Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 16:20 (GMT +7)
Áp dụng Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số
Chủ nhật, 19/03/2023 | 16:04:45 [GMT +7] A A
Trong tiến trình chuyển đổi số, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng của cả nước; đi đầu trong chuyển đổi số các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh nhanh chóng xây dựng Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (phiên bản 1.0) nhằm cụ thể hóa các chỉ tiêu đo lường phục vụ đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động của tỉnh về chuyển đổi số.
Bộ chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (QN_DTI) là bộ chỉ số tổng hợp, đo lường mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số theo các khía cạnh (thể chế, hạ tầng, nhân lực, đảm bảo an toàn thông tin) và mức độ sâu rộng của việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong và giữa các cấp hành chính trên địa bàn tỉnh được thực hiện bởi các tác nhân chính, gồm: Người dân, doanh nghiệp và chính quyền; được thiết kế đảm bảo đồng bộ về cấu trúc với Bộ chỉ số đo lường DTI quốc gia.
Từ đó, cung cấp "bức tranh" toàn cảnh về sự lan tỏa công nghệ đến các hoạt động xã hội, các ngành, lĩnh vực kinh tế và được sử dụng làm tiêu chuẩn đo lường chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh; hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách thiết kế, hoạch định các giải pháp, nhiệm vụ về chuyển đổi số phù hợp với tình hình thực tế và các nhóm người dùng khác nhau.
Kế thừa các kết quả đạt được trong công tác chuyển đổi số, Bộ chỉ số QN_DTI (phiên bản 1.0) tập trung vào đánh giá mức độ ứng dụng CNTT, hướng tới chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Điểm số và thứ hạng của QN_DTI sẽ được tính toán hằng năm, chốt thời điểm dữ liệu vào ngày 31/12 mỗi năm. Từng chỉ số riêng lẻ sẽ được thu thập định kỳ để bảo đảm khả năng giám sát.
Việc thu thập dữ liệu cho Bộ Chỉ số sẽ được thực hiện tự động hóa dựa trên kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu chia sẻ trực tiếp từ các nền tảng, hệ thống đang vận hành và sẽ tiếp tục được cải thiện, cập nhật thường xuyên trong tương lai qua quá trình áp dụng thực tế và sự phát triển của công nghệ và môi trường số. Cùng với đó, việc thực hiện chuyển đổi số dựa trên đo lường kết quả thực hiện từ các chỉ số thành phần của Bộ Chỉ số cũng sẽ được giám sát, quản lý và cập nhật, điều chỉnh theo khuyến nghị.
Về cơ bản, cấu trúc Bộ Chỉ số QN_DTI (phiên bản 1.0) sẽ đánh giá công tác chuyển đổi số của tỉnh theo 2 khía cạnh: Mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số và mức độ chuyển đổi số. Mỗi khía cạnh tiếp tục được tổng hợp điểm đánh giá từ các nhóm chỉ số thành phần chính, trong đó, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số sẽ được đánh giá ở 5 chỉ số thành phần, gồm: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số và an toàn thông tin mạng. Còn mức độ chuyển đổi số sẽ được đánh giá ở 3 trục chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Ở mỗi chỉ số thành phần chính, tùy vào các cấp đo lường, cấu trúc của Bộ chỉ số sẽ có các chỉ số thành phần phụ khác nhau.
Ví dụ như ở Bộ Chỉ số đo lường chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, sở, ngành cấp tỉnh, thành phần nhận thức số sẽ có 44 chỉ số thành phần với điểm tối đa là 150 điểm. Các thành phần khác lần lượt là: Thể chế số 8 chỉ số thành phần, điểm tối đa 100; hạ tầng số 13 chỉ số thành phần, điểm tối đa 150; nhân lực số và an toàn thông tin mạng mỗi thành phần sẽ có 10 chỉ số, điểm tối đa 100 với mỗi mục. Còn đối với Bộ Chỉ số đo lường các cơ quan, đơn vị cấp huyện, thành phần thể chế số cũng có 8 chỉ số thành phần với điểm tối đa 100 và an toàn thông tin mạng có 10 chỉ số thành phần, điểm tối đa 100. Các thành phần còn lại sẽ có chỉ số thành phần khác với cấp sở, ngành của tỉnh. Cụ thể: Nhận thức số 49 chỉ số thành phần, điểm tối đa là 150; hạ tầng số 20 chỉ số thành phần, điểm tối đa 150; nhân lực số 17 chỉ số thành phần, điểm tối đa 100…
Trao đổi với phóng viên về Bộ Chỉ số QN_DTI (phiên bản 1.0), Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Đinh Sỹ Nguyên, cho biết: Bộ Chỉ số QN_DTI tuân thủ theo cấu trúc của DTI cấp quốc gia với 6 nhóm chỉ số thành phần chính đánh giá tất cả các nội dung của công cuộc chuyển đổi số với thang điểm 1.000. Các phương thức thu thập số liệu cho Bộ Chỉ số được thẩm tra, xác thực đảm bảo trung thực, kịp thời, đúng hạn, đúng kỳ số liệu để phục vụ đánh giá chính xác, khách quan. Đồng thời, các chỉ số thành phần sẽ đảm bảo khả năng lượng hóa và được cập nhật, phát triển phù hợp với thực tiễn, đặc điểm, điều kiện thực tế và đánh giá khách quan, minh bạch, theo định kỳ hằng năm. Thời gian tới, khi Bộ Chỉ số QN_DTI (phiên bản 1.0) chính thức được ứng dụng trong thực tế, các cơ quan, đơn vị, địa phương và cả tỉnh chắc chắn sẽ có một tiêu chuẩn chung thống nhất để đo lường chính xác các nội dung trong công tác chuyển đổi số, từ đó có được định hướng, đường lối, chương trình rõ ràng để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()