Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 10:29 (GMT +7)
Áp lực lạm phát ngay đầu năm sau do sức ép giá cả thế giới
Thứ 2, 17/10/2022 | 10:42:54 [GMT +7] A A
Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 của Việt Nam sẽ đạt mức thấp nhưng với sức ép từ giá cả thế giới và một số yếu tố trong nước như tăng lương cơ sở, chi đầu tư công tăng…, nhiều ý kiến lo ngại sẽ có áp lực lớn cho lạm phát năm 2023 ngay từ đầu năm.
Kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Từ nay tới cuối năm, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,85%, để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2022 khoảng 4%.
Hiện trong giai đoạn chuyển mùa và thời điểm lễ Tết cuối năm, nên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng theo quy luật; giá thịt lợn có thể biến động tăng các tháng cuối năm nếu nguồn cung không được đảm bảo. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch có sự hồi phục trở lại khi COVID-19 được kiểm soát. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực và thực phẩm cục bộ tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, từ đó gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước. Việc tập trung triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cuối năm, nhất là việc triển khai các công trình kinh tế trọng điểm có thể làm tăng nhu cầu nhất là đối với các mặt hàng vật tư xây dựng, từ đó có thể làm giá cả biến động nếu nguồn cung không đáp ứng kịp thời.
Ngược lại, một số yếu tố có thể làm dịu áp lực với mặt bằng giá như nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; các chính sách tài khóa đang và dự kiến triển khai cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, trong đó các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Các bài học kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ giúp ổn định kỳ vọng lạm phát.
Áp lực lạm phát ngay từ đầu năm sau
Mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 có nhiều dư địa để kiểm soát trong phạm vi mục tiêu 4%, tuy nhiên Bộ Tài chính nhận định lạm phát lũy kế CPI tháng 12/2022 so với tháng 12/2021 dự kiến sẽ ở mức cao, hiện CPI tháng 9/2022 so với tháng 12/2021 tăng 4,01%, do đó sẽ tạo áp lực cho lạm phát bình quân năm 2023 ngay từ đầu năm sau.
Đề cập về sức ép lạm phát của năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Trần Quốc Phương cho biết: Bên cạnh sức ép từ giá cả thế giới, kinh tế trong nước cũng có những yếu tố tác động lạm phát như: Tăng lương cơ sở, chi tiêu đầu tư công tăng mạnh… “Chưa bao giờ tăng lương mà không tác động đến kỳ vọng tăng giá”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.
Do vậy, đại diện Bộ KH-ĐT đề xuất đặt mục tiêu lạm phát năm 2023 là 4,5%, cao hơn năm 2022.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, lạm phát của Việt Nam vẫn chưa đạt đỉnh vì Việt Nam có độ trễ so với thế giới. Do đó, trong các tháng cuối năm lạm phát sẽ còn tăng và sang năm 2023 lạm phát sẽ còn cao hơn năm nay.
“Việt Nam đang có phần ngược với thế giới khi kiểm soát lạm phát tốt và tăng trưởng cao. Việt Nam đang làm tốt chuyện này nhưng năm tới sẽ nhiều thách thức hơn bởi vì năm tới kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm lại, năm nay dự báo khoảng 3%, năm tới khoảng 2,5 - 2,7%. Như vậy chắc chắn tác động đến xuất khẩu của Việt Nam. Trên cơ sở đó, tôi cho rằng tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam khoảng 6,5-7%. Lạm phát năm nay có thể kiểm soát được ở mức dưới 4%, nhưng lạm phát năm tới có để từ 4 - 4,5% do Việt Nam có độ trễ, chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hiện vẫn đang ở mức cao”, TS Cấn Văn Lực cho biết.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK), áp lực lạm phát hiện nay rất lớn. Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có chính sách điều hành lạm phát rất tốt, các mặt hàng do Nhà nước quản lý thời gian qua không tăng, góp phần ổn định lạm phát. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động được lương thực, thực phẩm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.
Trong các năm trước giá thịt lợn đã tăng khá cao và 6 tháng đầu năm nay giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, xu hướng từ tháng 6/2022 đến nay mức giảm đang bị thu hẹp dần và trong những tháng cuối năm cũng như sang năm sau giá thịt lợn sẽ tăng lên bằng các năm trước, kéo theo áp lực lạm phát tăng lên.
"Bên cạnh đó, gói phục hồi của Việt Nam cũng bị trễ so với các nước (các nước đưa gói phục hồi và các chính sách tiền tệ hỗ trợ người dân sớm hơn khiến lạm phát tăng sớm hơn), 'điểm rơi sẽ tập trung vào năm 2023 nên lạm phát năm tới của Việt Nam dự báo sẽ tăng cao hơn năm nay. TCTK đang dự báo mức lạm phát của năm 2023 khoảng 4,5%”, ông Lê Trung Hiếu cho biết.
Tại họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương đánh giá bối cảnh tình hình năm tới vẫn là khó khăn, thuận lợi đan xen. Đó là sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 vô cùng khó khăn. Vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1 - 2 tháng tới, có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023. Ngoài ra, xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Cuộc xung đột này kéo theo một vấn đề rất đáng lo ngại là năng lượng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()