Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 22:16 (GMT +7)
Ám ảnh tăng giá
Thứ 7, 26/02/2011 | 07:39:18 [GMT +7] A A
10 giờ ngày 24-2, giá xăng, dầu đã đồng loạt tăng ở mức cao theo quyết định của Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp đầu mối được phép tăng giá bán xăng dầu. Đây là hệ quả của việc giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao trước đó.
Theo đó, xăng A92 tăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng/lít, dầu diezel tăng từ 3.550 đồng lên 18.300/lít, dầu hoả từ 15.100 đồng lên 18.200 đồng/lít... Tăng giá là biện pháp bất khả kháng để cắt lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong bối cảnh nhà nước đã sử dụng hết các công cụ như giảm thuế nhập khẩu, xả quỹ bình ổn giá xăng dầu...
Cùng với tăng giá xăng dầu, giá điện cũng sẽ tăng 15,28% kể từ 1-3. Đồng thời với đó, giá gas cũng đã tăng mạnh kể từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão đối với tất cả các hãng kinh doanh gas. Nhiều công ty đã tăng từ 10.000 đến 20.000 đồng/bình, loại 12kg...
Giá các mặt hàng thiết yếu (là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh) cùng tăng trong một thời điểm ngắn cộng với sự biến động mạnh và liên tục của giá vàng và đô la Mỹ đã kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân như lương thực, thực phẩm. Đây quả là điều ám ảnh, lo lắng của đại bộ phận người dân, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp và trung bình.
“Cơn bão” tăng giá đã khởi phát từ cuối năm 2010 khi giá vàng và đô la Mỹ tăng mạnh trên thị trường và liên tiếp “nhảy múa” trong dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Mão và đến nay có thể coi là đỉnh điểm.
Mặc dù Chính phủ và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp, cách thức để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá nhưng xem ra tác dụng và hiệu quả đạt được còn ở mức thấp. Điều này càng tác động và gây tâm lý lo lắng cho người dân. Để chống đỡ với cơn bão tăng giá này người tiêu dùng đã phải “thắt lưng buộc bụng” thắt chặt chi tiêu.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ xác định hiện nay và cả trong năm 2011 nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát. Theo Thủ tướng Chính phủ, đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Cách thức tiến hành là thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao, quyết liệt. Trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm giải pháp như chính sách tiền tệ, kiểm soát thị trường ngoại hối, giảm chi tiêu công, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển...
Liên kết website
Ý kiến ()