Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:14 (GMT +7)
Ba Chẽ: Chuyển biến sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU
Thứ 2, 06/05/2024 | 06:14:00 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, huyện Ba Chẽ đã có sự đổi mới rõ nét, diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng đổi thay, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM đạt nhiều thành tựu. Trong đó phải kể đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Quyết liệt triển khai thực hiện
Ngay sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TU được ban hành, Huyện ủy Ba Chẽ đã ban hành Kế hoạch số 51-KH/HU ngày 20/7/2021 về học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ huyện đã tổ chức học tập nghị quyết thông qua hội nghị báo cáo viên đến tất cả các xã, thị trấn. Việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TU, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của tỉnh có liên quan đến Nghị quyết số 06-NQ/TU được cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chú trọng chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả với các hình thức phong phú, đa dạng.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của huyện. Trong đó, gắn với thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV; Chỉ thị số 01-CT/HU ngày 1/9/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện và Chỉ thị số 02-NQ/HU ngày 1/9/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và Đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện; Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch bền vững.
Ba Chẽ đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.
HĐND huyện ban hành các nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn. UBND huyện xây dựng Kế hoạch hành động số 168/KH-UBND ngày 18/10/2021 về thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. UBND các xã, thị trấn bám sát Nghị quyết số 06-NQ/TU để tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tế, có tính khả thi, đúng với chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Nhiều kết quả tích cực
Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn bộ 21 mục tiêu chủ yếu của nghị quyết được triển khai đồng bộ, vượt tiến độ bình quân, có hiệu quả, trong đó 14/21 mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người gấp 1,6 lần so với năm 2020. Huyện không còn xã, thôn thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được giữ vững và nâng cao về tỷ lệ, mức độ chuẩn. Toàn bộ 7/7 xã đã đạt chuẩn NTM. 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Năm 2022, huyện Ba Chẽ đạt chuẩn NTM.
Sản xuất nông - lâm nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ. Diện tích gieo trồng ổn định, năng suất, sản lượng hằng năm đều đạt trên 8.400 tấn, diện tích trồng rừng năm sau cao hơn năm trước, chủ động được nguồn cung ứng cây giống, xây dựng được 6 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế tăng năng suất và giá trị nông sản trên địa bàn huyện.
Huyện cũng tập trung ưu tiên lồng ghép hơn 4.100 tỷ đồng các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, khởi công 63 công trình thiết yếu tạo động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách đạt kết quả cao so với giai đoạn trước. Từ đó có thêm nguồn lực thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, hiệu quả.
Thời gian tới, huyện Ba Chẽ tiếp tục kiên trì, nhất quán thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược là nền tảng thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế lâm nghiệp là thế mạnh lớn nhất cần ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế dài hạn. Ba Chẽ phấn đấu hết năm 2024 thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng (tăng 8 triệu đồng/người so với năm 2023; tăng hơn 1,8 lần so với năm 2020). Đến hết năm 2025 đạt mục tiêu tăng gấp đôi năm 2020.
Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ Nông Tiến Lâm:
Các chương trình đào tạo nghề đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa thật sự quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của huyện, nhất là nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó, nhiệm vụ then chốt là nâng cao trình độ nhận thức để nhân dân được biết, được bàn, được làm và thực sự là chủ thể của sự phát triển. Huyện đã chú trọng mở những lớp đào tạo nâng cao năng lực cộng đồng theo hướng cầm tay, chỉ việc; xây dựng những điển hình tiên tiến về thực hiện mô hình phát triển sản xuất; phát động các phong trào thi đua, từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên làm giàu của người dân.
Các chương trình đào tạo nghề được triển khai tích cực đã thúc đẩy áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người lao động tìm kiếm nhiều cơ hội việc làm mới, tăng số lao động được giải quyết việc làm lên 400-500 lao động/năm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, tư duy của người dân trong độ tuổi lao động đã có nhiều chuyển biến, không chỉ tận dụng cơ hội và phát huy thế mạnh địa phương vươn lên thoát nghèo; một bộ phận người dân đã tích cực tìm kiếm công việc tại các khu công nghiệp, các mỏ.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Chẽ Triệu Đức Phượng:
Thoát nghèo, xóa thôn, xã đặc biệt khó khăn không còn là khẩu hiệu
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã góp phần tạo sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về diện mạo các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc trên địa bàn huyện. Giờ đây, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn phát triển kinh tế khấm khá. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước đang dần được xóa bỏ; người dân đã biết tự lực, vận dụng các chính sách hỗ trợ để cải tạo sản xuất, gia tăng thu nhập, nhiều mô hình kinh tế giảm nghèo đã và đang được nhân rộng.
Thoát nghèo, xóa thôn, xã đặc biệt khó khăn giờ đây không còn là khẩu hiệu của huyện Ba Chẽ, mà đã trở thành hiện thực. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc đã được nâng lên. Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết, phấn đấu xây dựng Ba Chẽ ngày càng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Triệu Quý Làu:
Khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân
Triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thời gian qua xã Đồn Đạc luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh và huyện bằng sự chỉ đạo sát sao, nguồn đầu tư hợp lý và các công trình kết cấu hạ tầng cụ thể. Chính từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước đã khơi dậy sức mạnh, khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của người dân. Thu nhập bình quân của người dân đã đạt 65,2 triệu đồng/người/năm.
Những thành quả của Đồn Đạc là minh chứng sống động cho việc các chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán trong chăm lo, phát triển vùng đồng bào DTTS được tỉnh quan tâm ban hành và đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ Hoàng Thị Oanh:
Các chủ trương về giáo dục, đào tạo đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của người dân
Những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng cách của tỉnh trong những năm gần đây, nhất là từ Nghị quyết 06-NQ/TU đã khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tình cảm trước những nỗi niềm khó khăn của người dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tỉnh và huyện đã ưu tiên nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, triển khai thí điểm mô hình “Lớp học thông minh”, “Trường học thông minh”; vận dụng linh hoạt hình thức đầu tư đối tác công - tư để đẩy mạnh xã hội hóa đối với cơ sở giáo dục.
Đặc biệt với chủ trương xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cho giáo dục, đào tạo, thầy và trò huyện Ba Chẽ đã được giảng dạy, học tập, sinh hoạt trong những ngôi trường to đẹp, hiện đại. Việc học của các em trở nên hiệu quả hơn. Học sinh từ tất cả thôn, bản xa xôi đều đến học đông đủ, chăm chỉ và có ý thức tự giác hơn rất nhiều.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()