Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:11 (GMT +7)
Bình Phước - Đồng lòng dập dịch, giữ đà tăng trưởng Bài 1: Bước chạy đà hoàn hảo
Thứ 2, 30/08/2021 | 15:47:50 [GMT +7] A A
Kinh tế Bình Phước hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng với tinh thần vượt khó, quyết tâm cao và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân, Bình Phước đã từng bước vượt qua khó khăn để hoàn thành mục tiêu “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản vẫn được kiểm soát. Song song đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định. Tính đến đầu tháng 8-2021, thu ngân sách thực hiện 8.064 tỷ đồng, đạt 106% dự toán bộ tài chính giao, đạt 62% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 78% so với cùng kỳ.
Tấm khiên vững chắc
Mặc dù Bình Phước khoanh được nhiều vùng xanh nhưng lãnh đạo tỉnh vẫn tăng cường quản lý, siết chặt lượng người và phương tiện tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh và khu vực biên giới. Đồng thời, tiếp tục duy trì 65 chốt cố định và 11 chốt lưu động trên tuyến biên giới; 8 chốt cố định lập trên đường giao thông huyết mạch và hàng chục tổ kiểm soát lưu động tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về “sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh Covid-19”. Trong đó nhận định, thời gian tới, dịch bệnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường; Bình Phước vẫn là tỉnh có nguy cơ cao do nằm ngay trong vùng dịch... Vì vậy, cần phải kiểm soát lây lan dịch bệnh từ bên ngoài; thiết lập, bảo đảm hoạt động hiệu quả các chốt kiểm soát; tạo lập vành đai để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập. Kiểm soát lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là tại các nơi có nguy cơ cao như: khu công nghiệp, bệnh viện, công sở, trường học, địa điểm công cộng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Làm tốt công tác tầm soát phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, phong tỏa; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định chống lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung và nơi cách ly tại gia đình; tiến hành xét nghiệm sàng lọc thường xuyên tại các nơi có nguy cơ cao. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động phòng, chống dịch, nhất là các ứng dụng trong truy vết, khai báo y tế, dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh của tỉnh...
Trong trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Với nghị quyết này, chúng tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước càng quyết tâm hơn nữa, kiên cường hơn nữa. Sự triển khai đồng bộ trên nhiều mặt, từ sự kiểm soát lây nhiễm, chữa trị, tiêm vắc xin đến tranh thủ điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi, những vùng kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững quốc phòng - an ninh... là chúng ta sẽ thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”.
Giữ đà tăng trưởng
Theo số liệu thống kê, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh đến nay cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Trong 7 tháng năm nay, toàn tỉnh thu hút được 79 dự án trong nước với số vốn đăng ký 6.780 tỷ đồng, ước cả năm đạt kế hoạch 10.000 tỷ đồng; thu hút được 57 dự án đầu tư nước ngoài, với số vốn đăng ký 546 triệu USD (kể cả điều chỉnh tăng vốn), ước thực hiện cả năm đạt khoảng 600 triệu USD. Trong năm, tỉnh cũng có 722 DN đăng ký thành lập, ước thực hiện cả năm 1.250 DN, đạt và vượt kế hoạch đề ra; thành lập 24 hợp tác xã, ước thực hiện cả năm 30 hợp tác xã, đạt kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã cấp mới 673 DN, bằng 105% so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 33 DN). Đến ngày 30-6-2021 toàn tỉnh có 7.017 DN và 1.711 đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác đang hoạt động.
Để đạt được kết quả nêu trên, tỉnh đã có những chỉ đạo mạnh mẽ về phát triển chính quyền điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt là tạo được đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Đó là những tiền đề để chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 tăng 11 bậc so năm 2019 - từ hạng 61/63 lên 50/63; một số chỉ số thành phần tăng nhanh như: tính năng động của chính quyền tăng 26 bậc, từ hạng 62/63 lên 36/63; dịch vụ hỗ trợ DN tăng 42 bậc, từ hạng 44/63 lên 2/63). Những con số đó đã nói lên sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư, từ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Chính những chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thường trực Tỉnh ủy và sự điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Bình Phước đứng top 10 của cả nước. Phát huy thành quả đó, tỉnh tiếp tục xây dựng các kịch bản phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm. Trong đó, đẩy mạnh an sinh xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo song song với nỗ lực duy trì tốc độ phát triển kinh tế, các dự án hạ tầng kết nối để phát huy các thế mạnh, đưa Bình Phước phát triển xứng tầm tiềm năng.
Theo Xuân Túc/ Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()