Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:07 (GMT +7)
Câu chuyện sẽ còn được kể mãi...
Thứ 4, 25/10/2023 | 13:48:48 [GMT +7] A A
Với ngành Y Quảng Ninh, Anh hùng Lao động (AHLĐ) - Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Ngọc Hàm (1933-2018) là một biểu tượng cao quý của tinh thần cống hiến, sáng tạo, hết lòng vì người bệnh. Ông là tấm gương của một người đảng viên dám dấn thân, tư duy đổi mới, vươn lên mọi nghịch cảnh để xây dựng đội ngũ ngành Y từ cơ sở.
Nguyễn Ngọc Hàm (SN 1933 tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương), quê cha ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), quê mẹ ở TX Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Ông là sinh viên Trường Đại học Y dược Hà Nội khóa 1954-1960, khóa sinh viên y khoa đầu tiên dưới chế độ XHCN. Họ là những học trò ưu tú của GS Tôn Thất Tùng. Khóa sinh viên này nhanh chóng trở thành những thầy thuốc, thầy giáo nòng cốt trong công tác điều trị và đào tạo trên khắp cả nước.
Năm 1961, tốt nghiệp là một trong 6 sinh viên xuất sắc nhất khóa, ônng được phân công về công tác tại Móng Cái làm Bệnh viện trưởng, khi đó chỉ với vài trang thiết bị y tế sơ sài, cơ sở vật chất hầu như không có gì.
Nhắc về giai đoạn đó, những người bạn học cùng lớp với bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm, dành cho ông rất nhiều sự cảm phục. GS.TS Đặng Hanh Đệ, giáo sư đầu ngành của Y tế Việt Nam, kể lại: “Trang thiết bị không có gì, thế mà ông ấy xây dựng bệnh viện ở Móng Cái trở thành nơi mà cả thành phố đối diện của Trung Quốc cũng phải sang để chữa bệnh. Từ con số 0 mà đi lên. Một người học trường Tây mà được kết nạp Đảng đầu tiên của lớp. Đó là điều khiến chúng tôi rất cảm phục”.
Trong gần 20 năm gắn bó với Móng Cái, bằng tài năng phẫu thuật, bằng những sáng kiến trong khám chữa bệnh và khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh, bác sĩ Hàm đã đi khắp 7 huyện miền Đông của tỉnh, đến những vùng sâu, vùng xa, kịp thời xử lý những ca cấp cứu hiểm nghèo nhất. Hình ảnh của ông trở nên vô cùng thân thuộc với đồng bào các dân tộc ở đây. Ông trở thành ân nhân của nhiều gia đình.
Ông Phạm Văn Pẩu (xã Hải Đông, TP Móng Cái), năm nay gần 90 tuổi, vẫn nhớ kỷ niệm với người bác sĩ đã cứu sống mình: “Khi đó tôi đang đi làm thì thấy một cơn đau bụng. Đến sáng hôm sau được các bác sĩ khám, chẩn đoán là giun chui ống mật. Đến chiều, ông Hàm đi họp ở Tiên Yên về. Ông ấy lấy tay gõ mấy cái lên bụng, rồi bảo bị viêm ruột thừa, chuẩn bị mổ ngay. Lúc mổ ra thì ông ấy thấy ruột thừa đã trương lên thành mủ”.
Rời Móng Cái, ông đi tu nghiệp tại Pháp trong 2 năm. Năm 1981 khi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (VN-TĐ) đi vào hoạt động, ông được Bộ Y tế cử làm Giám đốc Bệnh viện và giữ cương vị này đến năm 2003. Tại Bệnh viện VN-TĐ, bên cạnh trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân, bác sĩ Hàm tiếp tục có nhiều sáng kiến, nhiều công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho ngành Y, tiêu biểu là: Đề tài nuôi trẻ sinh non bằng phương pháp ủ mẹ (Kangaroo); áp dụng kỹ thuật thích ứng, cho ăn ngay sau khi mổ dạ dày; mổ sạch không dùng kháng sinh; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu với Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA-SAREC).
Với vai trò quản lý, bác sĩ Hàm đã vận dụng những kiến thức học được từ Pháp, tiếp thu những tiến bộ của nền y tế Thụy Điển, xây dựng Bệnh viện VN-TĐ với những triết lý riêng, trở thành hình mẫu cho các bệnh viện trong nước học hỏi. Ông từng nói: “Bệnh viện phải không tường, luôn hướng về cộng đồng, không còn bức tường ngăn cách”. Một tư duy rất mới mẻ, tiên phong và tiến bộ.
Năm 1983 Bệnh viện VN-TĐ là bệnh viện đầu tiên trong nước có Khoa Điều dưỡng, trở thành mô hình chuẩn được nhân rộng cả nước. Năm 1990 ông cùng bà Vi Nguyệt Hồ (vợ cố GS Tôn Thất Tùng) và một nhóm bác sĩ, điều dưỡng đồng sáng lập ra Hội Điều dưỡng Việt Nam, trở thành cố vấn cao cấp của Hội.
Đến nay Bệnh viện VN-TĐ là bệnh viện duy nhất trong nước nhận 2 danh hiệu: Phòng Điều dưỡng AHLĐ; Đơn vị AHLĐ trong thời kỳ đổi mới.
Với tầm nhìn của một nhà lãnh đạo tài ba, bác sĩ Hàm đặc biệt quan tâm đến đào tạo chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, trực tiếp truyền nghề cho các thế hệ kế cận và thường xuyên cử nhân viên sang nước ngoài đào tạo. Hơn 100 cán bộ, nhân viên, trong đó hầu hết là học trò của ông tại Bệnh viện VN-TĐ, nay đã trở thành những Thầy thuốc ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, chiến sĩ thi đua toàn quốc, tiếp tục cống hiến cho ngành Y của tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp của ông trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và xây dựng Bệnh viện VN-TĐ, năm 1995 bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân. Năm 2000 ông là một trong những người đầu tiên của ngành Y Việt Nam được nhận danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới; cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen và phần thưởng cao quý khác.
“Người ta cứ hỏi tôi phấn đấu như thế nào để trở thành anh hùng. Tôi trả lời họ rằng, tôi không đặt ra mục tiêu phấn đấu gì cả, chỉ toàn tâm toàn ý cho công việc và nghĩ đến bệnh nhân. Điều quan trọng nhất là nhận được sự yêu mến của nhân dân” - Bác sĩ Hàm từng chia sẻ.
Bác sĩ Hàm đã đi xa, nhưng đã trở thành tấm gương cho tất cả những ai từng biết đến và có may mắn được tiếp xúc, làm việc với ông. Nhớ về ông và những đóng góp của ông cho nền y học Việt Nam để có thêm động lực cống hiến và sáng tạo, xây đắp những khát vọng đổi thay vì cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.
Xuân Hòa - Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()