Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:16 (GMT +7)
Ba yếu tố quyết định sự sống còn của nghệ thuật cải lương
Thứ 6, 01/04/2022 | 17:14:02 [GMT +7] A A
Theo kế hoạch, Liên hoan đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 10-4 tại TP Cần Thơ.
Nghệ thuật đờn ca tài tử là nguồn cội cho nghệ thuật cải lương ra đời, phát triển. Trải qua hơn một thế kỷ, cải lương trở thành loại hình nghệ thuật sân khấu gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của không chỉ người dân vùng đất Nam Bộ, mà có sự lan tỏa ra cả nước. Nhưng phát triển cải lương như thế nào trong thời đại công nghệ 4.0 luôn là điều trăn trở của những người làm nghề sân khấu.
Tuồng hay; đào kép hát hay, diễn giỏi; khán giả. Đây là 3 yếu tố quyết định sự sống còn của cải lương. Rất đơn giản nhưng không dễ thực hiện.
Muốn có tuồng hay thì cần có gì? Trước hết, cần có soạn giả có tài, đạo diễn có tay nghề và nội dung luôn gắn với đời sống. Chắc hẳn những người sống bằng nghề cải lương không quên những năm 1955-1975, dù đất nước đang có chiến tranh, ngày nào trang nhất các tờ báo cũng có tin chiến sự, nhưng cải lương vẫn đỏ đèn đông khách. Vì sao? Vì cải lương ngày đó không bó mình trong một góc an toàn nào, không ôm quá khứ vàng son mà chuyển mình như chính cái tên “cải lương” và “lăn” vào cuộc sống sôi động với rất nhiều tuồng tích mang tính thời sự, hòa mình vào cuộc sống nên thu hút khán giả. Những tuồng tích xã hội gắn với đời sống như: “Con gái chị Hằng”, “Tấm lòng của biển”, “Tuyệt tình ca”, “Khách sạn hào hoa”, “Lấy chồng xứ lạ”... đã nói lên hiện thực xã hội đương thời. Thời đó, tài năng của soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ sống mãi trong lòng người xem.
Còn đào kép hát hay, diễn giỏi lại càng cần thiết. Nhưng họ ở đâu ra? Những tên tuổi một thời, có người đã mất, hoặc nay đã thành lão, như: Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước, Hùng Cương, Bạch Tuyết, Minh Phụng, Kiều Tiên, Minh Vương, Lệ Thủy, Hoàng Giang, Kim Giác, Út Trà Ôn, Ngọc Bích, Hùng Minh, Thanh Hương, Tấn Tài, Thanh Sang... Để trở thành nghệ sĩ giỏi các nghệ sĩ cần qua nhiều cuộc cọ xát, rèn luyện. Xưa gánh hát nhiều, người nghệ sĩ lăn lộn với nghề từ thuở thiếu niên và đều có đất để “dụng võ”. Họ đi từ gánh hát này sang gánh hát khác, từ nơi này sang nơi khác, gặp đủ các thầy, đủ đối tượng khán giả. Từ đó họ định hình được chính bản thân và cũng học hỏi được nhiều. Do đó, khi đã trở thành ngôi sao họ luôn có cái riêng về hát, diễn. Nói theo kiểu bây giờ là những ngón “độc” mà người khác không có.
Những năm đầu đất nước thống nhất, tôi ở gần rạp Hưng Đạo (quận 1, TP Hồ Chí Minh), chứng kiến một bà bán hoa quả ở chợ Cầu Muối đêm nào cũng đi xem cải lương, dù là tuồng đã xem rồi. Bà không chen vào phòng vé như mọi người, bà ngồi xích lô tới cửa rạp, bước xuống xe, giơ tay lên là có người đưa vào tay tấm vé và một cây quạt giấy. Tuồng tích thì bà thuộc làu làu, lớp nào hay, chỗ nào nghệ sĩ hát không giống ngày hôm qua, hôm kia... đều biết. Cải lương cần có những khán giả “ruột” như thế.
Một thành phần khác trong nghề cải lương không thể thiếu, dù họ chẳng bao giờ lên sàn diễn, đó là ông bầu, bà bầu. Họ chính là người nắm bắt thị hiếu của khán giả, là người nhìn thấy được tương lai của một nghệ sĩ và là một nhà đầu tư hiệu quả để đưa tuồng tích ra mắt người xem. Những tên tuổi lừng lẫy một thời như bầu Tơ (cải lương Minh Tơ-điểm son là tài nghệ của NSND Thanh Tòng), Phước Cương (của cha NSND Kim Cương), bầu Long, bầu Vĩnh Xuân... thật khó quên. Không thể quên bà bầu Tiêu Thị Mai, người đã bỏ ra 200 triệu đồng xây rạp Quốc Thanh rồi lập 3 đoàn cải lương Thái Dương, rước các nghệ sĩ “xịn” về hát.
Tuy không lên sàn diễn nhưng ông bầu, bà bầu đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển cải lương. Họ gắn bó với cải lương vì yêu thích, mê đào hát hoặc vì biết cách kiếm tiền.
Như vậy, "bộ ba" soạn giả, diễn viên và khán giả là một khối không thể tách rời. Trong đó, soạn giả, diễn viên phải được đào tạo, qua trường lớp bài bản. Có người nói với tôi rằng: Hiện nay có khoa cải lương trong các trường nghệ thuật sân khấu. Đúng là có nhưng chưa đủ!
Cả Nam Bộ, một vùng đất mê cải lương, nơi sản sinh ra thứ nghệ thuật độc đáo này cần không chỉ một khoa mà cần một hoặc hai, ba trường dạy cải lương cho lớp trẻ. Không chỉ dạy hát cho mùi, dạy diễn cho hay, dạy đàn cho giỏi mà phải dạy cả việc soạn kịch bản. Nhu cầu học nghề và truyền nghề của nghệ thuật cải lương là có thật và rất cần thiết. Song dường như chưa hề được chú ý. Ông Bảy Bá (NSND, soạn giả Viễn Châu) đàn tranh nổi danh một thời; ông Ba Tu đàn kìm lừng lẫy cả Nam Bộ; ông Văn Vĩ đàn vọng cổ tuyệt vời... Mỗi ông đều có ngón nghề riêng. Nhưng chưa nghe ai nói, hay nhận mình là truyền nhân, học trò ruột của các ông. Những người thầy giỏi mà không có người tiếp nối thì nghệ thuật cũng như ngón nghề thất truyền.
Trong nghề diễn cũng vậy, xưa vì chẳng ai quan tâm nên người mê nghề tới “lò” này nọ để học hỏi, thầy trò cũng tự dắt tay nhau mà lan tỏa nghệ thuật. Ai cũng biết Nam Bộ là cái nôi của đờn ca tài tử, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, giờ hỏi thanh niên nơi đây xem họ có phân biệt được đàn kìm với đàn sến không. Tôi e là khó.
Tôi xem ti vi trong thời gian gần đây, thấy có người dẫn chương trình trên truyền hình chưa phân biệt được cải lương và vọng cổ. Không thể trách các em, mà phải trách chúng ta chưa có biện pháp để làm cho các em hiểu thế nào là cải lương, thế nào là vọng cổ. Do không hiểu, không phân biệt được dẫn tới không thích, không yêu, truyền đạt sai đến công chúng.
Muốn gây dựng hay chấn hưng, nối dài sức sống cho cải lương thì chúng ta phải đầu tư. Ngọn nguồn phải từ giáo dục. Phải có giờ các em học để biết thế nào là đờn ca tài tử, thế nào là hò, lý... Đây là cách tạo điều kiện để thanh niên biết rồi mới tới thích nghệ thuật của dân tộc, cùng vùng đất nơi mình sinh sống. Tôi hy vọng trong thời gian tới, tại các tỉnh Nam Bộ có giờ (khoảng 1 giờ/tuần) trong các lớp học của THCS, THPT dạy dân ca, trong đó có đờn ca tài tử, cải lương.
Phải có trường chuyên dạy những người có lòng, có năng khiếu với nghệ thuật cải lương. Không chỉ dạy hát mà dạy cả thủ thuật bí truyền trong cách diễn. Dạy cách soạn một tuồng cải lương như thế nào. Bởi viết tuồng cải lương không như cách viết kịch bản phim hay thoại kịch. Người viết ngoài tài năng, kiến thức còn phải biết về ngũ âm, về âm luật của nhạc tài tử, biết cách sử dụng cây đàn nào vào lúc nào... Đàn cũng phải học, nhấn nhá thế nào cho mùi; chạy ngón thế nào cho tinh tế, hơi đàn thế nào cho hấp dẫn... Cần nữa là một hoặc hai trường chuyên nghề cho cải lương ở Nam Bộ. Như vậy thì chúng ta mới hy vọng có thế hệ khán giả mới cho cải lương và thích, mê cải lương. Như thế, cải lương mới sống cùng năm tháng.
Theo Quân đội nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()