằng lòng. Anh tự bỏ tiền túi để tự túc du học tại Bắc Kinh 1 năm và hiện nay đang tiếp tục du học tại Quảng Tây với thời gian 3 năm.
Nhờ có những thầy, cô giáo tâm huyết như vậy nên môn tiếng Trung ở Trường THPT Trần Phú đã gặt hái được rất nhiều thành tích đáng nể trong công tác giáo dục và nâng cao chất lượng dạy, học. Ngay năm học 2006-2007, lần đầu tiên tỉnh tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi môn tiếng Trung, nhà trường đã “ẵm” gọn 12 giải. Đến năm học 2007-2008, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi tiếng Trung cấp quốc gia, đội tuyển của trường cũng giật giải. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, nhà trường đều có từ 7-10 học sinh đoạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia. Một niềm vui nữa là từ sau những khoá tốt nghiệp THPT, rất nhiều học sinh của nhà trường với vốn tiếng Trung được trang bị đã đi du học tại Trung Quốc bằng nhiều nguồn, nhiều hình thức khác nhau; nhiều em còn được nhận học bổng tại các trường đại học của Trung Quốc.
Thiện Phong
Ý kiến ()