Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:14 (GMT +7)
Bác Hồ với công tác chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ
Thứ 6, 25/03/2022 | 07:57:57 [GMT +7] A A
Trong suốt cuộc đời cách mạng vẻ vang của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm cho thanh niên. Người đặc biệt quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người hiểu rằng bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn tồn tại, phát triển đều phải quan tâm đến việc bồi dưỡng và phát huy vai trò của lực lượng thanh niên; sự phát triển của thanh niên quan hệ đến vận mệnh của đất nước, ảnh hưởng đến tương lai của dân tộc “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết”.
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Người luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng. Trong bức thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Người đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của đất nước”. Tinh thần nhiệt huyết, có sức sống căng tràn và năng lực sáng tạo…là thế mạnh, là vốn quý của tuổi trẻ.
Người khẳng định vai trò lịch sử của thanh niên và đặt niềm tin mạnh mẽ vào khả năng cách mạng của thanh niên “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Người yêu cầu thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến kiến quốc; phải là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Việc giáo dục, bồi dưỡng thanh niên phải tiến hành thường xuyên và toàn diện trên tất cả các mặt “Đức-Trí-Thể-Mỹ”. Có như vậy họ mới đủ năng lực, phẩm chất, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, sức khoẻ… để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển của sự nghiệp cách mạng.
Giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên là một trong những định hướng giáo dục xã hội chủ nghĩa cơ bản và quan trọng. Người luôn nhắc nhở “người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho Chủ nghĩa Xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước và trên thế giới”. Lý tưởng cao đẹp mà Hồ Chí Minh nói tới đó là: Độc lập dân tộc, tự do và Chủ nghĩa Xã hội. Lý tưởng này trở thành niềm tin, lẽ sống của nhiều thế hệ kế tiếp nhau: Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm và biết bao thanh niên khác - Họ mãi mãi là tấm gương sáng ngời của tuổi trẻ Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa quan trọng, tiếp thêm nguồn sức mạnh, trí sáng tạo cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm chiến đấu, lao động, cống hiến trên mọi lĩnh vực vì sự vững bền của đất nước, cho sự thăng hoa của dân tộc, cho dáng đứng Việt Nam tạc sâu vào thiên niên kỷ.
Nội dung quan trọng hàng đầu là xây dựng đạo đức cách mạng, giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gột rửa chủ nghĩa cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Người đặt tư cách đạo đức của người cách mạng là nội dung trước tiên của cuốn sách “Đường kách mệnh”. Tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng chứa đựng giá trị hết sức sâu sắc đối với việc xác lập nhân cách, lý tưởng cũng như chuẩn mực lối sống cho thế hệ trẻ. Chính nhờ có đạo đức cách mạng mà mỗi thanh niên có thể tự phấn đấu hoàn thiện mình, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của cách mạng. Đạo đức cách mạng là đạo đức mới, là phẩm chất không thể thiếu và là cái gốc của con người xã hội chủ nghĩa: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi nhất của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính: “Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm Chính… Thiếu một đức thì không thành người”. Nhưng đạo đức cách mạng theo Người không phải là cái có sẵn, không phải từ trên trời sa xuống mà là kết quả của sự đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày của mỗi người. Do vậy, Người căn dặn thế hệ trẻ phải luôn nỗ lực rèn luyện đạo đức cách mạng: Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sống trong sạch, có chí tiến thủ và đoàn kết, không kiêu ngạo; tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; phê phán những thói hư, tật xấu; thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình... để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Giáo dục, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học – kỹ thuật
Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục nâng cao trình độ văn hoá, kỹ thuật và nghề nghiệp cho thanh niên. Người coi đây là điều kiện quan trọng để thanh niên cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân. Nếu chỉ có đức không thôi thì chưa đủ, hơn nữa chính sự dốt nát là một trong những nguyên nhân cơ bản kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân và của dân tộc:“Dốt thì dại, dại thì hèn”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.
Người nhắc nhở thanh niên không được lười biếng trong học tập, trong suy nghĩ và trong hành động. Người cho rằng học tập là công việc suốt đời với mỗi thanh niên và cách tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết đáp ứng ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Thế giới ngày nay luôn đổi mới, người dân ta ngày càng tiến bộ, do đó mỗi thanh niên phải thường xuyên học tập để tiến kịp nhân dân:“Nếu không chịu khó học tập thì không thể tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái hoá xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học tập thì lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự bùng nổ của cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Từ đó đòi hỏi thanh niên Việt Nam phải biết vươn lên làm chủ những công nghệ tiên tiến nhất để xoá bỏ nghèo đói và tụt hậu, để rút ngắn khoảng cách với những quốc gia phát triển. Thực tế cho thấy, rất nhiều thanh niên đã và đang xứng đáng với lời dạy đó của Người. Những thắng lợi vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế: Robocon, Olympic toán học, vật lý; trong sản xuất, kinh doanh… Tất cả những thành tích trên đã chứng minh vai trò và năng lực của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Tuy nhiên, tuổi trẻ ngày nay cần phải làm được nhiều hơn thế, cần phải tiếp tục phấn đấu và rèn luyện. Trên nhiều lĩnh vực, chúng ta còn tụt hậu so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Nhiệm vụ của thanh niên là phải góp phần thu hẹp, san bằng khoảng cách đó.
Giáo dục sức khoẻ và thể chất
Thanh niên là lực lượng quan trọng của xã hội, không những có vai trò tham gia tích cực các nhiệm vụ hiện tại của đất nước mà còn là người chủ xã hội tương lai. Do đó, họ phải có sức khoẻ tốt thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Bản thân Người là một tấm gương sáng về rèn luyện sức khỏe. Người kêu gọi mọi người, nhất là thanh niên, phải thường xuyên rèn luyện sức khoẻ, coi đó là trách nhiệm và bổn phận của thanh niên: “Vậy luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ, ai cũng nên làm và ai cũng làm được… Dân cường thì nước thịnh”.
Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đoàn, Tỉnh uỷ, sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Ban Xây dựng Đảng Tỉnh uỷ. Với tinh thần chủ động, tích cực, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tập trung, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác đạt nhiều kết quả nổi bật. Triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc cho các đoàn viên, thanh niên. Theo đó, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 - 2020”.
Bên cạnh đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định là nội dung trọng tâm trong công tác giáo dục của Đoàn. Hàng năm, các cấp bộ Đoàn đều tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tọa đàm, hội nghị, hội thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lịch sử, văn hóa đất nước; thăm địa danh, địa chỉ đỏ gắn với cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác; Tổ chức các hoạt động, công trình, phần việc làm theo lời Bác. Qua đó, bồi đắp niềm tự hào, tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ trong tỉnh.
Đáp lại sự quan tâm chăm lo của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, với hành trang là sức trẻ và tri thức, tuổi trẻ Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung sẽ tiếp bước cha anh, ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, mãi là “mùa xuân của xã hội”.
Hoàng Thị Thu Hiền (Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()