Tất cả chuyên mục

Sinh ra và lớn lên tại Mạo Khê (Đông Triều), tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp vào năm 1976, kỹ sư Lê Văn Toán được giữ lại trường làm giảng viên. Năm 1983, anh sang Liên Xô nghiên cứu sinh và đến năm 1987 thì tốt nghiệp, rồi được phân về Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm - nông nghiệp Quảng Ninh công tác và làm Giám đốc Trung tâm cho đến nay.
Quá trình công tác, tiến sĩ Lê Văn Toán luôn miệt mài nghiên cứu, có nhiều sáng kiến ứng dụng KHCN vào sản xuất, góp phần đắc lực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tiêu biểu là sáng kiến ứng dụng công nghệ sinh học, nhân giống bằng phương pháp mô hom để sản xuất cây giống bạch đàn, keo lai theo quy mô công nghiệp. Phương pháp nhân giống mới này giờ đã thay thế hẳn phương pháp gieo hạt hữu tính trước đây, chất lượng vừa kém, hiệu quả lại không cao. Từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm đơn vị sản xuất được từ 8 triệu đến 10 triệu cây giống, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong tỉnh mà cả các tỉnh vùng Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên. Cùng với đó, Trung tâm đã nghiên cứu thành công việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô. Công trình này đã được đưa vào ứng dụng sản xuất gần 10 năm nay, đem lại năng suất, chất lượng cao. Hiện mỗi năm đơn vị sản xuất được khoảng 50 tấn giống, phục vụ tốt nhu cầu của bà con nông dân trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Tiến sĩ Lê Văn Toán đã thành công với phương pháp trồng lan hồ điệp mới. |
Đặc biệt, sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu (bắt đầu từ năm 2003), tiến sĩ Lê Văn Toán và đồng nghiệp đã nghiên cứu và thực hiện thành công công trình khoa học ứng dụng công nghệ “nhà màng nilon kín + máy lạnh” để chủ động điều chỉnh môi trường, thiết lập hệ thống nuôi trồng và điều khiển tại chỗ cây lan hồ điệp nở hoa theo ý muốn ở vùng có vĩ độ thấp trên quy mô công nghiệp. Công trình đã đạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ III - năm 2011. Tiến sĩ Lê Văn Toán cho biết: Qua nghiên cứu thị trường thấy lan hồ điệp là loại hoa cao cấp, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm có sức tiêu thụ lớn và bán rất được giá. Đây là loài hoa quý, nguồn cung ở thị trường trong tỉnh, trong nước chưa đáp ứng được mà chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan về với giá thành đắt, vận chuyển khó khăn. Giám đốc Lê Văn Toán cùng các kỹ sư của Trung tâm quyết tâm đầu tư nghiên cứu, tìm ra giải pháp xây dựng hệ thống nuôi trồng và xử lý tại chỗ cây lan hồ điệp với quy mô công nghiệp, tạo ra sản phẩm cao cấp phục vụ nội địa và hướng tới xuất khẩu. Với quyết tâm đó, sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, công trình của tiến sĩ Lê Văn Toán và đồng sự đã thành công.
Tiến sĩ Lê Văn Toán cho biết: Với cách nuôi trồng cũ thì chỉ tuyển chọn được từ giống lan hồ điệp của Hà Lan một giống phù hợp với điều kiện nuôi trồng ở miền Bắc là HL3. Viện Nghiên cứu Rau quả cũng đã nhập nội 7 giống lan hồ điệp từ Hà Lan, nhưng cũng chỉ tuyển chọn được 2 giống là LVR2, LVR4. Còn nếu ứng dụng công nghệ do anh và đồng nghiệp nghiên cứu, trong 2 năm (2008-2009) đơn vị nhập nội 30 giống lan hồ điệp từ Trung Quốc với đa dạng màu sắc, kiểu dáng thì hầu hết các giống đều sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ đầu tiên năm 2010, Trung tâm đã trồng thành công 1,2 vạn cây lan hồ điệp thương phẩm phục vụ người tiêu dùng ở địa phương dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Trung tâm đã trồng được tới 7 vạn cây. Đã có hàng chục đơn vị trong nước đến Trung tâm để học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trồng lan hồ điệp.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Khác với phương pháp trồng hoa truyền thống (trồng ở vùng thấp có nhiệt độ cao, khi thúc hoa phải đưa cây lên vùng núi cao có nhiệt độ thấp), Trung tâm đã xử lý để kết hợp cả quá trình nuôi trồng và thúc hoa đều diễn ra cùng một chỗ ngay tại nhà màng nuôi trồng cây ở vùng thấp. Cụ thể, Trung tâm đã chủ động điều tiết nhiệt độ bên trong nhà màng để điều khiển thời gian ra hoa bằng hai chế độ nhiệt độ khác nhau: Ban ngày nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh để cây ở pha sinh trưởng sinh dưỡng; ban đêm nhiệt độ thấp để cây ở pha sinh trưởng sinh thực. Để làm được điều này, kết cấu ban đầu của nhà màng đã được Trung tâm lắp đặt bổ sung hệ thống máy lạnh công suất lớn nhằm chủ động hạ nhiệt theo yêu cầu. Đồng thời cho dựng thêm một vách nilon tạo thành nhà màng có vách kép để tăng độ bảo ôn, giúp làm tăng hiệu quả làm lạnh mà vẫn đảm bảo đủ ánh sáng nuôi cây bên trong nhà màng. Với cách này, tại thời điểm đưa cây vào xử lý thúc hoa (từ tháng 8 đến tháng 9 dương lịch) khi nhiệt độ bên ngoài vào buổi tối vẫn còn cao (khoảng 25oC) thì chạy máy lạnh để nhiệt độ bên trong nhà màng giảm còn 17oC, tạo chênh lệnh về nhiệt độ ngày/đêm từ 7 đến 10oC để thúc đẩy quá trình phân hoá mầm hoa. Tuỳ theo giống, sau 20 đến 60 ngày xử lý nhiệt độ thấp tại chỗ, cây hình thành mầm hoa, nuôi trồng tiếp sau 3 đến 4 tháng sẽ cho hoa thương phẩm... Theo tiến sĩ Lê Văn Toán, thực hiện giải pháp này, Trung tâm chỉ cần sử dụng vật tư trong nước, nguồn vốn đầu tư ban đầu không lớn. Do vậy, có thể ứng dụng rộng rãi trên quy mô công nghiệp và bằng phương pháp xử lý thúc hoa tại chỗ như đơn vị đang áp dụng so với phương án thúc hoa truyền thống (đưa lên núi cao) đã giảm được chi phí trên 180 triệu đồng/vụ (quy mô 5 vạn cây/chu kỳ 2 năm).
Tuấn Hương
Ý kiến ()