Trong quyết định xử phạt được công bố ngày 5/12, Thanh tra Sở Y tế xác định ông Thọ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, chưa được cấp chứng chỉ hành nghề, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung.
Ngoài ra, ông Thọ còn bị phạt vì kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gồm sản phẩm Pro K, xạ đen với trị giá lô hàng vi phạm 2,35 triệu đồng.
Giữa tháng 11, lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất căn nhà quận Phú Nhuận, phát hiện ông Thọ khám cho bệnh nhân, bán sản phẩm không rõ nguồn gốc nhãn hiệu "Dr Tho". Trên bàn khám bệnh có nhiều "phiếu khấn nguyện trước khi ăn", phiếu OHSAWA công thức số 6, công thức số 7 (phương pháp thực dưỡng) ghi thông tin "BS Hà Duy Thọ". Trang Facebook cá nhân mang tên "Bác sĩ Hà Duy Thọ" quảng cáo về kiến thức dinh dưỡng và nhiều sản phẩm thực phẩm.
Tuần qua, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cũng xử phạt hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh không phép. Chẳng hạn Công ty TNHH VSPACE (chăm sóc da, 154/8 Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình) bị phạt 160 triệu đồng, đình chỉ hoạt động, buộc tháo gỡ quảng cáo. Công ty TNHH Nha khoa Sunshine (số 49 đường 3/2, phường 11, quận 10) bị phạt 135 triệu đồng, đình chỉ hoạt động.
Một số cơ sở quảng cáo sai quy định, bị xử phạt tiền và buộc tháo gỡ các quảng cáo sai phạm. Đơn cử, Công ty TNHH Nha khoa For You (23B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1) bị phạt 57 triệu đồng; Công ty TNHH Đầu tư quốc tế SV (215 Nguyễn Thượng Hiền, phường 6, quận Bình Thạnh) 45 triệu đồng; Công ty TNHH IC INTERNATIONAL (54 Khai Trí, phường 6, quận Tân Bình) 70 triệu đồng.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho rằng ngày càng nhiều người có xu hướng lợi dụng không gian mạng, tạo lập các website, tài khoản, trang hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube...) để quảng cáo, giới thiệu các dịch vụ khám chữa bệnh, mua bán thuốc, thiết bị y tế trái phép, gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe người dân.
Một số người đăng tải các clip dưới hình thức chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức y khoa, thông qua đó quảng cáo khám chữa bệnh tại cơ sở. Có những trường hợp mạo danh y bác sĩ để quảng cáo các dịch vụ khám chữa bệnh, đăng nội dung, hình ảnh có tính thách thức cơ quan quản lý. Không ít trường hợp sử dụng hình ảnh, đánh giá của những người có tầm ảnh hưởng trên mạng, nghệ sĩ nổi tiếng, thông tin quảng cáo trên các trang báo chí để thu hút và tạo niềm tin cho người dân.
Người dân lưu ý khi lựa chọn các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Khi tiếp cận các thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, không vội vàng tin ngay mà cần có sự kiểm chứng cẩn thận thông qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Cổng tra cứu thông tin khám chữa bệnh của Sở để tìm hiểu về giấy phép của phòng khám, bác sĩ, tránh những biến chứng gây nguy hiểm tính mạng.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, người dân gọi đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc phản ánh qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở có thông tin kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm.
Ý kiến ()