Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:00 (GMT +7)
Bài 1: Nét đẹp văn hoá cần giữ gìn
Thứ 3, 09/07/2024 | 15:54:48 [GMT +7] A A
Nghề dệt thổ cẩm đã có từ rất lâu đời ở Việt Nam, là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước. Tuy nhiên hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang đối diện với nguy cơ mai một. Để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc, nhiều phụ nữ S’tiêng đã không quản khó khăn, tìm cách duy trì và phát huy nghề dệt thổ cẩm, với mong muốn lưu truyền để thế hệ con cháu tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Theo bà Thị Hanh, người dân ấp Bưng Sê, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài, nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ S’tiêng nơi đây đã “vắng bóng” cả chục năm nay. Trước đây, bà cũng biết dệt, thỉnh thoảng nhớ nghề, nhớ mẹ vẫn đem khung ra dệt. Nhưng mấy năm nay bà không dệt nữa, vì mắt đã mờ, ngồi nhiều đau lưng, con cháu thì không mặn mà với nghề truyền thống. Hiện khung dệt được bà cất đi như một kỷ vật của đời mình.
Sự tiếp biến văn hóa
Nếu như trước đây, phụ nữ S’tiêng ở các ấp, sóc trên khắp địa bàn tỉnh đều biết dệt thổ cẩm thì ngày nay, chỉ số ít phụ nữ S’tiêng còn duy trì công việc này. Một phần do ngày trước, cuộc sống của đồng bào S’tiêng chủ yếu tự cung tự cấp nên nghề dệt phát triển, còn ngày nay, thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp giá rẻ hơn nên thổ cẩm dệt truyền thống khó có thể cạnh tranh. Phần do trang phục của phụ nữ S’tiêng đã có nhiều thay đổi, hầu hết người trẻ không còn mặn mà với trang phục truyền thống, mà ăn mặc gần như người Kinh nên các loại thổ cẩm chỉ còn hiếm hoi xuất hiện trong các lễ hội truyền thống.
Ngày xưa, người S’tiêng thường sử dụng các tấm vải thổ cẩm để làm trang phục mặc hằng ngày, làm đẹp, làm tài sản trao tặng con cháu vào các dịp quan trọng trong gia đình, cộng đồng. Nhưng ngày nay, do nhu cầu xã hội thay đổi, chỉ còn rất ít gia đình sử dụng vải thổ cẩm vào những việc nêu trên, vì vậy những sản phẩm dệt thổ cẩm không còn như trước nữa. Chị Drenh Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành cho hay, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng trên địa bàn xã bị mai một còn do quá trình dệt và hoàn thiện sản phẩm cần nhiều thời gian, công sức nhưng hiện nay các sản phẩm thổ cẩm chưa thực sự trở thành hàng hóa. Sản phẩm làm ra chưa có thị trường ổn định, người dệt thổ cẩm vẫn chưa có thu nhập từ nghề, vì vậy sức lan tỏa, duy trì và trao truyền cho thế hệ kế tiếp đang dần bị thu hẹp.
Ngoài ra, nguyên nhân khiến nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng dần mất đi theo thời gian còn do quá trình cộng cư đã và đang làm cho sự tiếp xúc, giao thoa và tiếp biến văn hóa giữa cộng đồng S’tiêng với các cộng đồng dân tộc khác. Do vậy, nhiều thành tố văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng đang có sự thay đổi và mai một, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước được thực hiện trên cơ sở tự ý thức của mỗi người dân. Tuy nhiên, từ bao đời nay, cộng đồng người S’tiêng ở Bình Phước lưu giữ và trao truyền nghề dệt thổ cẩm theo hình thức truyền dạy trong gia đình hoặc trong cộng đồng khu vực sinh sống. Nguy cơ nghề dệt thổ cẩm truyền thống sẽ bị mai một càng tăng lên khi hiện nhiều bạn trẻ không còn thiết tha mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và cũng không còn muốn học dệt nữa.
Nỗ lực duy trì
Trước thực trạng này, thời gian qua chính quyền địa phương ở một số xã của huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản và Phú Riềng đã thành lập tổ, đội, nhóm để truyền dạy và thực hành nghề dệt thổ cẩm. Dù vậy, công tác này chỉ mới góp phần duy trì hoạt động của nghề dệt thổ cẩm, chưa có giải pháp hiệu quả để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa này.
Để dệt một tấm vải thổ cẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Nếu nguyên liệu làm từ cây rừng, phải tách lấy vỏ ngoài của cây, tước thành sợi nhỏ, se lại thành sợi dệt. Nếu làm từ bông, phải trồng bông, chờ thu hoạch để se sợi, nhuộm màu rồi mới tiến hành dệt. Để có các màu tạo ra hoa văn, người S’tiêng lấy nguyên liệu từ tự nhiên để nhuộm màu cho sợi dệt. Muốn tạo được các hoa văn tinh xảo, độc đáo, người dệt phải có hoa tay, óc thẩm mỹ, sự am tường về các đường nét, màu sắc, hình khối. Ngày nay, hoa văn trên vải thổ cẩm cũng được một số phụ nữ S’tiêng sáng tạo, bổ sung cho phù hợp cuộc sống hiện đại và thị hiếu người tiêu dùng.
Chị Thị Phương, Chi hội trưởng Chi hội nghề dệt thổ cẩm xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành cho biết: Hiện nay, các thành viên của chi hội mua chỉ công nghiệp có nhiều màu sắc khác nhau để thay thế. Việc duy trì nghề này chủ yếu gìn giữ, bảo tồn để con cháu nhớ nguồn gốc văn hóa dân tộc mình. Do vậy, nghề dệt thổ cẩm không còn phổ biến như xưa mà chỉ còn ở một số nơi như huyện Bù Gia Mập (xã Đắk Ơ), huyện Bù Đăng (các xã: Bình Minh, Bom Bo, Thọ Sơn, Thống Nhất), huyện Hớn Quản (xã Thanh An), thị xã Chơn Thành (xã Quang Minh)…
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()