Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:21 (GMT +7)
Chiến dịch thần tốc, lợi ích lâu dài Bài 1: Lan toả chuyển đổi số
Thứ 6, 22/07/2022 | 14:59:49 [GMT +7] A A
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Tuy nhiên, còn nhiều lý do khiến tỷ lệ thực hiện ở tỉnh Bình Phước chưa đạt so với chỉ tiêu mà Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số giao là 80% trong năm 2022. Để đạt tỷ lệ này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND, triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm "Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số". Chiến dịch này đang được cả hệ thống chính trị trong tỉnh triển khai thực hiện với quyết tâm rất cao.
Trong các giải pháp chuyển đổi số, ngoài sự nỗ lực, tích cực của chính quyền thì sự chủ động, chung tay, đồng lòng của người dân rất quan trọng vì mọi nguồn lực đầu tư đều hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân. Chuyển đổi số chỉ đạt được hiệu quả cao khi người dân hiểu và chủ động tham gia, coi công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực và dễ thực hiện. Chính vì vậy, mô hình tổ công nghệ số cộng đồng được triển khai trên toàn tỉnh với định hướng trở thành hạt nhân giúp người dân tiếp cận công nghệ số, ngày càng có nhiều hoạt động tương tác trên môi trường số và trở thành công dân số.
Đưa công nghệ đến từng ngõ ngách cuộc sống
Với lợi thế tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt cao, mức độ phủ sóng internet rộng khắp, thị xã Phước Long đã linh hoạt thành lập 7 tổ công nghệ số cộng đồng tại 7 xã, phường; 42 tổ công nghệ số tại các tổ, ấp, khu phố với 350 thành viên tham gia.
Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thị xã đã tổ chức tập huấn cho các tổ công nghệ số cộng đồng, từ đó triển khai theo nhiều cách giúp người dân tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng. Như trường hợp bà Phùng Thị Tuyết ở khu phố 2, phường Phước Bình. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng việc thường xuyên tham gia các hội, đoàn thể đã giúp bà sử dụng điện thoại thông minh thành thạo. Vì vậy, chỉ qua vài thao tác hướng dẫn theo hình thức cầm tay chỉ việc, thực hành thực tế, bà Tuyết đã có thể sử dụng dịch vụ công để đăng ký nộp các thủ tục hành chính, thanh toán tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng. “Lúc đầu, tôi nghĩ là rất khó nhưng được sự tư vấn, hướng dẫn của các cháu đoàn thanh niên tôi thấy ở nhà cũng có thể thanh toán được các loại hóa đơn, gửi phản ánh đến chính quyền qua ứng dụng Binh Phuoc Today. Lớn tuổi như tôi còn làm được thì ai cũng có thể làm được” - bà Tuyết tự tin khẳng định.
Các tổ công nghệ số cộng đồng tại tổ dân phố, khu phố ở Phước Long đang phát huy lợi thế bởi tập hợp được lực lượng đoàn thanh niên, các hội, đoàn thể, công an, giáo viên, bởi họ là những người trụ cột ở cơ sở, nắm chắc đặc điểm từng gia đình, khu dân cư và rành về công nghệ. Bà Lê Thị Thanh Nga, Bí thư Chi bộ khu phố 2, phường Phước Bình tin tưởng việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng sẽ giúp lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, người dân sẽ nhanh chóng làm quen với công nghệ. “Bằng nhiều hình thức triển khai, các tổ công nghệ số cộng đồng ở khu phố bước đầu đã hỗ trợ người dân tiếp cận với công nghệ số qua việc hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến; mua bán hàng hóa, thanh toán tiền điện, nước, học phí không dùng tiền mặt; cài đặt và sử dụng ứng dụng Binh Phuoc Today để tương tác với chính quyền qua các nền tảng số” - bà Nga cho biết.
Đặt công nghệ vào tay người dân
Để thực hiện thành công chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đang cùng quyết tâm hành động và triển khai làm thực chất, quyết liệt. Huyện Phú Riềng có 12,6% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp thì việc hiểu hết các quy định, thủ tục hành chính lại càng khó. Thấu hiểu khó khăn đó, lãnh đạo huyện đã tập trung nâng cao ý thức người dân trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Huyện đã thành lập 10/10 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 82/82 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với tổng 676 thành viên. Cán bộ, công chức, viên chức và các tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn về kiến thức chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào các dịch vụ công trực tuyến, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời đại công nghệ.
Ông Lê Văn Trung, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng bày tỏ việc được tập huấn sử dụng thuần thục các phần mềm phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các phần mềm tiện ích khác sẽ giúp ông và các thành viên trong tổ tự tin đặt công nghệ vào tay người dân. Ông Trung xác định: “Chúng tôi sẽ tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích từ việc thanh toán tiền điện, tiền nước trên điện thoại, hay quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương qua các trang mạng điện tử để bán hàng được nhiều hơn…”.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện và có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Sở cũng đã phân công đội ngũ cán bộ chuyên trách phối hợp triển khai phần mềm, máy chủ kịp thời hướng dẫn cơ sở xử trí các tình huống khẩn cấp; lắp đặt, phủ sóng mạng 3G, 4G toàn tỉnh, mở rộng các đường truyền dữ liệu, internet với băng thông rộng; hướng dẫn địa phương khắc phục đường truyền mạng để đảm bảo hoạt động ổn định.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, ấp với 5.520 thành viên để hỗ trợ người dân chuyển đổi số bằng các nền tảng. Trong khi đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác chuyển đổi số các cấp còn mỏng thì đây chính là lực lượng rất quý, có vai trò, chức năng như là “cánh tay nối dài” giúp chính quyền các cấp triển khai chủ trương, phần việc về chuyển đổi số sâu sát đến cơ sở và người dân. Ngoài huy động sức mạnh toàn dân thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện, triển khai nhiều cách làm sáng tạo, mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đạt tối thiểu 80% trong năm nay.
Theo Ngân Hà/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()