Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:51 (GMT +7)
Bài 1: Lấy "xây" để "chống"
Thứ 2, 09/10/2017 | 06:22:41 [GMT +7] A A
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quảng Ninh đã thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với nhiều giải pháp quyết liệt và xác định công tác phòng ngừa phải đi trước một bước, thực hiện lấy "xây" để "chống". Trong đó mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị công tác của mình đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng, tự giác, gương mẫu thực hiện Nghị quyết, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.
Nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên
Cán bộ xã Sông Khoai (TX Quảng Yên) giới thiệu về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức xã. |
Gần 5h chiều chúng tôi mới tới trụ sở UBND xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). Sắp đến giờ nghỉ, nhưng đội ngũ cán bộ của xã vẫn làm việc nghiêm túc tại vị trí của mình. Ở Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại, người dân vẫn đến giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính bình thường. Ông Đinh Văn Thanh, một người dân xóm 5 (xã Sông Khoai) cho biết: “Trước kia chúng tôi đi làm thủ tục gì cũng phải đi thật sớm vì sợ cán bộ đi họp, cán bộ nghỉ sớm, nhưng bây giờ không thế nữa rồi. Cứ trong giờ hành chính là có người làm việc ở trụ sở xã, muốn làm gì cũng không phải vội vàng, không sợ phải chờ đợi. Thế nên tôi đợi gần hết nắng mới đến để xin chứng thực, đầu giờ chiều nắng nóng lắm, ngại đi ra ngoài”.
Không riêng ở xã Sông Khoai, TX Quảng Yên, mà đội ngũ cán bộ, công chức ở các địa phương khác chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế như TP Uông Bí, huyện Tiên Yên, TP Hạ Long, TX Đông Triều, TP Móng Cái… đều tuân thủ nghiêm túc thời gian làm việc, chấp hành đúng kỷ luật, kỷ cương công chức, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Sự chuyển biến này chính là thành quả của Quảng Ninh trong công cuộc cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, đặc biệt là thực hiện chủ đề công tác năm 2017 về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết: Để góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 05-CT/TW của Trung ương, năm 2017 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất xác định chủ đề công tác là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Và xác định đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Qua đây nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có đạo đức, trách nhiệm, năng lực, thực sự tiên phong, gương mẫu, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, là việc làm cụ thể nhất học tập và làm theo Bác. Đồng thời, khắc phục không để xảy ra những biểu hiện tiêu cực thiếu công khai, minh bạch, thái độ hách dịch, cửa quyền, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với thực hiện chủ đề công tác năm 2017, tinh thần lấy “xây” để “chống” được Quảng Ninh thể hiện rất rõ trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tỉnh ủy đã cụ thể hóa, ban hành một số Chỉ thị, quy định chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện Nghị quyết. Điển hình là Tỉnh ủy ban hành Quy định số 04-QĐ/TU, ngày 07/6/2017 về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; không suy thoái, "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên. Đảng ủy Công an tỉnh, Thành ủy Uông Bí, Thị ủy Quảng Yên…ban hành văn bản nhận diện biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu xây dựng Đề án “Phát triển văn hóa, xây dựng con người Quảng Ninh văn minh, lành mạnh, thân thiện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”; Đề án “Một số giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng”; Quy định về rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên… Các cấp ủy, tổ chức Đảng tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe ý kiến phản ảnh, kiến nghị, nắm diễn biến tư tưởng của nhân dân, hoàn thiện quy chế, quy tắc ràng buộc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Vai trò của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp cũng đã được nâng cao, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công vụ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện suy thoái. Đồng thời, tổ chức ký, thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đối với cán bộ, đảng viên với phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng giữ chức vụ cao càng phải gương mẫu”.
Thay đổi tư duy lãnh đạo, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân là do “tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả”. Chính vì thế, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế với tinh thần rốt ráo, với sự thống nhất và đồng thuận cao, theo lộ trình từng bước. Từ đó, nhằm xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, các cấp chính quyền, tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính.
Đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tại tỉnh Quảng Ninh, tháng 4/2017. |
Tỉnh đã kiên quyết thực hiện đúng mục tiêu, có hiệu quả việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, gắn với cải cách chế độ công vụ, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU và Đề án 25 “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” bằng các cơ chế, chính sách, nhằm từng bước xóa bỏ chế độ “biên chế suốt đời”. Theo đó, Quảng Ninh không thực hiện rập khuôn, máy móc trong phân bổ về số lượng phòng, ban, cán bộ trong bộ máy theo quy định của Trung ương, mà tập trung rà soát đội ngũ cán bộ, làm gọn bộ máy theo hướng “một phòng nhiều chức năng, một cán bộ làm nhiều công việc, đảm bảo sử dụng hết năng lực, hiệu suất làm việc của cán bộ...”. Kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Điển hình là tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa đối với nhiều chức danh từ tỉnh đến cơ sở, như: 9 trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch MTTQ; 7 chủ nhiệm ủy ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra; 5 trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ; bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND ở 63 xã, phường. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo, thống nhất đồng bộ nhiệm kỳ chi bộ với bầu trưởng thôn để thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn (bản, khu phố). Tính đến hết tháng 9/2017, toàn tỉnh đã có trên 97% trưởng thôn (bản, khu phố) là bí thư chi bộ thôn (bản, khu phố), trong đó hơn 1.500/1.566 (hơn 98%) trưởng thôn (bản, khu phố) là đảng viên (trước đó, chức danh bí thư chi bộ là trưởng thôn, bản, khu phố hoặc bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận chỉ chiếm 38%; trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên chiếm dưới 60%). Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất quản lý biên chế khối Đảng, chính quyền, đoàn thể trong toàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2017 của Bộ Chính trị; tích cực chỉ đạo hoàn thành Đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện toàn tỉnh giảm 1.605 công chức, viên chức và hợp đồng lao động; qua đó đã tiết kiệm ngân sách đến 3.000 tỷ đồng/năm. Đồng thời, giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương. Tỉnh cũng sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học, giảm 9 trường, 122 điểm trường và 463 lớp học; 7/14 địa phương thực hiện sáp nhập trung tâm y tế với bệnh viện đa khoa trên địa bàn. Ngành Y tế rà soát, điều chỉnh quy mô trạm y tế cấp xã phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương...
Đồng chí Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: “Song song với đó, Quảng Ninh triển khai một loạt các nhiệm vụ khác, như nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, quyết liệt cải cách hành chính; xây dựng mô hình, vận dụng sáng tạo hình thức đối tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng đồng bộ theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn...Tỉnh cũng khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ, như phân công, phân cấp, thẩm quyền quản lý; quy trình quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ… bảo đảm sự công khai, minh bạch, bình đẳng, tổng thể, liên thông giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng tài sản công, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách, biên chế...”
Thùy Linh - Minh Thu
[links()]
Bài 2: Tăng cường giám sát công vụ, kiểm soát quyền lực
Liên kết website
Ý kiến ()