Lịch thi đấu dày đặc với cường độ cao đang tạo ra bóng ma chấn thương sát World Cup, điều những ngôi sao đặc biệt muốn tránh.
Chỉ trong một tuần, ứng viên hàng đầu cho chức vô địch World Cup 2022, Argentina, phải tái mặt trước các diễn biến trên thảm cỏ châu Âu. Từ Lionel Messi, Paulo Dybala đến Angel Di Maria, tất cả đều nghỉ thi đấu vì các chấn thương liên quan tới vùng bắp đùi.
Các chấn thương đến trong giai đoạn chỉ còn một tháng nữa tới World Cup là lời cảnh báo cho những cầu thủ ngôi sao. Không ai muốn lỡ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh còn lịch thi đấu cấp CLB đang ngày một nặng nề.
Đá giữ chân vì thế đang là tư duy phổ biến ở các ngôi sao lúc này.
Nỗi ám ảnh
Jose Mourinho đã gần như phát khóc trong phòng họp báo khi nói về trường hợp của Dybala. Chân sút người Argentina ghi bàn mang về chiến thắng thứ 6 sau 9 vòng tại Serie A mùa này cho đội bóng thủ đô nhưng ngay lập tức rời sân với cái tay ôm đùi sau.
Ngôi sao sinh năm 1993 được dự đoán dính chấn thương cơ tứ đầu xương đùi và phải nghỉ thi đấu từ 4-8 tuần. Trong bối cảnh World Cup chỉ còn chưa đầy 40 ngày, đây là cú đấm cực nặng vào cơ hội tranh tài của Dybala tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh và cũng là đòn đau giáng vào những phương án tấn công của tuyển Argentina.
Trước đó, Leo Messi cũng gặp vấn đề về đầu gối. Khác Dybala, Messi được cho nghỉ ngay lập tức vì vị thế cũng như tầm ảnh hưởng cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG. PSG lẫn Argentina đều không muốn rủi ro với ngôi sao quan trọng nhất tập thể. PSG thực tế cũng không quá cần Messi để đạt được mục tiêu ngắn hạn tại Champions League và Ligue 1.
Không phải ai cũng may mắn như Messi. Angel Di Maria vừa trở lại sau chấn thương đã phải tiếp tục cày ải cho Juve khi "Bà đầm già" có chuỗi phong độ tồi tệ. Kết quả: Tiền vệ người Argentina rời sân với nước mắt chỉ sau 24 phút ở trận thua Maccabi Haifa do chấn thương dài hạn, đứng trước nguy cơ lỡ World Cup có thể là cuối cùng trong sự nghiệp.
Bất kỳ chấn thương nào ở thời điểm World Cup chỉ còn một tháng cũng là thảm họa. Không ít ngôi sao hàng đầu vì thế đang có dấu hiệu giữ chân vào lúc này. Virgil van Dijk của Liverpool là một trường hợp tiêu biểu. Kể từ đầu mùa, trung vệ người Hà Lan đá hời hợt thấy rõ cả ở cấp độ CLB lẫn tuyển quốc gia. Van Dijk chưa dự World Cup lần nào trong sự nghiệp. Kỳ Cúp thế giới tại Qatar sắp tới là lần đầu tiên và cũng có thể cuối cùng trung vệ sinh năm 1991 có cơ hội.
Điểm chung của Dybala, Messi, Di Maria hay Van Dijk là gì? Tất cả đều đặt mục tiêu lớn tại World Cup 2022. Việc vắng mặt vì chấn thương là điều không thể chấp nhận được với nhóm cầu thủ ngôi sao có quá nhiều thứ để mất này.
Không hết mình
Thể thao nói chung luôn khuyến khích các CLB tung ra đội hình mạnh nhất để thi đấu, đạt kết quả và sau cùng là cống hiến cho khán giả. Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) thậm chí đưa tiêu chí này vào luật. Điều luật 4.01 của UEFA quy định những đội bóng tham dự các giải đấu tại châu Âu phải tung ra sân đội hình mạnh nhất và thi đấu đến cùng.
Song với cường độ 3-4 ngày/trận như hiện tại, các CLB đơn giản không có lựa chọn hết mình.
Lượt đấu vừa qua của Champions League ghi nhận hàng loạt đội bóng lớn bị cầm hòa. Thái độ thi đấu dè dặt của các ông lớn là điều có thể cảm nhận được rõ ràng. Real Madrid bị Shakhtar Donetsk mất hàng loạt ngôi sao dẫn bàn tới phút bù giờ. Man City bị Copenhagen giữ chân, PSG hòa Benfica, Juventus thậm chí thua cả Maccabi Haifa.
Tất cả đều trải qua loạt trận căng thẳng ở giải VĐQG hồi cuối tuần trước. Việc phải tiếp tục bước vào các trận chiến sinh tử khi World Cup đến gần là cơn ác mộng với những cầu thủ.
Báo chí Italy cho biết trung vệ Gleison Bremer và cầu thủ chạy cánh Filip Kostic đã chủ động xin HLV Max Allegri không cho ra sân từ đầu ở trận gặp Maccabi Haifa để tránh rủi ro. Man City cũng chủ động cất Erling Haaland, Phil Foden và Joao Cancelo bên ngoài. Với Real Madrid, Luka Modric, Vinicius Jr là những ngôi sao trên ghế dự bị.
Tư duy này là một phần nguyên nhân khiến lượt trận này của Champions League có tính chuyên môn thuộc dạng yếu nhất nhiều năm qua. Trách nhiệm của sự việc này thuộc về ai?
Dĩ nhiên là các cơ quan quản lý mà Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và UEFA là hai tổ chức phải nhìn nhận lại. Với FIFA, tổ chức World Cup vào mùa đông quá phi lý và bất công cho các CLB, bên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thái độ thi đấu nhát chân của cầu thủ.
UEFA cũng biết World Cup được tổ chức vào mùa đông và các cầu thủ phải thi đấu với cường độ cao tại giải quốc nội. Nhưng họ vẫn sống chết nhồi nhét một đợt tập trung tuyển quốc gia vào thời gian này, trực tiếp khiến nhiều ngôi sao phải chấp nhận rủi ro.
Năm 2014, UEFA từng có thời điểm định phạt Liverpool vì không tung ra đội hình mạnh nhất gặp Real Madrid tại Champions League do muốn chuẩn bị cho cuộc đấu Chelsea ở Premier League. Giờ thì chính UEFA gián tiếp đẩy các đội bóng vào thế phải tung đội hình B, đá giữ chân để tránh những rủi ro với lịch thi đấu dày đặc.
Toni Kroos, Ilkay Guendogan là những ngôi sao lên tiếng chỉ trích tư duy bóc lột của UEFA và FIFA trong việc tổ chức những giải đấu xuyên suốt cả năm để cào sức cầu thủ. Tuy nhiên, chừng nào việc này còn tạo ra (rất nhiều) tiền, quá khó để tin các tổ chức dính nhiều bê bối này sẽ dừng lại và chọn cách nghĩ tới quyền lợi của cầu thủ cũng như CLB.
Ý kiến ()