Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:26 (GMT +7)
Đơn vị điển hình của ngành Giao thông tỉnh
Thứ 7, 15/01/2022 | 10:20:31 [GMT +7] A A
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông đã làm tốt công tác tham mưu giúp Sở GTVT trong triển khai xây dựng, điều hòa, bổ sung kế hoạch bảo trì các dự án, công trình thuộc phạm vi quản lý, nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn được giao. Đáng chú ý, trong 2 năm qua, Ban là đơn vị duy nhất của tỉnh thực hiện 100% đấu thầu qua mạng.
Hiện Quảng Ninh đang khai thác, vận hành 2 tuyến cao tốc, 7 tuyến quốc lộ và 24 tuyến tỉnh lộ, đường nhánh với tổng chiều dài hơn 1.000km. Năm 2022, tỉnh sẽ đưa thêm tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, một số tuyến đầu nối đến các KKT, KCN vào khai thác, tạo thành mạng lưới giao thông rộng khắp, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, đi lại, giao thương của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, triển khai nhiều dự án xây dựng mới... trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá nhiều tuyến đường, kết cấu hạ tầng giao thông xuống cấp do thời gian dài sử dụng kéo dài, lưu lượng xe lớn, thời tiết diễn biến phức tạp đã dẫn đến nhiều vị trí không còn phù hợp với mật độ giao thông, trở thành “điểm đen”... ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện qua tuyến. Trước thực tế này, từ năm 2015 đến nay, Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền thực hiện đầu tư hàng trăm công trình sửa chữa định kỳ, đột xuất, khắc phục bão lũ, xử lý ngập lụt. Trong đó, đã xử lý gần 100 điểm đen, điểm tiềm ẩn mất ATGT trên các tuyến quốc lộ, các điểm ngập lụt trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ và triển khai thực hiện công trình khắc phục hậu quả mưa lũ theo lệnh khẩn cấp của UBND tỉnh.
Để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả, trong tổ chức thực hiện, Ban đã tập trung triển khai các thủ tục xây dựng cơ bản theo quy định. Việc áp dụng đấu thầu qua mạng không chỉ rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch, tiết kiệm nguồn lực về thời gian, nhân lực và chi phí, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ 4.0 mà còn phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Riêng từ năm 2020 đến nay, Ban đã triển khai 35 dự án với tổng giá trị các gói thầu gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị trúng thầu ít hơn dự toán, đã tiết kiệm cho ngân sách được gần 10 tỷ đồng; tỷ lệ lựa chọn nhà thầu qua mạng đạt 100%.
Trong quá trình triển khai các dự án, để đảm bảo thời gian, chất lượng công trình, ngay từ giai đoạn thương thảo hợp đồng, Ban đã yêu cầu nhà thầu lập biểu đồ tiến độ thi công chi tiết và giao tư vấn giám sát thường trú tại hiện trường có trách nhiệm giám sát chất lượng công trình, thực hiện cam kết tiến độ của các nhà thầu và báo cáo về Ban, để có giải pháp xử lý kịp thời. Lãnh đạo Ban thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất về chất lượng, tiến độ để nắm bắt tình hình triển khai thực tế tại hiện trường và những vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ. Đối với các công trình có nguy cơ chậm tiến độ, Ban đều yêu cầu nhà thầu đăng ký lại tiến độ thi công chi tiết, huy động tăng cường thêm thiết bị, nhân lực để bù tiến độ chậm trước đó, đảm bảo bám sát kế hoạch.
Điển hình như các dự án: Sửa chữa hư hỏng cục bộ nền, mặt đường QL18, QL279; quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường tỉnh và đường nhánh trên địa bàn các địa phương trong tỉnh; sửa chữa định kỳ tỉnh lộ 326, 342, 345... Đây đều là các vị trí cải tạo, sửa chữa mang tính cấp bách, do liên quan trực tiếp đến việc tham gia giao thông của người dân.
Ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông, cho biết: Việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng được Ban giám sát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp, các quy chế và quy định của Nhà nước. 100% hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đều được Ban công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để thực hiện đấu thầu qua mạng. Trong quá trình mời thầu qua mạng, các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định. Theo đánh giá năng lực, các nhà thầu đấu thầu qua mạng đều đảm bảo đáp ứng tiến độ, sớm hoàn thành công trình đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả đầu tư.
Được biết, để nâng cao hiệu quả, chất lượng bảo trì, sửa chữa, Ban Quản lý dự án vốn sự nghiệp giao thông đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn, Trường Đại học công nghệ GTVT Hà Nội thí điểm nhiều giải pháp công nghệ thi công mới, hiện đại, yêu cầu nhà thầu ứng dụng vào từng dự án như thi công lớp phủ CERAMIC để thay thế công nghệ sơn vạch kẻ đường, giảm tốc bằng sơn phản quang truyền thống; sử dụng cột hộ lan hình Z để tăng khả năng ATGT; sử dụng lớp phủ tạo nhám và màu trong xử lý điểm đen về ATGT... Qua đó, thời gian bảo trì, sửa chữa các tuyến đường được rút ngắn, các điểm đen giao thông được xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt, được các địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()