Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:20 (GMT +7)
Ẩn hoạ từ xe đầu kéo chở thép cuộn chằng buộc sơ sài
Thứ 5, 04/08/2022 | 10:20:38 [GMT +7] A A
Những vụ tai nạn do thép cuộn bất ngờ rơi xuống đường khi đang được chở trên xe đầu kéo liên tiếp xảy ra khiến người tham gia giao thông bất an.
“Tử thần” rình rập trên đường
Sáng ngày 2/8, vụ tai nạn hy hữu xảy ra tại ngã tư giao cắt giữa đường Thiên Lôi và đường Nguyễn Văn Linh khi chiếc xe đầu kéo, kéo theo sơ mi rơ - mooc BKS 15R 143.46 của Công ty TNHH Nhật Minh (địa chỉ ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) đang giảm tốc độ để dừng đèn đỏ thì cuộn sắt phía sau xe bất ngờ rơi xuống đường, đến nay vẫn khiến nhiều người hoảng hốt.
Vụ tai nạn xảy ra đúng giờ cao điểm đã làm tuyến đường ùn tắc nghiêm trọng nhưng rất may không làm người tham gia giao thông bị thương.
Trước đó, khoảng 10h ngày 15/3, tại nút giao đường Nguyễn Văn Linh - QL50 (huyện Bình Chánh,TP. HCM), chiếc xe container phanh gấp khiến cuộn thép nặng hàng chục tấn lăn từ rơ-mooc đập vào cabin làm cabin xe biến dạng và tài xế hoảng hốt mở cửa chạy ra ngoài để đảm bảo an toàn.
Cách đó 10 ngày, (ngày 5/3) cũng tại huyện Bình Chánh, ở nút giao đường Nguyễn Văn Linh-Trịnh Quang Nghị cũng xảy ra vụ tai nạn tương tự khi xe container chở thép cuộn rơi xuống đường làm một người bán vé số bị thương nặng.
Tại Hà Nội, người dân sống quanh ngõ 250 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì vẫn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra khoảng 15h ngày 27/11/2021, chiếc xe container bất ngờ mất lái đâm đổ cột đèn khiến hai cuộn thép chở phía sau bị đứt xích giằng lăn đè bẹp ca-bin.
TS Nguyễn Văn Hiếu, Trường ĐH GTVT cho biết, các vụ TNGT do chở thép cuộn là nỗi ám ảnh đối với cả người lái xe cũng như người lưu thông trên đường vì một nguy cơ rất lớn là theo quán tính, cuộn thép sẽ kéo đứt xích và đè lên cabin của lái xe hoặc rơi xuống đường gây ra những thiệt hại hết sức nghiêm trọng cả về tính mạng, sức khỏe của con người cũng như vật chất (hư hỏng phương tiện).
“Nguyên nhân cơ bản nhất hiện nay là thiếu quy trình chuyên nghiệp về việc chằng buộc cố định các cuộn thép trên xe. Được biết, việc chằng buộc thường được tiến hành thủ công dựa trên kinh nghiệm và cảm nhận của người lái xe trong khoảng thời gian ngắn (5-7 phút) để còn di chuyển nhanh cho xe khác vào vị trí. Một nguyên nhân khác cũng thường được nhắc đến đó là do lái xe thiếu kinh nghiệm phanh hay vào cua gấp khiến cuộn thép bị xê dịch và làm đứt xích”, TS. Hiếu nhận định.
Đề xuất tăng nặng mức xử phạt để tạo tính răn đe
Theo lực lượng chức năng, xe đầu kéo chở theo hàng hóa nặng, vật liệu rời không chằng buộc kỹ có nguy cơ mất ATGT rất cao, tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có quy định chung về xếp hàng hoá trên xe mà chưa có quy định cụ thể đối với vận chuyển thép cuộn - một loại hàng hoá khá đặc biệt.
Được biết, lực lượng công an TP.HCM từng cho biết rất khó xử lý các xe chở thép cuộn về hành vi “chằng buộc không chắc chắn” vì lực lượng chức năng không đủ cơ sở để khẳng định là chằng buộc chắc chắn hay không và gây nên nhiều tranh cãi với tài xế trong quá trình xử lý.
Hiện, Công an TP. HCM đã có báo cáo đề xuất Bộ Công an hướng dẫn, điều chỉnh quy định cụ thể trong vấn đề hàng hóa có hình cuộn tròn như cuộn thép thì phải có kê chống lăn, dây xích chằng buộc.
Cũng trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 toàn quốc, lãnh đạo UBND TP.HCM đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh Thông tư 35/2013/TT-BGTVT và Thông tư 46/2015/TT-BGTVT theo hướng bổ sung quy định cụ thể về cách xếp các loại hàng hóa đặc biệt trên xe như thép cuộn, thép tấm, ống thép tròn, quy định về phương tiện vận chuyển và các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông như hệ thống dây chằng, hệ thống chêm...
TS. Hiếu cũng cho biết, hiện không có các phương tiện chuyên dụng để chuyên chở loại hàng hóa này. Ở góc độ quy định pháp luật, việc chuyên chở thép cuộn được coi như vận chuyển hàng hóa thông thường. Hoạt động kiểm soát việc chằng buộc cố định cuộn thép có đảm bảo an toàn hay không chưa được thực hiện một cách thường xuyên.
“Tại các nước phát triển có quy định rất chặt chẽ về chằng buộc thép cuộn trong vận chuyển thực tế. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, người ta thường sử dụng các phương tiện chuyên dụng như sơ mi rơ - mooc có khoảng trũng để đặt cuộn thép vào đó để hạn chế tối đa nguy cơ trôi về phía trước/sau. Các công cụ sử dụng chằng buộc như hệ thống dây và xích được kiểm tra định kỳ và loại bỏ khi thấy không đủ tiêu chuẩn an toàn.
Việc kiểm soát vận chuyển được tiến hành chặt chẽ với chế tài xử phạt cao khi không không đáp ứng yêu cầu an toàn”, TS. Hiếu nói và cho biết: Vận chuyển hàng thép cuộn bằng xe tải/đầu kéo chủ yếu được thực hiện ở chặng đầu cuối (cự ly không quá lớn) còn chặng chính thường được vận chuyển bằng các phương tiện có khả năng vận chuyển cao, tách biệt khỏi dòng giao thông hỗn hợp như đường sắt. Đây là những kinh nghiệm, Việt Nam có thể tham khảo để cải thiện tình trạng hiện nay.
Ông Hoàng Thế Tùng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Bộ GTVT cho biết, để quy định cụ thể chằng buộc cuộn thép phải chằng buộc bằng loại dây nào phải tiến hành kiểm định dây đó có đủ điều kiện để chằng buộc cuộn thép hay không, dựa trên cơ sở nào, cơ quan nào sẽ thực hiện việc kiểm định,…
Cũng theo ông Tùng, hiện nay đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, không chằng buộc để rơi xuống đường gây tai nạn rất cụ thể.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật Tinh thông luật cho biết, Điều 20 Luật GTĐB năm 2008 quy định, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe. Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe, ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn báo hiệu.
Trong khi đó, tại Điều 24 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm thì vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.
Còn hành vi chở container trên xe (kể cả sơ mi rơ - moóc) mà không sử dụng thiết bị để định vị chắc chắn container với xe hoặc có sử dụng thiết bị nhưng container vẫn bị xê dịch trong quá trình vận chuyển sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3000.000 đồng, ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Tuy nhiên, theo luật sư Bình, những cuộn thép rơi xuống đường trong quá trình được vận chuyển nếu va chạm với người tham gia giao thông sẽ để lại hậu quả rất lớn. Do đó, cần tăng nặng thêm mức độ xử phạt nhằm tăng thêm tính răn đe.
Đồng quan điểm, TS. Hiếu cho biết thêm, việc tăng mạnh hình thức xử phạt sẽ góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như người lái và đòi hỏi các chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải phải có trách nhiệm cao hơn trong đảm bảo an toàn vận tải thép cuộn.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()