Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:36 (GMT +7)
Quảng Ninh - Sức mạnh tự lực, tự cường Bài 2: 1.000 tỷ đồng - chính sách khẩn cấp thực hiện an sinh xã hội
Thứ 3, 29/10/2024 | 11:12:27 [GMT +7] A A
Bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, là siêu bão với cường độ rất mạnh, hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa... Quảng Ninh là địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp, hứng chịu thiệt hại hết sức nặng nề. Với tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong khốn khó, Chính phủ, Trung ương đã có những chỉ đạo sát sao, dành nguồn lực lớn hướng về đồng bào vùng bão lũ. Cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng ban hành những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Sự quan tâm, sẻ chia đã trở thành “trợ lực” giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, tái thiết sản xuất, phục hồi kinh tế sau bão.
Đồng hành lúc dân cần, khi dân khó
Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng là 3 địa phương chịu ảnh hưởng rất nặng nề của bão Yagi quét từ biển vào đất liền. Riêng Quảng Ninh - nơi tâm bão đi qua, đã thiệt hại khoảng 24.876 tỷ đồng chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc. Toàn tỉnh có 27 người chết; 1.609 người bị thương; 102.859 nhà bị tốc mái; 254 nhà bị đổ sập; 5.008 nhà bị ngập, sạt lở; 2.692 cơ sở NTTS bị thiệt hại; 116 tàu bị chìm; 96.974ha rừng trồng bị gãy đổ; 5.509 cột điện các loại bị gãy, đổ; khoảng 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ (tập trung tại các đô thị lớn Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí...), 73 trạm điện, 1.211 trạm viễn thông mất liên lạc và 739 cột viễn thông bị hư hỏng; nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học bị hư hỏng…
Sáng 8/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Ngay chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp có mặt tại Quảng Ninh - nơi tâm bão số 3 để chia sẻ, động viên các đơn vị, tổ chức cùng toàn thể nhân dân, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Sẻ chia những mất mát, thiệt hại sau bão với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ xót xa khi nhắc đến những mất mát của địa phương: “Hiện trường cho thấy hậu quả do bão gây ra rất lớn, thiệt hại về tài sản vượt xa các cơn bão khác. Tỉnh Quảng Ninh đã vừa phòng chống, vừa triển khai công tác khắc phục, song hậu quả bão lớn nên việc triển khai các công việc phải tính cả trước mắt và lâu dài. Với quan điểm không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh thiếu nơi khám chữa, Quảng Ninh nhanh chóng ổn định tình hình, đưa mọi hoạt động trở lại bình thường; cứu chữa những người bị thương, bị nạn, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự chu đáo cho những người xấu số; chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão, lũ lụt, sạt lở…; tất cả học sinh phải được tới trường sớm, những nơi đã an toàn thì đi học ngay; những người bệnh phải được cứu chữa kịp thời”.
Để khắc phục hậu quả cơn bão, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương đã dầm mình trong mưa đến tận nơi người dân đang cần sự giúp đỡ, cứu trợ; chia sẻ, động viên, đau cùng nỗi đau của mỗi hoàn cảnh, trăn trở để có các giải pháp tốt nhất giúp người dân được đảm bảo cuộc sống... Sự hỗ trợ không chỉ giúp nhân dân, các địa phương sớm khắc phục hậu quả bão, ổn định đời sống, sản xuất, ổn định học tập, lao động mà còn là sự sẻ chia, động viên tinh thần trước những mất mát, thiệt hại to lớn của nhân dân vùng lũ.
Nghị quyết 143/NQ-CP (ngày 17/9/2024) của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát của Chính phủ, đã sớm được ban hành. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Đồng thời, kế thừa các chính sách đã triển khai và phát huy hiệu quả; mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách đang thực hiện, đã có cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, quy trình, quy định để có thể triển khai ngay… Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương; Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra.
Cùng với chính sách hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 cho các địa phương, riêng tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng - hai địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cơn bão số 3, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ tạm thời cho mỗi địa phương 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trong khó khăn, hoạn nạn, sự quan tâm ấy đối với nhân dân càng thêm trân quý. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Trung ương được tự cân đối từ các nguồn lực dự trữ, dự phòng theo quy định chung và xin được nhường 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho các tỉnh khác cũng đang phải khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 rất nặng nề. Nghĩa cử ấy cũng thể hiện trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh trong chia sẻ khó khăn với ngân sách trung ương và với các địa phương khó khăn hơn Quảng Ninh cũng đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung cao độ cho các nhóm giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung nghiên cứu các cơ chế, chính sách để hỗ trợ khôi phục hoạt động đời sống, xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế... bám sát tinh thần Nghị quyết 143/NQ-CP và kế thừa Nghị định 20/2021/NĐ-CP về việc quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất chủ trương ban hành các cơ chế, chính sách để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Trong đó, thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Ngay sau đó, HĐND tỉnh khóa XIV đã nhanh chóng tổ chức Kỳ họp thứ 21- kỳ họp chuyên đề để thông qua các chính sách trên. Mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn, trong bối cảnh cấp bách với biết bao bộn bề, ngổn ngang những thiệt hại hiện hữu, những nội dung trình Kỳ họp HĐND tỉnh được chuẩn bị rất chu đáo, thẩm tra kỹ lưỡng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả bão số 3 rất kịp thời, phù hợp với quy định. Đây là kỳ họp HĐND tỉnh được quyết định tổ chức trong thời gian nhanh nhất với những nghị quyết được ban hành sớm nhất từ trước đến nay (chỉ sau 15 ngày bão số 3 đổ bộ vào địa bàn). Điều này, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của tỉnh trước những khó khăn của nhân dân, cử tri khi phải hứng chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3.
Chính sách ưu việt, nhân văn vì nhân dân
Cùng với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, cử tri và nhân dân Quảng Ninh thêm vững tin về một tương lai tươi sáng khi HĐND tỉnh Quảng Ninh kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/2024/NQ-HĐND về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND).
Với mục tiêu cao nhất là “nhân dân làm chủ thể, tất cả đều vì sự ổn định cuộc sống của nhân dân”, các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đảm bảo tính kế thừa các nghị định, nghị quyết của Trung ương với sự sáng tạo, tính chất phù hợp với địa bàn Quảng Ninh. Cụ thể là: Hỗ trợ 100% học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Quảng Ninh (trừ học sinh tiểu học trường công lập và các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ học phí theo quy định của tỉnh trong năm học 2024-2025). Đây là lần thứ 3 chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh đã được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua khi mà nhân dân Quảng Ninh hứng chịu khi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai ập đến. Điều này, thể hiện sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo; động viên, khuyến khích học sinh phấn đấu, yên tâm học tập, duy trì nền nếp chuyên cần...
Một Quảng Ninh xinh đẹp, chỉ sau vài giờ bão quét qua bỗng chốc như một bức tranh hoang tàn thời chiến. Những ngôi nhà tốc mái, hư hỏng; tàu thuyền bị lật, chìm; những cánh rừng ngút ngàn sắp đến kỳ thu hoạch là cơ đồ của nhiều gia đình cũng đổ gãy hoàn toàn… Chính sách của tỉnh ban hành kịp thời với mức hỗ trợ mới trở thành “trợ lực” cho nhiều gia đình, doanh nghiệp “trắng tay” sau bão. Cụ thể: Hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở mới là 100.000.000 đồng/hộ đối với hộ có nhà ở bị đổ, sập, hư hỏng nặng không có khả năng khôi phục cần phải xây mới; hỗ trợ 50.000.000 đồng/hộ đối với hộ có nhà ở bị hư hỏng nặng mà phần còn lại không thể ở được. Đồng thời, hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện sản xuất là tàu, thuyền đăng ký tại Quảng Ninh bị chìm do cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh, với mức 50.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên, 15.000.000 đồng/phương tiện tàu, thuyền đối với phương tiện có chiều dài từ 6m đến dưới 12m…
Mọi chính sách hỗ trợ của tỉnh đều bám sát các nghị định, quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đảm bảo hỗ trợ hiệu quả cho người dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 43/2024/NQ-HĐND ban hành hướng đến đối tượng bảo trợ xã hội với mức chuẩn trợ giúp xã hội của tỉnh nâng lên là 700.000 đồng/tháng. Đây là mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của Quảng Ninh. Sau cơn bão số 3, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 1 triệu người dân Quảng Ninh, trong đó có 46.000 người đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác, nguồn thu nhập chính là trợ cấp xã hội hằng tháng... Điều đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của tỉnh Quảng Ninh đối với các nhóm đối tượng khó khăn, góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, chia sẻ: Kế thừa Nghị định 20 của Chính phủ và Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, Sở phối hợp chặt chẽ các đơn vị, địa phương nghiên cứu xây dựng, đề xuất mức hỗ trợ vượt trội, cao hơn mức quy định của Trung ương để đảm bảo cho các hộ dân bị thiệt hại nặng nề sau bão sớm ổn định cuộc sống. Sở dĩ mức hỗ trợ được xây dựng cao hơn, khi bối cảnh sau bão Quảng Ninh rất khan hiếm nguyên vật liệu, nhân công và thiết bị vận chuyển. Hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề sau bão, nên khả năng huy động từ doanh nghiệp khó khăn. Thêm vào đó, những hộ bị thiệt hại do bão không chỉ tổn thất về nhà ở mà còn mất đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động, học tập..., khó chồng thêm khó, vì vậy giải pháp quan trọng nhất đó là làm sao để hỗ trợ nhân dân một cách hiệu quả nhất, để cuộc sống, sản xuất của bà con sớm ổn định, tái thiết trở lại...
“Chính sách của tỉnh vừa ban hành mới chỉ là những cơ chế hỗ trợ bước đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh những bất cập, khó khăn hoặc cần bổ sung thêm chính sách, Ban Cán sự Đảng chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh...” - đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức lớn trong phòng chống thiên tai, bão lũ, chúng ta càng nhận thấy rõ những yếu tố mang tính nền tảng, là cội nguồn sức mạnh được phát huy mạnh mẽ, đó là điểm tựa truyền thống lịch sử với tinh thần tương thân, tương ái "thương người như thể thương thân", "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"…
Hiện nay, cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường gắn với phát huy giá trị văn hóa con người Quảng Ninh để chung tay khắc phục nhanh và sớm nhất những thiệt hại do bão số 3, đưa các hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh nỗ lực để giữ vững vị trí, vai trò là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Bài 3: Sớm trở lại mạnh mẽ hơn
Nguyễn Huế - Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()