Tất cả chuyên mục

Bạn Duy Thức (có địa chỉ mail duythuc080992@gmail.com) gửi thư tới Toà soạn Báo Quảng Ninh có hỏi: “Tôi bị rách sụn chêm, đã được phẫu thuật. Vậy tôi có thể chơi thể thao lại được không và thời gian tập trở lại sau khi mổ là bao lâu? Tôi đá bóng phong trào thôi”. Sau đây, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tư vấn giúp bạn.
![]() |
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thu Nguyệt |
Khớp gối có 2 sụn chêm: Sụn chêm trong (nằm phía trong) và sụn chêm ngoài (nằm phía ngoài), có tác dụng như một miếng đệm, làm cho đầu gối vững chắc và giảm sốc. Sụn chêm có thể bị rách do chấn thương vùng gối hay có thể rách thoái hoá ở người lớn tuổi. Rách (vỡ) sụn chêm không gây đau gối dữ dội, chỉ thấy đau tức trong gối theo một tư thế nào đó khi gối co duỗi hoặc nghiêng sang trái, phải. Đôi khi sau một chấn thương đột ngột vùng gối (trong bóng đá, cầu lông, tennis, bóng rổ... hoặc tai nạn xe máy), đầu gối sưng và đau đến mức không thể duỗi thẳng chân ra được, đi lại trong tư thế chân lúc nào cũng phải co… Đó là dấu hiệu kẹt khớp. Có thể nghĩ đến ngay do rách sụn chêm gây kẹt khớp, vì mảnh sụn chêm bị rách đi vào giữa khớp gối gây nên cấn và kẹt đầu gối. Bệnh nhân đang đi có thể bị khuỵ chân và té. Triệu chứng này xuất hiện một hay nhiều lần với tần suất xảy ra khác nhau. Cơ tứ đầu đùi bị teo.
Để chẩn đoán chính xác tổn thương và dạng tổn thương sụn chêm, người bệnh cần nội soi khớp gối, chụp MRI (chụp cộng hưởng từ).
Một vài bệnh nhân bị rách sụn chêm, nếu đau giảm đi, không cản trở tới cuộc sống hàng ngày thì chỉ cần điều trị nội khoa (giảm đau, chống viêm) và tập vật lý trị liệu. Điều trị nội khoa có hiệu quả giảm đau và cho phép mổ muộn hơn hay tránh phải mổ. Hầu hết rách sụn chêm không thể tự lành, nhưng triệu chứng của rách sụn chêm có thể giảm hay biến mất.
Tuy nhiên, với bệnh nhân còn trẻ, miếng sụn rách lớn, vùng rách nằm ở vùng có máu nuôi, bệnh trở nên nặng, cản trở cuộc sống và giảm hoạt động, đặc biệt là chơi thể thao… hoặc với bệnh nhân lớn tuổi, miếng rách lâu đã hư hay nằm ở vùng không có máu nuôi, khi đó cần phẫu thuật nội soi khớp gối. Nội soi này có ưu điểm tuyệt đối so với mổ mở trong phẫu thuật cắt hay khâu sụn chêm. Tuỳ theo vị trí rách sụn chêm, phần sụn chêm bị rách sẽ được khâu lại hay lấy đi.
Có thể gặp tổn thương sụn chêm kèm tổn thương dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hoặc dây chằng chéo bên. Nếu chỉ đơn thuần rách (vỡ) sụn chêm không có đứt dây chằng đầu gối kèm theo thì sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục rất nhanh. Còn nếu sau phẫu thuật cắt một phần sụn chêm, bệnh nhân cần kết hợp tập vật lý trị liệu trong thời gian ngắn nhằm giúp vết thương mau lành, lấy lại sự vận động khớp gối, lấy lại sức mạnh của khớp gối, giúp bệnh nhân trở lại sinh hoạt hay chơi thể thao như trước. Hầu hết bệnh nhân có thể trở lại công việc bình thường từ 2-6 tuần sau phẫu thuật. Với bệnh nhân được khâu lại sụn chêm được giới hạn gấp tối đa của khớp gối là 900 và không được ngồi xổm từ 4-6 tuần.
Thời gian bệnh nhân được phép chơi thể thao trở lại phụ thuộc vào thương tổn sụn chêm và hướng điều trị. Thông thường bệnh nhân có thể được phép chơi lại thể thao sau 1-2 tháng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sau mổ nội soi sửa chữa, cắt lọc, khâu lại sụn chêm phải mất 6 tháng sau mới chơi lại thể thao được (tuỳ vào vị trí, hình thái tổn thương).
Chấn thương vùng gối rất hay gặp trong thể thao cũng như trong tai nạn sinh hoạt hằng ngày. Thường nếu không thấy gãy xương vùng gối, mọi người hay nghĩ đến chấn thương phần mềm hoặc là bong gân đầu gối, mà quên rằng còn có thể bị rách (vỡ) sụn chêm, nặng hơn nữa là đứt dây chằng đầu gối. Do đó nếu có một chấn thương vùng gối, sau đó đi lại thấy đau kéo dài, dùng thuốc không hết và gây khó chịu, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để được chẩn đoán thật chính xác. Hiện nay, phẫu thuật nội soi khớp gối, trong đó có khâu, cắt một phần sụn chêm đã trở thành phẫu thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
Ý kiến ()