Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:40 (GMT +7)
Ba Chẽ nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Thứ 7, 26/10/2024 | 13:34:55 [GMT +7] A A
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, huyện Ba Chẽ đã và đang tập trung cho công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.
Huyện Ba Chẽ có 7 di tích, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 3 di tích kiểm kê phân loại (chưa được xếp hạng). Huyện đã thực hiện quy hoạch, tôn tạo các di tích, danh thắng: Đình Đồng Chức (xã Lương Mông), đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà (xã Nam Sơn), di tích Khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh Hải Ninh tại xã Lương Mông và xã Minh Cầm. Về văn hoá phi vật thể, các di sản được kiểm kê bao gồm đầy đủ các loại hình quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, gồm 7 loại hình văn hoá phi vật thể là: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tiếng nói, chữ viết.
Xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, huyện Ba Chẽ luôn coi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Thời gian qua huyện đã từng bước huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di sản phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương, như: Cụm di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà; chùa Trúc Lâm Bảo Quốc, Nhà văn hóa các dân tộc xã Lương Mông, Nhà văn hóa dân tộc Dao, miếu Bàn Vương (thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn)...
Công tác bảo tồn bản sắc văn hóa phi vật thể có nhiều đổi mới, trên địa bàn huyện đang duy trì nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào DTTS. Hiện nay, huyện đã phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Bàn Vương; Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà; Lễ hội Lồng Tồng; Lễ hội đình Làng Dạ; Lễ hội đình Đồng Chức; ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay và ngày hội Văn hóa dân tộc Tày; Lễ hội Trà hoa vàng... Việc tổ chức thành công 3 kỳ Lễ hội Bàn Vương và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ của cộng đồng dân tộc Dao đã trở thành sự kiện văn hóa lớn, thu hút được đông đảo sự tham gia của các nhóm người Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cũng như nhiều dòng họ, làng bản có người Dao sinh sống tập trung trên địa bàn huyện Ba Chẽ.
Song song với công tác phục dựng, trong 5 năm trở lại đây huyện Ba Chẽ đã mở 12 lớp truyền dạy cho 320 người tham gia về các nội dung: Hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay và hát then đàn tính của dân tộc Tày; chạm bạc, nấu rượu truyền thống, múa mặt nạ Ka đong, chạm khắc mặt nạ gỗ và mặt nạ giấy, trò chơi vật chày... Thành lập được 3 CLB hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay tại các xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn; 2 CLB hát đối của dân tộc Dao, 1 CLB hát then đàn tính và 2 CLB thêu thổ cẩm của dân tộc Dao, với 230 người tham gia sinh hoạt, tập luyện.
Tháng 7/2024, huyện Ba Chẽ đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng thực hiện Nghị quyết 17-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Qua đó thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị huyện cùng đồng lòng xây dựng văn hóa, con người Ba Chẽ thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Cùng với đó, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc; thi các môn thể thao dân tộc được duy trì thường xuyên. Đặc biệt là một số nghi lễ đặc trưng của người Dao như: Nhảy lửa, múa rùa, các bài dân ca cổ, dân vũ đang từng bước được phục dựng, cũng như thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trên địa bàn. Ngành GD&ĐT huyện đã duy trì chỉ đạo học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần và trưng bày một số bộ trang phục truyền thống tại nhà trường. Ngoài ra còn thực hiện việc mặc trang phục dân tộc tại các hoạt động ngoại khóa, các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm; tổ chức trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh coóc mò, bánh gù, đẩy gậy, kéo co, tung còn; tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia.
Có thể thấy đời sống văn hóa tinh thần trên địa bàn huyện Ba Chẽ đang có nhiều chuyển biến tích cực thông qua các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội truyền thống và sự đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở; gắn bảo tồn văn hóa dân tộc với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất và người Ba Chẽ.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()