Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:20 (GMT +7)
Ba Chẽ: Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao
Thứ 2, 19/07/2021 | 11:39:15 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song huyện Ba Chẽ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp quyết liệt, qua đó đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Công tác chỉ đạo điều hành xây dựng nông thôn mới được huyện Ba Chẽ thực hiện sâu sát, quyết liệt, nhất là đối với 3 xã Lương Mông, Thanh Sơn, Đồn Đạc, để hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Theo báo cáo của huyện, tổng vốn huy động cho Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2020 của Ba Chẽ là hơn 299,7 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí phân bổ từ ngân sách tỉnh là trên 15,5 tỷ đồng, được phân khai chi tiết, gồm: Xây dựng hạ tầng trên 9,6 tỷ đồng, phát triển sản xuất trên 5,1 tỷ đồng; kinh phí hỗ trợ lãi suất, tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ sản phẩm OCOP 588 triệu đồng; kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo 175 triệu đồng.
Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới tiếp tục được huyện quan tâm, huy động được xã hội hóa trong dân, doanh nghiệp. Cán bộ, nhân dân tích cực tham gia phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới. Các hộ dân hiến được 900m2 đất, hiến 442 cây nông nghiệp, lâm nghiệp các loại, đóng góp 982 công lao động để xây dựng hạ tầng giao thông, ra quân 775 buổi tổng vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; đối ứng kinh phí mua giống thực hiện 24 dự án phát triển sản xuất xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí xã hội hóa là 7.201,6 triệu đồng.
Hạ tầng nông thôn được nâng cao, các xã tổ chức thi công hoàn thành khối lượng 42 dự án, công trình giải ngân trên 9,6 tỷ đồng. Nhiều quy hoạch được phê duyệt lập và điều chỉnh như: Khu văn hóa người Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn; khu xử lý rác tại thôn Khe Hố, xã Nam Sơn; cửa hàng xăng dầu tại thôn Khe Xa, xã Đạp Thanh; trụ sở làm việc HTX Toàn Dân tại thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm; điều chỉnh Quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng sử dụng đất tại CCN Chế biến lâm sản Nam Sơn; quy hoạch bổ sung điểm dân cư thuộc các xã trên địa bàn huyện.
Nhiệm vụ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp được giữ vững thời vụ, cơ cấu giống và giải pháp sản xuất. Các xã đã triển khai cho nhân dân thực hiện 24 dự án phát triển sản xuất. Trong đó, trồng cây gỗ lớn 6 dự án (314,2ha), trà hoa vàng 5 dự án (17,87ha), ba kích 3 dự án (4,6ha), nuôi ong 1 dự án (30 tổ), nuôi gà 2 dự án (3.500 con), nuôi bò 1 dự án (52 con), nuôi trâu 1 dự án (12 con), trồng ngầu tài lệch 1 dự án (1ha), hỗ trợ thành lập 1 HTX và hỗ trợ lãi suất cho 3 trang trại. Tổng khối lượng thực hiện và giải ngân vốn là trên 5,5 tỷ đồng.
Huyện Ba Chẽ đã ưu tiên phát triển sản xuất tập trung nhất là trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu và chăn nuôi trâu, bò. Chương trình OCOP được duy trì phát triển với 10 sản phẩm đạt 3-5 sao. Huyện đã phối hợp các viện khoa học của Trung ương triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ như: Nghiên cứu tình hình sâu bệnh hại trên cây trà hoa vàng; nghiên cứu, đánh giá một số tác dụng dược lý của các hoạt chất trong lá và hoa trà hoa vàng Ba Chẽ đối với sức khỏe con người; phân tích, đánh giá tác dụng của chế phẩm sinh học ảnh hưởng đến sự phân hủy vỏ keo tạo thành phân hữu cơ compost phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại huyện Ba Chẽ; sản xuất giống trà hoa vàng Camellia Chrysantha bằng công nghệ nuôi cấy mô.
Trong năm qua, Ba Chẽ đã giảm được 68 hộ nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%; giảm 175 hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,92%. Huyện mở 6 lớp nghề với 120 lao động nông thôn (4 lớp nghề phi nông nghiệp, 2 lớp nghề nông nghiệp). Tỷ lệ lao động qua đào tạo hiện đạt 65%. Huyện giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS 7/7 xã. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 3 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng 2 trường đạt chuẩn quốc gia lên mức độ 2.
Huyện đã giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện thôn, vườn đạt chuẩn nông thôn mới, hộ gia đình kiểu mẫu; lồng ghép từ nguồn vốn Chương trình nông thôn mới, Chương trình 135 để xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn thôn. Các thôn chăm sóc đường hoa cây cảnh, hàng rào xanh, vườn mẫu. Đến nay, có 9 thôn của 3 xã Lương Mông, Thanh Sơn, Đồn Đạc được UBND huyện quyết định công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới. UBND các xã đã quyết định công nhận 105 vườn nông thôn mới. Có 465 hộ xây dựng hộ gia đình nông thôn mới kiểu mẫu.
Ba Chẽ hiện có 5/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Nam Sơn), trong đó riêng xã Lương Mông đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, có 4 xã xây dựng Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó xã Minh Cầm đạt chuẩn 3/8 tiêu chí, xã Đạp Thanh đạt chuẩn 3/8 tiêu chí, xã Thanh Lâm đạt chuẩn 4/8 tiêu chí, xã Nam Sơn đạt chuẩn 3/8 tiêu chí.
Thời gian tới, huyện Ba Chẽ tiếp tục xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài theo hướng bền vững; huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để xã Minh Cầm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2 xã Thanh Sơn, Đồn Đạc nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí (khu vực Đồng bằng sông Hồng) đạt chuẩn nông thôn mới; 3 xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Nam Sơn nâng cao chất lượng tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025 (khu vực Đồng bằng sông Hồng), nâng tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Huyện từng bước phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí còn lại (thủy lợi, sản xuất và môi trường) để huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Ý kiến người trong cuộc:
Phó Chủ tịch UBND huyện Khiếu Anh Tú:
Khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn và các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Ngay từ đầu năm, huyện đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã rà soát, đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Về giao thông, huyện tập trung hoàn thành hệ thống đường trục thôn, đường ngõ xóm theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm; phát triển kinh tế nông, lâm theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng, hiệu quả, đảm bảo vững chắc về an ninh lương thực.
Huyện khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn, cây trồng khác và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân thông qua chương trình học tập tại cộng đồng, đào tạo nghề; phối hợp với các cơ quan, đơn vị mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo lao động và tạo việc làm cho người lao động, để họ ổn định cuộc sống lâu dài.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng Nguyễn Tiến Trường:
Phải thay đổi hoàn toàn về tư duy, cách làm
Để thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân Ba Chẽ sẽ phải thay đổi toàn bộ tư duy cũ. Bởi có nhiều tiêu chí trước đây khi đưa vào áp dụng cho các xã khó khăn miền núi, thì nay lại được nâng tầm, với các tiêu chí áp dụng cho người dân vùng Đồng bằng sông Hồng.
Cụ thể như các con đường tại thôn, bản trước đây được bê tông hóa đã là rất nỗ lực, nay theo tiêu chí mới phải có vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng. Hay như tiêu chí thu nhập trước đây chỉ cần người dân có nguồn thu để thoát nghèo, không tái nghèo là được, thì nay phải có thu nhập 50 triệu đồng/người/năm. Đó là thách thức không nhỏ mà người dân Ba Chẽ cần phải cố gắng vượt bậc.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Triệu Quý Làu:
Cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thanh niên
Việc thành công trong xây dựng nông thôn mới đã cải thiện và nâng cao rõ rệt đời sống của nhân dân xã Đồn Đạc cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Đơn cử như năm 2020, bà con đã tích cực chuyển đổi những rừng keo thành rừng trồng gỗ lớn là cây dổi xanh trên diện tích hàng trăm ha. Đó là sự thay đổi tư duy lớn so với trước đây, vì người dân đã biết nhìn xa, nghĩ xa hơn, bởi dổi xanh là loại cây lâu năm mới cho thu hoạch, nhưng có giá trị kinh tế rất lớn, lại có giá trị về môi trường, giữ nguồn nước rất tốt.
Tuy thế, Đồn Đạc là xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn chưa lâu, người dân đa phần là người dân tộc thiểu số, chỉ làm nông nghiệp và trồng rừng, nên có rất ít mối quan hệ về làm ăn, không chủ động được việc tiêu thụ sản phẩm. Để Đồn Đạc thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, người dân không chỉ trông vào các sản phẩm lâm, nông nghiệp, mà rất cần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thanh niên xã có thu nhập ổn định và lâu dài.
Ông Nguyễn Văn Nùng (thôn Khe Loọng Ngoài, xã Thanh Sơn):
Xây dựng nông thôn mới thay đổi rõ rệt đời sống của người dân
Xã Thanh Sơn nhiều năm nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nay đã ra khỏi diện này, nguyên nhân sự nghèo khó cũng một phần do đường sá đi lại quá khó khăn. Chúng tôi nuôi con lợn, con gà cũng rất khó bán, trồng được cây keo đến mùa thu hoạch cũng phải bán giá rẻ, vì mất nhiều công vận chuyển do đường xấu.
Nay hệ thống đường giao thông toàn huyện được cứng hóa đã thay đổi rất lớn trong phát triển kinh tế, qua đó nhận thức của người dân cũng nâng lên rất nhiều. Mọi người bây giờ đều muốn vươn lên, phấn đấu có cuộc sống mới tốt đẹp hơn, chứ không còn yên phận với cái nghèo như trước nữa.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()