Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 12:16 (GMT +7)
Ăn bánh trung thu như thế nào để không bị tăng cân, béo bụng?
Thứ 2, 25/09/2023 | 09:09:45 [GMT +7] A A
Mùa Trung thu đang diễn ra với thời tiết đẹp và bánh ngon, nhưng nhiều người lo ăn nhiều sẽ bị béo, tăng đường huyết, mỡ máu... Lời khuyên của bác sĩ như thế nào?
Cần có "tiểu xảo" khi ăn bánh trung thu
Bánh trung thu chứa nhiều năng lượng, có độ béo và ngọt rất cao. Một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo, gấp 5 lần một bát cơm vừa, gấp 2,5 lần một tô phở bò (khoảng 430 calo).
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên phó trưởng khoa đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho hay Tết Trung thu - Tết đoàn viên, nhiều người muốn thưởng thức bánh đúng mùa trăng tròn cùng gia đình nhưng lại sợ thừa cân, béo phì, đường huyết tăng cao...
Bánh trung thu chứa nhiều năng lượng, có độ béo và ngọt rất cao, nhưng thực tế chúng ta vẫn có thể ăn được bánh nướng, bánh dẻo với một chút "tiểu xảo".
- Giảm cơm và thức ăn tương đương: Nếu không chọn phương pháp tăng vận động, bạn có thể giảm bớt lượng thức ăn thường quy. Ví dụ: Ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng: bớt đi 1/3 bát cơm và 30g thịt nửa nạc, nửa mỡ; Ăn thêm 1/4 chiếc bánh dẻo: bớt đi 1/3 bát cơm và 30g thịt nạc.
Với người đái tháo đường, để hiệu chỉnh chính xác hơn lượng ăn thêm/bớt, cần đo đường máu sau khi ăn 1-2 giờ. Nếu chỉ số < 11mmol/l hoặc < 200mg/dl, bạn yên tâm ăn như vậy. Nếu chỉ số đường máu cao hơn những tiêu chí trên, bạn bớt thêm chút cơm + thức ăn hoặc vận động thêm chút.
- Kết hợp với trà xanh: Trà xanh, trà bạc hà có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể và giảm bớt độ ngọt, rất phù hợp để kết hợp với bánh trung thu. Nước pha trà nên để ở nhiệt độ vừa phải, tốt nhất là dưới 70 độ, vì nếu nóng quá sẽ làm giảm vitamin C và acid catechinic có trong trà.
- Chỉ ăn vào buổi sáng: Do chứa nhiều calo nên bánh trung thu là một lựa chọn cho bữa sáng khi mọi người cần bổ sung năng lượng sau một đêm ngủ ngon. Tuy nhiên, không nên ăn bánh trung thu vào lúc đói hoặc sau bữa cơm, sau 7h tối. Không ăn cùng trà đặc, cà phê và nước có gas vì năng lượng, chất đường trong bánh sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp, tim mạch...
- Ăn chậm, từng miếng nhỏ: Việc ăn đồ ngọt nhiều và ăn nhanh sẽ làm lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Để tránh nạp quá nhiều calo từ đường cùng lúc, bạn nên cắt bánh trung thu thành từng miếng nhỏ và ăn chậm rãi.
- Vận động nhiều hơn: Nếu dùng phương pháp vận động để tiêu thụ lượng calo sau khi ăn thêm 1/4 chiếc bánh nướng, bánh dẻo bạn cần phải vận động thêm so với mọi ngày: lau nhà 1 giờ hoặc đi bộ chậm 45 phút, đi bộ nhanh chừng 35 phút hoặc đi xe đạp 25 phút, hoặc bơi 25 phút. Nếu lỡ ăn 1/2 chiếc thì gấp đôi thời gian vận động trên.
Người mắc những bệnh lý sau cần chú ý
Các bác sĩ khuyến cáo, thành phần chất béo trong bánh phần lớn là từ thịt mỡ, là loại chất béo no gây nhiều tác hại. Lượng chất béo tương đương 1 - 2 lần lượng chất béo trong một tô phở bò. Chất đạm trong bánh khá cao, thường là đạm động vật và nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị ôi, mốc gây ra ngộ độc.
Do qua nhiều khâu chế biến nên lượng vitamin còn lại trong bánh cũng hao hụt đáng kể nên việc ăn nhiều bánh trung thu chưa chắc đã tốt mà còn có thể mang lại những ảnh hưởng xấu cho cơ thể.
Những người bị bệnh tiểu đường, tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, thừa cân béo phì… nên hạn chế dùng bánh trung thu. Ăn cùng lúc quá nhiều bánh trung thu có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim.
Việc ăn quá nhiều bánh trung thu, chất béo, chất đường... không chỉ gây tăng cân béo phì, mỡ máu, tiểu đường mà còn có thể khiến da bị nổi mụn và gây các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu hay viêm họng... Đặc biệt, đối với một số bệnh, ăn bánh trung thu không kiểm soát sẽ dẫn đến nguy hiểm:
- Bệnh tiểu đường: Bánh trung thu ngọt và nhiều thành phần đường hóa học, rất không tốt đối với các bệnh nhân hoặc tiền sử bệnh tiểu đường, bởi chỉ cần ăn một miếng nhỏ bánh trung thu cũng đủ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Điều này khiến bệnh càng thêm nặng và khó khăn trong việc điều trị.
- Người bị sỏi mật, túi mật: Khi ăn quá nhiều bánh trung thu có thể bị viêm tụy cấp tính và dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Vì vậy nếu không cần thiết thì bệnh nhân sỏi mật, túi mật không nên ăn.
- Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, cholesterol cao và những bệnh khác liên quan đến tim mạch và mỡ trong máu không nên dùng bánh trung thu bởi các loại bánh quá ngọt hay có các loại hạt khi ăn nhiều sẽ cản trở việc lưu thông máu, làm chậm chức năng hoạt động của tim hay thận.
Ngoài ra, trứng muối có trong nhân bánh thường chứa lượng cholesterol lên tới 600 - 1.500mg, vượt qua mức 400mg hằng ngày được khuyến nghị cho những người bị tăng huyết áp, mỡ máu và tim mạch vành, gây nhồi máu cơ tim.
- Người bị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng: Bánh trung thu làm thúc đẩy quá trình bài tiết axit bởi cơ thể cần tiết ra nhiều axit mới có thể tiêu hóa hết lượng chất béo có trong bánh trung thu đã nạp vào. Lượng axit này sẽ làm tình trạng viêm loét dạ dày, tá tràng trở nên tệ hơn.
- Trẻ em và người cao tuổi: Là đối tượng đều có hệ tiêu hóa yếu và với lượng đường, chất béo lớn có trong bánh trung thu sẽ khiến hai đối tượng trên gặp các vấn đề không mong muốn.
- Phụ nữ mang thai: Việc hấp thu hàm lượng đường và chất béo cao có thể có các tác động xấu đến sản phụ, có thể gây các bệnh tăng lipid máu, tim mạch, tiểu đường... và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên tiết chế, hoặc ăn một lượng nhỏ hợp lý để giải tỏa cơn thèm mà thôi.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()