Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 19:17 (GMT +7)
Quảng Ninh - Sức mạnh tự lực, tự cường Bài 1: Trắng tay sau bão
Thứ 2, 28/10/2024 | 07:00:00 [GMT +7] A A
Sau hơn 1 tháng cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, nhưng tàn dư của trận cuồng phong dữ dội ấy vẫn còn rất lớn. Cơn bão đã để lại nỗi đau, mất mát lớn khi hàng nghìn gia đình mất đi nhà cửa, tài sản tích góp nhiều năm; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng; hàng chục héc ta lúa, hoa màu, rừng sản xuất mất trắng; hằng trăm con tàu bị chìm, đắm… Trắng tay sau bão là hình ảnh hiện hữu không chỉ của một gia đình mà còn là của hàng nghìn người dân, doanh nghiệp, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khó khăn, cuộc sống vất vả hơn sau bão. Ranh giới giữa tái nghèo - thoát nghèo cũng trở nên mong manh…
Trở về con số “0”
Ngoài 30 tuổi, cánh rừng keo là kế mưu sinh, tài sản duy nhất hiện có của vợ chồng anh Triệu Quý Lầu (thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). Vậy mà cơn bão Yagi ập đến như một cơn ác mộng đã cuốn trôi tất cả, cuốn theo cả những hy vọng vươn lên, ước mơ về cuộc sống đủ đầy ấm no của đôi vợ chồng trẻ.
Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, anh Lầu dẫn chúng tôi tới khu vực rừng trồng của gia đình rộng gần 2ha, vốn trước đây là vạt keo xanh mướt ở thời kỳ sinh trưởng mạnh mẽ, thì nay đã đổ gục, nằm rạp xuống đất, lá úa tàn, thân cây bắt đầu héo khô, gần như không thể tận thu. Nhìn cánh rừng chết dần chết mòn hơn 1 tháng qua, nước mắt anh Lầu trực trào: “Buồn lắm nhà báo ơi, hơn 3.000 cây keo vợ chồng tôi tự tay trồng, chăm sóc gần 3 năm trời đang lên tươi tốt thì giờ đây gãy đổ hết rồi. Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào đây với hy vọng 5-7 năm cây lớn sẽ cho thu hoạch để lấy tiền trang trải cuộc sống, cho các con đi học nay chẳng còn gì nữa. Ngay cả ngôi nhà đang ở của gia đình cũng không còn nữa".
Nhớ lại thời khắc cơn bão số 3 đổ bộ, anh Lầu kể: Khoảng 11h30 ngày 7/9, tôi nghe tiếng gió rít liên hồi, mưa dội ầm ầm xuống mái tôn. Hé cửa nhìn ra ngoài, trời tối sầm, cành cây, téc nước bay liệng khắp nơi. Chưa kịp khép cửa lại, gió đã quật cửa mở toang, mái tôn kêu răng rắc, bị gió lật nhấc lên khoảng 20cm. Thấy vậy, vợ chồng tôi cùng 2 con hò nhau chạy sang nhà hàng xóm trú nhờ. Cơn bão đi qua, quay trở về nhà là một cảnh tượng tan hoang. Ngôi nhà bị gió thổi tốc bay mái, đồ đạc thì bị vỡ nát. Toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập của các con cũng ướt nhèm, rách tươm. Chúng tôi vội chạy ra xem cánh rừng mới trồng, thì càng đau xót hơn khi toàn bộ diện tích keo mới trồng bị gió quật gãy hết.
Cơn bão số 3 ập đến cũng cướp đi phương tiện mưu sinh duy nhất của gia đình ông Nguyễn Văn Thiều (TP Hạ Long). 2 con tàu mang số hiệu QN 41986 và QN 67492 đã gắn bó với ông Thiều suốt gần 10 năm vươn khơi, bám biển ở vùng biển Vân Đồn - Cô Tô cũng bị bão số 3 “cướp” đi mất.
Nhìn 2 con tàu phải ngâm mình dưới nước, ông Thiều đau xót trước những mất mát không thể đếm xuể. Là người miền biển, gần hết cuộc đời gắn bó nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 3 thực sự ngoài sức tưởng tượng của ông Thiều. Nhận được thông tin về cường độ của cơn bão, ông Thiều đã neo đậu các tàu của mình về nơi an toàn, chằng chống cẩn thận, nhưng do sức tàn phá quá mạnh đã khiến cho 2 con tàu tiền tỷ của ông bị đứt neo và nhấn chìm xuống lòng biển.
Ông Thiều nghẹn ngào: Để đóng và trang sắm các thiết bị 2 con tàu này, gia đình tôi đã vay mượn khắp nơi, thế chấp cả nhà ở để vay ngân hàng. Những tưởng cố gắng làm ăn tích góp chỉ mấy năm thôi sẽ trang trải hết nợ nần, con tàu sẽ là tài sản thuộc về mình, cuộc sống sẽ không khó khăn nữa. Vậy mà sau cơn bão, một chiếc thì bị nhấn chìm dưới nước, còn một chiếc thì bị mất tích. Gia đình tôi xoay sở tìm cách để trục vớt tàu, hiện đã tìm được một con tàu và đưa về xưởng sửa chữa. Do tàu bị ngấm nước, hỏng hóc nhiều, thời gian sửa chữa lâu, phải mất một tháng nữa mới xong. Còn con tàu mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy, từ sau bão đến nay, gia đình tôi đã phải bỏ ra gần chục triệu đồng để thuê người tìm kiếm. Giờ không có tàu ra khơi đánh bắt, gia đình không biết bấu víu vào đâu. Không chỉ phải chi trả tiền sửa chữa, tìm kiếm tàu, hiện giờ hàng tháng tôi phải trả ngân hàng cả gốc cả lãi khoảng 7 triệu đồng. Cuộc sống của vợ chồng cùng các con tôi đang tuổi ăn, tuổi học rồi chẳng biết sẽ ra sao.
Dẫu biết rằng thiên tai khó lường, nhưng còn người là còn của, tuy nhiên những thiệt hại mất mát quá lớn này sẽ cần nhiều thời gian để vực dậy. Không chỉ gia đình anh Lầu, anh Thiều mà hàng nghìn hộ gia đình cũng lâm vào cảnh trắng tay từ nhà ở đến sinh kế sau bão. Theo thống kê, cơn bão đi qua, tỉnh Quảng Ninh thiệt hại hơn 28.000 tỷ đồng; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, ngập, sạt lở; hàng trăm nghìn héc ta rừng trồng bị gãy, đổ; hàng trăm tàu cá, tàu du lịch, tàu vận tải bị chìm, đắm; hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị đổ, ngập úng không thể phục hồi; số gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi cũng không thể thống kê hết. Những con số thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là quá lớn, chắc chắn phải mất thời gian dài nữa mới có thể khôi phục hoàn toàn.
Mong manh ranh giới thoát nghèo - tái nghèo
Công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân luôn là mục tiêu trọng điểm, xuyên suốt trong quá trình phát triển của tỉnh. Hết năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã và mục tiêu giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Đầm Hà và Tiên Yên là 2 huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm, hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu nghèo. Toàn tỉnh Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương theo tiêu chí thu nhập; bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Đặc biệt, trong năm 2023, tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Năm 2024, Quảng Ninh quyết tâm tiếp tục thực hiện mạnh mẽ mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới…
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả triển khai giai đoạn những tháng đầu năm 2024 rất khả quan, bám sát kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, bão số 3 đổ bộ đầu tháng 9 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh, làm cho "bức tranh tươi sáng" trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của tỉnh xuất hiện những gam màu xám. Những cánh rừng xanh mướt cần thời gian dài để hồi sinh, những mái nhà kiên cố khang trang cũng không thể dựng lại ngay trong một sớm một chiều. Số phận của những con tàu bị chìm đắm quay trở lại biển cũng rất đỗi mong manh... Tất cả khiến cho nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo tăng cao do nhiều người có nguy cơ mất việc làm, khó khăn trong phát triển kinh tế.
Hộ gia đình anh Triệu Quý Lầu là một trong hộ cuối cùng vừa mới thoát nghèo cuối năm 2023 của thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ). Cơn bão số 3 đi qua khiến cho gia đình vừa mới thoát khỏi cái nghèo nay lại lao đao bởi không chỉ mất đi toàn bộ vốn liếng tích cóp nhiều để trồng rừng mà còn lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” do ngôi nhà đang ở bị bão cuốn bay mất nóc. Đâu chỉ là những vất vả khó khăn chồng chất trên đôi vai người lớn mà những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi học cũng phải gác lại ước mơ đến trường…
“Điều băn khoăn nhất của chúng tôi chính là lo cuộc sống hàng ngày và việc học hành của ba đứa con. Mất rừng, mất nhà, cuộc sống gia đình quá khó khăn, chúng tôi phải đi làm thuê ở xa nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Con gái lớn trước đang học lớp 6 cũng đã phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình, chăm sóc các em khi bố mẹ đi bóc keo thuê ở xa cả tháng mới về một lần. Đứa lớn đã thiệt thòi, 2 vợ chồng dặn lòng phải cố gắng kiếm tiền để lo cho 2 đứa nhỏ được học hành đàng hoàng, có con chữ thì mới thoát được cái nghèo” – Anh Lầu nghẹn ngào nói.
Cũng như gia đình anh Lầu, nhiều hộ trên địa bàn tỉnh mới thoát nghèo cũng đang rơi vào tình cảnh khó khăn như vậy. Ở bản Đài Van, xã Đài Xuyên (huyện Vân Đồn) có 104 hộ dân, năm 2022 bản đã xóa hết hộ nghèo, hiện chỉ còn 10 hộ cận nghèo và phấn đấu thoát cận nghèo trong năm nay, nhưng sau cơn bão số 3, các hộ này cũng đang có nguy cơ tái cận nghèo. Bởi, phần lớn thu nhập của các hộ hiện trông chờ vào lâm nghiệp, chủ yếu trồng cây keo, nhưng do bão đã gãy đổ hết. Như vậy, phải mất 5-7 năm nữa những cánh rừng mới được hồi sinh, bà con mới khai thác để có thu nhập. Trong khoảng thời gian này, người dân vô cùng khó khăn về việc làm, không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống.
Nếu không có các cơ chế, chính sách của Nhà nước, địa phương hỗ trợ kịp thời thì nguy cơ quay trở lại tái nghèo, cận nghèo của nhiều hộ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cao. Nhận định về vấn đề này, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Chẽ Phạm Văn Đăng, cho biết: Hết năm 2023, Ba Chẽ chỉ có 39 hộ cận nghèo theo tiêu chí của Trung ương, 21 hộ nghèo và 62 hộ cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Cơn bão số 3 đi qua để lại hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, thu nhập, lao động việc làm của những hộ nghèo, hộ cận nghèo trong giai đoạn năm 2025-2030, nhất là khi nâng mức chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương và theo tổng điều tra của giai đoạn mới 2025-2030 sẽ nâng chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh lên. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo, tái cận nghèo vào năm 2025 và những năm tiếp theo.
Nguyên nhân chủ yếu bởi cơn bão số 3 đã tàn phá, làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế lâm nghiệp, cây lâm nghiệp, đến thu nhập, việc làm của người dân huyện Ba Chẽ nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Riêng Ba Chẽ là vùng kinh tế lâm nghiệp, thu nhập chủ yếu của người dân phần lớn trông chờ vào trồng rừng, đi làm thuê bóc vỏ keo, bốc vác vận chuyển cây keo. Song, sau bão số 3, diện tích cây lâm nghiệp của các hộ bị gãy đổ lớn, với 18.613ha (chủ yếu là cây keo, tuổi cây từ 2-6 năm tuổi). Đến năm 2025-2026, 70% cây keo gần như không còn, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Ba chẽ trong những năm tiếp theo…
Thời điểm này là lúc những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 rất cần được hỗ trợ nhiều hơn để có thể tạo sinh kế mới, phục hồi kinh tế, tái thiết ổn định cuộc sống. Với mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; để sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội, ổn định cuộc sống nhân dân, phục hồi sản xuất, kinh doanh… những chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng thực sự cấp thiết.
Bài 2: 1.000 tỷ đồng - chính sách khẩn cấp thực hiện an sinh xã hội
Nguyễn Huế - Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()