Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:50 (GMT +7)
Ba Chẽ dồn lực thoát nghèo bền vững
Thứ 6, 23/02/2024 | 09:59:15 [GMT +7] A A
Với phương châm “Tất cả vì hạnh phúc nhân dân”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu cuối năm 2024 không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo trung ương; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 50% so với năm 2023 theo chuẩn của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả.
Lan tỏa những mô hình hiệu quả
Trước đây hộ anh Triệu Tiến Mạnh (thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc) là hộ nghèo. Cuộc sống chạy ăn từng bữa, đất sản xuất ít, kỹ thuật chăn nuôi không có, kinh tế phụ thuộc vào những chuyến đi rừng, làm phụ xây... Sau khi được huyện hỗ trợ tham gia mô hình nuôi dũi sinh sản, cán bộ địa phương động viên, khích lệ, hướng dẫn cách làm ăn, gia đình anh đã tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, nuôi dúi đạt hiệu quả, đến nay đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Anh Mạnh phấn khởi chia sẻ: "Năm 2022 được các cấp hỗ trợ 30 con giống, cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã phát triển mô hình nuôi dúi sinh sản, hiện nuôi 150 con, lợi nhuận gần 60 triệu đồng/năm. Trên đà thuận lợi, năm nay tôi mạnh dạn vay vốn mở rộng chuồng trại lên 200m2, phát triển đàn lên 300 con".
Ở thôn thôn Pắc Cáy còn có 2 hộ khác cũng nhận được hỗ trợ, tham gia mô hình nuôi dúi sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất với quy mô 180 con. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, mô hình nuôi dúi của các hộ phát triển tốt. Đến nay các hộ này đều đã thoát nghèo.
Mô hình “Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học dưới tán rừng trồng” cũng được triển khai hiệu quả, trong đó hộ anh Nguyễn Văn Cường (thị trấn Ba Chẽ) là hộ tiên phong trong huyện. Với 300 con gà giống được hỗ trợ, gia đình anh vay 150 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng trang trại, mua thêm con giống. Anh Cường cho biết: "Gia đình tôi đang thực hiện mô hình nuôi gà dưới tán cây dược liệu, mỗi năm 4-5 lứa, mỗi lứa từ 1.500-2.000 con, lợi nhuận khoảng 100-150 triệu đồng/năm. Tôi còn hỗ trợ và liên kết thêm 3 gia đình trong thị trấn triển khai mô hình này, thu được kết quả khả quan. Được sự giúp đỡ của huyện, xã, tôi đã làm hồ sơ nhãn hiệu “Gà đồi dược liệu Ba Chẽ”, đang chờ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký, hứa hẹn nâng cao giá trị kinh tế".
Ba Chẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình trồng thử nghiệm giống lúa mới J02, thực hiện tại xã Đồn Đạc, 102 hộ tham gia, diện tích 20ha; mô hình nuôi bò sinh sản, thương phẩm theo hướng liên kết sản xuất, quy mô 60 con, 3 hộ tham gia, tại các xã Đạp Thanh, Lương Mông, Nam Sơn. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước về vốn, con giống, kỹ thuật nuôi, người dân tự tin hiện thực hóa khát vọng thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bà Phạm Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Ba Chẽ, cho biết: Giải quyết việc làm, tạo sinh kế lâu dài là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. 4 mô hình khuyến nông hiện nay huyện chỉ đạo tiếp tục triển khai và nhân rộng đều là những mô hình khuyến nông sáng tạo, phù hợp tiềm năng lợi thế địa phương, sẽ giúp người dân có định hướng rõ ràng để phát triển kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành những trang trại, gia trại sản xuất hiệu quả. Trung tâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương chú trọng công tác khảo sát, lựa chọn đúng đối tượng để hỗ trợ; thường xuyên bám sát, tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ các gia đình trong quá trình chăn nuôi.
Huyện cũng tập trung phát triển những ngành kinh tế có thế mạnh, như nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhiều lao động miền núi. Huyện đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất với quy mô trang trại, gia trại; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi; ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với trồng dược liệu...
Cùng chung tay
Theo kết quả rà soát, cuối năm 2023 Ba Chẽ không còn hộ nghèo, còn 39 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương; 21 hộ nghèo, 111 hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn của tỉnh. Với những kết quả tích cực đạt được trong công tác giảm nghèo, huyện đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2024 không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 50% so với năm 2023 theo chuẩn của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 80 triệu đồng.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, khẳng định: Ba Chẽ luôn xác định chương trình giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, hội viên; sự chung tay của các doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò chủ thể của nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo. Công tác giảm nghèo phải đảm bảo chất lượng, bền vững, không chạy theo thành tích; đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tránh tái nghèo và phát sinh nghèo. Huyện đang phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư để tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân; ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, điều kiện và khả năng thoát nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.
BCĐ giảm nghèo từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn, phát huy vai trò, trách nhiệm, phân công các thành viên theo dõi sát sao, có giải pháp trợ giúp phù hợp với từng địa phương, từng hộ nghèo. Trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo, BCĐ giảm nghèo huyện chỉ đạo triển khai các giải pháp đối với từng nhóm hộ: Nhóm hộ đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo năm 2024; nhóm hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có sức lao động nhưng thiếu việc làm; nhóm hộ không biết cách làm ăn, lười lao động, ỷ lại; nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng thoát nghèo.
Trong đó, tập trung rà soát, xác định chính xác các nguyên nhân nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống... Trong năm 2024, huyện sẽ mở 6 lớp đào tạo nghề cho 120 lao động nông thôn. Để hoàn thành mục tiêu tạo việc làm mới cho 900 lao động trong năm 2024, huyện đang tích cực tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.
Cấp ủy, chính quyền các cấp huyện còn triển khai lồng ghép các chính sách, đồng bộ các giải pháp chống tái nghèo đối với các hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo; phát huy tính tự giác, nỗ lực của mỗi người dân đối với công cuộc giảm nghèo bền vững. Bám sát định hướng, mục tiêu đặt ra trong công tác giảm nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 16/7/2018 Huyện ủy "Về nâng cao nhận thức trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, xóa bỏ tư tường trông chờ, ỷ lại", gắn với thực hiện công tác giảm nghèo.
Ông Phạm Thế Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn, cho biết: Bám sát mục tiêu về giảm nghèo trong năm 2024, Đảng ủy xã đã chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nghiêm túc, tránh nể nang, né tránh. Đồng thời công khai chính sách hỗ trợ và đối tượng người nghèo được thụ hưởng. BCĐ giảm nghèo xã phân công các thành viên rà soát công việc cụ thể, rõ ràng, tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, hộ gia đình. Xã gắn công tác giảm nghèo với chương trình xây dựng NTM; hình thành các mô hình sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao thu nhập. Đồng thời vận động nhân dân cải thiện điều kiện sống, vệ sinh môi trường trong thôn, xóm, khu dân cư và hộ gia đình.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()