Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 14:26 (GMT +7)
Lãnh đạo tỉnh gặp mặt, đối thoại với công nhân, viên chức lao động
Thứ 6, 19/05/2023 | 15:00:00 [GMT +7] A A
Ngày 19/5, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Đây là diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để lãnh đạo tỉnh và đội ngũ CNVCLĐ trao đổi về những kiến nghị, đề xuất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng… từ đó có những quyết sách, điều chỉnh phù hợp trong tình hình mới.
Dự hội nghị có các đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh cùng hơn 300 CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh là một trong những "cái nôi" hình thành và phát triển của giai cấp công nhân Việt Nam. Với đội ngũ công nhân không ngừng phát triển, các thế hệ công nhân đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp tại Vùng mỏ. Trong đó, giá trị cốt lõi làm nên đặc trưng là tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm". Đây là tài sản tinh thần vô giá - văn hóa phi vật thể, nhưng đã có sức mạnh to lớn làm nên lịch sử và tầm vóc của giai cấp công nhân nói riêng và cả Vùng mỏ anh hùng nói chung.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 400.000 CNVCLĐ. Trong những năm qua, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn không ngừng phát triển lớn mạnh, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể của tỉnh. Tại các cuộc làm việc, gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với cán bộ công đoàn và CNVCLĐ, nhiều vấn đề, đề đạt đã được tỉnh từng bước giải quyết; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, đơn vị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bối cảnh sau đại dịch Covid-19, dù tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi trở lại, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống và thực hiện các chế độ, chính sách của người lao động. Đây là những vấn đề hiện nay CNVCLĐ đang quan tâm, băn khoăn.
Tại buổi gặp mặt, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh đã thông tin về kết quả phát triển KT-XH của tỉnh: Triển khai các nhiệm vụ trong phát triển KT-XH, Quảng Ninh có những thuận lợi, nhưng đan xen không ít khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiên trì, nỗ lực giữ vững địa bàn an toàn, ổn định chính trị - kinh tế - xã hội và đã đạt được kết quả quan trọng.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2022 đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp (2016 - 2022), Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 8,06%, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 13/63 các tỉnh/thành trong cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; công tác quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên và môi trường được thúc đẩy tăng cường. Các lĩnh vực phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc…
Nhân buổi gặp mặt, đồng chí mong muốn bằng niềm tự hào về sự phát triển của tỉnh, sự nhiệt huyết, cống hiến và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", CNVCLĐ sẽ tiếp tục chia sẻ tâm tư, nguyên vọng, hiến kế, tham góp những ý kiến tâm huyết, các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chăm lo tốt hơn nữa cho công nhân lao động. Đó cũng chính là cách thể hiện trách nhiệm của mình, đóng góp, cống hiến sức mình cho sự phát triển chung của tỉnh.
Trên cơ sở đi thẳng vào các vấn đề quan tâm, tinh thần hiến kế, xây dựng cao… tại hội nghị, đã có 16 câu hỏi, ý kiến đặt ra được các đồng chí lãnh đạo tỉnh tập trung làm rõ với nhiều nội dung quan trọng liên quan đến các chính sách thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh; chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển nhà ở cho công nhân lao động; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân lao động…
Để làm rõ các câu hỏi từ đại biểu dự hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã giải đáp những thắc mắc, kiến nghị trên tinh thần khách quan; có gợi mở những định hướng, kế hoạch, quyết tâm của tỉnh trong đồng hành, hỗ trợ, chăm lo, xây dựng đời sống CNVCLĐ, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao đến từ các đại biểu dự buổi gặp mặt.
Các đồng chí bày tỏ cảm ơn đối với đội ngũ CNVCLĐ đã luôn đồng hành cùng tỉnh trong triển khai các mục tiêu phát triển và mong muốn CNVCLĐ với tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", sẽ đẩy mạnh thi đua, lập thành tích chào mừng Tháng công nhân; kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh (30/10/1963- 30/10/2023)…
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao các ý kiến phát biểu từ những đại diện CNVCLĐ.
Đồng chí nhấn mạnh: Bao trùm trong các ý kiến phát biểu thấy rõ được niềm tự hào về mảnh đất Quảng Ninh, vùng mỏ anh hùng, "cái nôi" của giai cấp công nhân, truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm", văn hóa người Vùng mỏ. Đây có thể ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, ngọn lửa nhiệt huyết luôn cháy trong trái tim mỗi CNVCLĐ Vùng mỏ, lan tỏa ra đời sống xã hội.
Đồng chí nhấn mạnh: Quảng Ninh - vùng đất rộng lớn, yên bình, giàu đẹp, nơi Bác Hồ đặt tên, trở thành phên giậu vững chắc của đất nước và vùng Đông Bắc với chặng đường 60 năm phát triển, 40 năm đổi mới. Trong chặng đường này, tỉnh đã thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu, tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu đẹp và lời chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Tự hào về Quảng Ninh, nơi hội tụ 5 yếu tố của văn hóa đắc đặc sắc, nơi giao thoa, thống nhất trong đa dạng nền văn minh Sông Hồng - là khởi nguồn của nền công nghiệp khai khoáng và phát triển của giai cấp công nhân; văn hóa vùng biển; văn hóa giai cấp công nhân mỏ; văn hóa đồng bào dân tộc đang được bảo tồn, gìn giữ; văn hóa Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Tự hào về một địa phương năng động, sáng tạo và phát triển ngay cả trong bối cảnh khó khăn nhất, Đảng bộ có truyền thống đoàn kết, có tinh thần sức mạnh, có đổi mới phương thức, có bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu quả, chính quyền liêm khiết, kiến tạo. Địa phương có văn hóa hội nhập, có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối liên vùng…
Nhân dịp Tháng Công nhân, thời điểm hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh (30/10/1963 - 30/10/2023), niềm tự hào này càng phải gìn giữ, phát huy, lan tỏa cho các thế hệ CNVCLĐ hôm nay và mai sau.
Để nhân lên niềm tự hào, phát huy truyền thống tốt đẹp của một tỉnh sáng tạo, năng động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chính quyền cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các hoạt động xây dựng, tổ chức công đoàn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới để công đoàn thực sự là cơ sở chính trị, xã hội vững chắc của Đảng, chính quyền; là trung tâm tập hợp đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động trong toàn tỉnh; xây dựng giai cấp công nhân ở Quảng Ninh vững mạnh, tiên phong trong nhiệm vụ phát triển KT-XH nhanh, hiệu quả, bền vững.
Song song với đó, cần tăng cường nắm bắt tình hình, tư tưởng, đời sống của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, xây dựng niềm tin, tạo sự gắn bó, xử lý kịp thời mọi vấn đề phát sinh trong công nhân lao động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, giữ vững an ninh công nhân.
Các đơn vị liên quan cần nghiêm túc tiếp thu, xem xét, giải quyết thấu đáo, đầy đủ, không né tránh các ý kiến, kiến nghị từ đại diện CNVCLĐ gửi đến; dành thời gian chủ động nắm bắt, tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị chính đáng, nguyện vọng của công nhân, người lao động, công đoàn ngành… Để từ đó có các kiến nghị, chính sách phù hợp trong đào tạo, nâng cao trách nhiệm người sử dụng lao động; có chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội, đảm bảo các quyền của người lao động; thu hẹp khu vực lao động phi chính thức…
Cần khẩn trương hiện thực hóa các chủ trương nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Quan tâm đặc biệt đến các công tác đảm bảo ATGT, an ninh công nhân, an toàn thực phẩm để đảm bảo cho CNVCLĐ có một cuộc sống tốt đẹp, thích ứng đối với những thay đổi của đời sống xã hội, để nguồn nhân lực trở thành nguồn động lực và nguồn lực thúc đẩy các mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()