Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:56 (GMT +7)
Ai không nên uống nước lá tía tô?
Thứ 2, 13/02/2023 | 09:01:10 [GMT +7] A A
Nước lá tía tô rất tốt cho sức khỏe nhưng có những người được khuyến cáo không nên uống loại nước này.
Lá tía tô vừa là loại rau gia vị quen thuộc trong bếp lại có thể dùng làm thuốc. Trong Y học cổ truyền, tía tô là loại dược liệu tên là tô diệp (tử tô hoặc tô ngạnh), nó có mùi thơm, vị cay, tính ấm, tác dụng giải độc, trị cảm mạo, hạ sốt, trị nhức đầu, ho, hen suyễn.
Tác dụng của lá tía tô với sức khỏe
Lá tía tô màu xanh đậm, bên trong có nhiều gân màu đỏ tía. Từ xa xưa, người Việt đã lưu truyền nhiều bài thuốc từ dược liệu này và các món ăn dân giã không thể thiếu tía tô. Có không ít nghiên cứu chỉ ra rằng lá tía tô có thể hỗ trợ điều trị cúm, ngộ độc thực phẩm, hen suyễn, virus đường hô hấp, tiểu đường.
Chống lại tác nhân gây bệnh hô hấp
Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự nhân lên của virus SARS-CoV-2 bằng nhiều cách. Chính điều này khiến cho lá tía tô trở thành dược liệu tự nhiên thân thiện có vai trò hỗ trợ ngăn ngừa sự sinh trưởng của virus SARS-CoV-2 cũng như các loại virus gây bệnh đường hô hấp khác.
Làm đẹp da
Hoạt chất Priseril ở lá tía tô có vai trò cải thiện sắc tố và loại bỏ tế bào chết trên da tương đối hiệu quả. Xét trên phương diện này thì lá tía tô giúp cho da trở nên đều màu và tươi sáng hơn. Mặt khác, thành phần vitamin E trong lá tía tô còn tăng cường độ ẩm và giúp da trở nên mịn màng.
Chống dị ứng, bảo vệ hệ tim mạch và thần kinh
Chiết xuất thu được từ lá tía tô có thể ngăn cản sự xuất hiện của phản ứng dị ứng bên trong cơ thể. Thành phần Omega-3 trong loại lá này tương đối cao nên chống viêm, chống oxy hóa tốt đồng thời cũng là nguồn năng lượng để tăng cường chức năng nhận thức của não bộ, nhờ đó mà chống lại nguy cơ mất trí nhớ ở người già. Đặc biệt, Omega-3 nếu được hấp thụ hàng ngày còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch.
Phòng bệnh ung thư
Một lượng lớn luteolin, axit rosmarinic và triterpene trong lá tía tô được chứng minh có khả năng chống lại các tế bào ung thư đang tiềm ẩn bên trong cơ thể.
Ai không nên uống nước lá tía tô?
Tuy tốt cho sức khỏe nhưng có một số người được khuyến cáo không nên sử dụng nước lá tía tô vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Người đang bị cảm nóng
Theo y học cổ truyền, lá tía tô vị cay tính ấm. Do đó những người đang bị cảm nóng cần sử dụng thận trọng kẻo khiến cơ thể thêm bức bối, khó chịu.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai thường được khuyên uống nhiều nước lá tía tô để quá trình sinh sản dễ dàng hơn. Tuy nhiên lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) cảnh báo đến nay chưa có nghiên cứu chứng minh nước lá tía tô giúp phụ nữ dễ sinh hơn, thậm chí điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy.
Cơ thể phụ nữ mang thai vốn nóng hơn người bình thường, nếu dùng lá tía tô dài ngày có thể dẫn đến tăng huyết áp. Hơn nữa, việc lạm dụng lá tía tô có thể khiến cho phụ nữ mang thai cảm thấy mệt mỏi, choáng váng, táo bón, tiểu tiện đỏ.
Phụ nữ mang thai có thể uống nước lá tía tô để hỗ trợ trị cảm cúm, tuy nhiên cần có sự tư vấn của bác sĩ về liều lượng sử dụng.
Người bị dị ứng với tía tô
Có một số trường hợp bị dị ứng với lá tía tô mà không hề biết. Do đó trước khi sử dụng số lượng lớn bạn nên uống một lượng nhỏ tía tô. Nếu sau 24h không thấy có phản ứng bất thường thì mới nên tiếp tục sử dụng với liều lượng tăng dần. Ngoài ra, cần đảm bảo mua được loại tía tô sạch, không có hóa chất để giữ an toàn cho sức khỏe.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân không nên uống lá tía tô trong thời gian dài, nên uống cách ngày. Uống quá nhiều trong thời gian dài sẽ khiến bụng bị đầy hơi khó tiêu, ảnh hưởng huyết áp.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()