Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:11 (GMT +7)
Ai đưa “cần câu” cho người nghèo?
Chủ nhật, 03/02/2008 | 06:46:38 [GMT +7] A A
Mấy ngày nay, rảo qua các chợ, từ quê tới tỉnh, giá thịt và gạo - hai món thực phẩm không thể thiếu cho nhiều người trong ngày thường, và không thể thiếu cho tất cả mọi người trong ngày Tết, thì mới hỡi ôi, vì giá leo chóng mặt, leo nhanh hơn cả giá vàng.
Thịt lợn mới 60.000đ/kg, nghĩa là mỗi bác hưu trí được biếu 1 kg (theo tiền quà Tết), nhưng nếu ai chưa kịp mua, thì giá có thể đùng đùng “nhảy” lên trên 70.000đ/kg vào những ngày áp Tết. Thịt bò - thuộc hạng sang hơn - có thể chạm ngưỡng 80.000 - 90.000đ/kg. Còn gạo, dù ngon dù dở, đều đã tăng giá lên gấp rưỡi, gấp đôi. Như thế, nếu so với Tết trước, thì Tết này mỗi gia đình phải tiêu số tiền gấp đôi mới có được cái Tết bằng năm ngoái. “Phú quý giật lùi” là vậy!
Hoa cũng đắt hơn năm ngoái, nhưng dù sao, vẫn còn nhiều loại hoa, nhiều mức giá cho người mua chọn lựa phù hợp với túi tiền của mình, chứ thịt hay gạo thì chịu! Cũng vì không phải ai cũng kiếm được nhiều tiền, không phải ai cũng biết hoặc có điều kiện chơi chứng khoán, vậy nên… Những người nghèo, chắc chắn sẽ phải ăn một cái Tết “tiết kiệm” đến tận cùng, trong khi khắp chợ cùng phố nghễu nghện biết bao nhiêu là mặt hàng hấp dẫn, ngon lành, tươi đẹp. Chỉ có điều là phải có tiền, có nhiều tiền mới sở hữu được chúng.
Tôi biết, có những xí nghiệp, doanh nghiệp thưởng Tết cho công nhân 50.000đ-100.000đ, một món tiền không đủ mua cân thịt cho ra hồn. Vì lẽ đó mà càng gần Tết đã xảy ra nhiều cuộc đình công, ngừng việc với hàng nghìn công nhân tham gia. Cơ sự chỉ vì họ làm nhiều quá mà được hưởng ít quá, cộng thêm trượt giá, lạm phát nên lương của họ dù tăng 20% thì thị trường đã tăng giá đồng loạt hơn 30%, cộng với thưởng Tết “quá hẻo” như thế thì biết làm sao cho qua cái Tết “coi cho được”?
Trong những ngày này, rất nhiều các cơ quan, doanh nghiệp và nhiều tờ báo cùng các nhà hảo tâm đã lặn lội về những vùng rất nghèo từ miền núi tới miền biển, từ vùng sâu tới vùng xa để tặng quà Tết cho người nghèo. Đó là những nghĩa cử đáng trân trọng và biểu dương. Nhưng những nghĩa cử đó không thể nào giải quyết những khó khăn rất căn cơ của người nghèo. Với người nghèo thì cần cơ chế, cần chính sách, nhưng cũng rất cần những hoạt động cụ thể nhằm trợ giúp, kích thích họ làm ăn, thực sự mang “cái cần câu” đến cho họ cùng với “kỹ năng câu cá”.
“Giúp ngặt chứ ai giúp được nghèo”, ở quê tôi từ xưa đã lưu truyền câu nói đó. Vậy thì, ngoài chuyện “giúp ngặt” vẫn diễn ra lâu nay, rất cần những hoạt động thực sự “giúp nghèo”, vì người nghèo như những quỹ “tín dụng nhỏ”, những cơ sở dạy nghề miễn phí, những lớp hướng dẫn nuôi heo, nuôi bò, nuôi cá hay trồng các loại rau, các loại củ quả có “đầu ra”. Nhưng lấy đâu ra lực lượng trợ giúp người nghèo trong những công tác “xóa đói giảm nghèo” cụ thể này? Tôi nghĩ, Đoàn thanh niên chính là tổ chức đủ tư cách, trình độ và lực lượng nhất để làm việc đó.
Liên kết website
Ý kiến ()