Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:14 (GMT +7)
Bài 2: Động lực quan trọng cho sự phát triển
Thứ 4, 18/10/2017 | 05:51:01 [GMT +7] A A
Dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân- Điều làm nên sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong 87 năm qua. Sức mạnh đó đã đạp bằng mọi trở ngại, khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, đưa đất nước Việt Nam vững bước trên con đường phát triển và hội nhập. |
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu Hồng Quảng giai đoạn 1952- 1961, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 1969- 1980 cho rằng: Nhân dân chính là mục tiêu, lý tưởng, động lực phấn đấu của Đảng, đồng thời cũng là điều cốt lõi làm nên huyền thoại của Đảng, của cả dân tộc Việt Nam trong 87 năm qua. Dân tin Đảng, Đảng dựa vào dân- điều đó đã tạo được sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc. 87 năm qua, từ ngày đất nước ta có Đảng, lòng dân ở đâu và khi nào cũng có Đảng, còn sự xuyên suốt, bao trùm trong đường lối, chính sách của Đảng chính là nhân dân.
Từ nhất thể hóa đến hợp nhất...
Thành tựu 30 năm đổi mới của đất nước khẳng định những quyết sách của Đảng trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt. Nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, lấy nhân dân làm động lực đổi mới, Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng bằng các Nghị quyết, Chỉ thị không chỉ có giá trị thực tiễn, hiệu quả với sự phát triển của một địa bàn mà còn là những luận điểm khoa học cho sự lãnh đạo của Đảng ta. Điển hình như trong triển khai thực hiện Kết luận 64 của Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Đảng Khóa XI về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, tỉnh Quảng Ninh đã có những sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá trong việc đổi mới tổ chức, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo ra động lực quan trọng cho sự phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm và làm việc tại Quảng Ninh (tháng 4/2016) đã đánh giá rất cao những đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của tỉnh. |
Đó là, tỉnh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND hoặc HĐND cấp huyện, xã, Bí thư kiêm Trưởng thôn, bản, khu phố, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Trong đó, thực hiện cơ chế bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương Cô Tô, Tiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND tại 7/14 địa phương cấp huyện; bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã (đạt 40,9%); Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố ở 1.508/1.565 thôn, khu. Cùng với đó, tỉnh cũng đã thực hiện nhất thể hoá các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng trong hệ thống chính trị như: Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch uỷ ban MTTQ ở 10 địa phương (71,42%); chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra kiêm chánh thanh tra ở 9/14 địa phương (64%); trưởng ban tổ chức kiêm trưởng phòng nội vụ ở 10/14 địa phương (71,5%); trưởng (phó) ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 địa phương (92,8%)...
Cầu Bạch Đằng trên cao tốc Hạ Long- Hải Phòng chuẩn bị hoàn thành nối cao tốc Hà Nội- Hải Phòng. |
Mặc dù đến nay chưa có đánh giá tổng kết chính thức nhưng việc nhất thể hóa các chức danh đã thực sự mang lại cho Quảng Ninh những hiệu quả nhìn thấy trên tất cả các lĩnh vực xây dựng đảng, kinh tế- văn hóa, xã hội, nội bộ địa phương đoàn kết thống nhất. Qua đó, chất lượng cán bộ được nâng cao, năng lực công tác của Đảng và chính quyền tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn. Như Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Mào Sán Cáu, xã Quảng An, huyện Đầm Hà Lỷ A Tài cho biết: Trước đây, Chi bộ ra nghị quyết, còn việc triển khai thực hiện do trưởng thôn nên đôi khi có tình trạng không thống nhất, hoặc chần chừ thực hiện, hoặc có làm nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Có nhiều việc trưởng thôn là người làm thực tế biết cần phải làm ngay nhưng cứ chờ chủ trương của cấp ủy. Nay cấp ủy ra nghị quyết cũng là người trực tiếp tổ chức thực hiện nên phải xắn tay vào làm, qua đó khẳng định việc “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng hơn.
Cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là chỉ đạo trọng tâm của tỉnh Quảng Ninh. |
Từ nhất thể hóa chức danh, tỉnh Quảng Ninh đưa ra sáng kiến hợp nhất các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng và được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý cho thí điểm thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội ở đơn vị cấp huyện. Đến nay, 12/14 địa phương đã xây dựng cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối MTTQ và các đoàn thể CT-XH. Hoạt động của các khối bước đầu tránh được sự chồng chéo, trùng lắp; bộ máy cơ quan tham mưu giúp việc chung từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu và hoạt động, tạo ra sức mạnh tổng hợp, thống nhất; tăng cường vai trò liên minh chính trị của Mặt trận Tổ quốc; đội ngũ cán bộ có tính chuyên môn hóa cao hơn và từng bước giảm biên chế. Hiện tại các địa phương cũng đã hoàn thành Đề án xin chủ trương Trung ương thí điểm hợp nhất cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện có chức năng nhiệm vụ tương đồng theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo; bổ sung thẩm quyền, tối ưu chính sách, chuẩn hoá ngạch bậc, kết hợp bầu cử và bổ nhiệm đối với cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra và ban tổ chức với phòng nội vụ...
|
Nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan Đảng, chính quyền ở Quảng Ninh cần thêm thời gian để lan tỏa sự hiệu quả nhưng thực tế khẳng định đây là bước cụ thể hóa rất tốt chủ trương của Trung ương Đảng tại Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 02/02/2008..."; Kết luận số 37-KL/TW ngày 02/02/2009, Hội nghị Trung ương 9, Khóa X, Kết luận 64-KL/TW ngày 28/05/2013, Hội nghị Trung ương 7, Khóa XI. Khẳng định đổi mới về xây dựng hệ thống chính trị của Đảng đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân.
...Đến tạo đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội
Bản lĩnh, sự sáng tạo của Đảng trong lãnh đạo kinh tế nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh thấy rằng, những chủ trương đó phù hợp với xu thế hội nhập, khẳng định sự luôn vận động và đổi mới của Đảng trước biến động không ngừng của thế giới phát triển. Điển hình như trong thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo Nghị quyết 05 của Hội nghị lần thứ 4, BCH Trung ương Đảng Khóa XII, tỉnh Quảng Ninh đã có những đổi mới sáng tạo và đột phá. Đó là, tỉnh đã chủ động thực hiện việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” đưa dịch vụ là ngành kinh tế chủ đạo trong chiến lược phát triển. Từ chủ trương của Đảng vận dụng thực tiễn vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tại địa phương đến nay tỉnh Quảng Ninh đã giảm hẳn sự phụ thuộc vào than và đất trong cơ cấu thu ngân sách, GDP. 3 năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế của Quảng Ninh nằm trong top 5 địa phương cao nhất của cả nước, trong đó tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ; tổng thu ngân sách nhà nước năm 2017 trên địa bàn đạt dự kiến đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Khoảng 100.000 tỷ đồng của các tập đoàn như Sungroup, Vingroup, FLC... đổ vào đang biến Quảng Ninh thành “thiên đường” du lịch của Việt Nam.
Quảng Ninh đang tiến gần tới mục tiêu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ- công nghiệp vào năm 2020. |
Trong thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, ở Quảng Ninh cải cách hành chính được thực hiện rất quyết liệt và có những sáng tạo rất hiệu quả như: Tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước thông qua thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và 14 địa phương cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử, đào tạo công dân điện tử để giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định và phê duyệt tại trung tâm” bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch. Đây là mô hình duy nhất trong cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015. Đồng thời rà soát và công bố thủ tục hành chính của ba cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa vào thực hiện. Đến nay, 95% các thủ tục được thực hiện trực tiếp tại Trung tâm hành chính công, 99,5% số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định. Qua khảo sát bằng nhiều hình thức, trên 98% người dân và doanh nghiệp có ý kiến hài lòng về hành chính công của Quảng Ninh.
Năm 2018, Quảng Ninh sẽ hoàn thành hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. |
Còn đối với đột phá về hạ tầng, cũng vận dụng các chủ trương của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng cơ chế, đề nghị Chính phủ cho phép tự đầu tư xây dựng đường cao tốc, sân bay, hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn tự huy động. Với gần 10.000 tỷ đồng từ ngân sách và trên 32.500 tỷ đồng huy động đầu tư theo hình thức PPP, Quảng Ninh đã làm được Cảng hàng không, gần 100 km đường cao tốc, các Trụ sở liên cơ quan của tỉnh, địa phương và 36 dự án đầu tư khác đang được triển khai. Quý I/2018 hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Quảng Ninh sẽ hoàn thành như cao tốc Hạ Long- Hải Phòng, cao tốc Hạ Long- Vân Đồn, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn- sẵn sàng “mở cửa bầu trời cho một Việt Nam thu nhỏ”.
Điều đặc biệt hơn tất cả, từ chủ trương của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đã chọn điểm đột phá khi mạnh dạn xây dựng Đề án Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn với những ý tưởng táo bạo, chưa có tiền lệ. Từ Đề án Đặc Khu kinh tế Vân Đồn của Quảng Ninh mà khái niệm về Khu hành chính- kinh tế đặc biệt (hay Đặc khu kinh tế) đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013 và chương trình xây dựng luật của Quốc hội, được Bộ Chính trị ra nghị quyết. Các chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế khẳng định chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế của Việt Nam là sự đổi mới mạnh mẽ, cởi mở về mặt thể chế và khởi nguồn của sự đổi mới đó là từ chủ trương của Bộ Chính trị đến những ý tưởng đề xuất rất sáng tạo của Quảng Ninh.
Những đổi mới trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, kinh tế đã tạo cho Quảng Ninh động lực phát triển mới. |
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu Hồng Quảng giai đoạn 1952- 1961, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 1969- 1980, khẳng định: Từ thực tiễn sinh động ở Quảng Ninh cho thấy sự lãnh đạo của Đảng ta từ chủ trương đến thực tế trên nguyên tắc cơ bản, nhất quán và xuyên suốt là lấy nhân dân làm động lực đổi mới rất đúng hướng, vô cùng sáng suốt và thành công. Từ Nghị quyết đến cuộc sống là sự sáng tạo trong kết hợp cơ chế thị trường với sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh thời đại với sức mạnh dân tộc, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.
Lan Hương - Thùy Linh
[links()]
Bài 3: Quyết tâm của Đảng, niềm tin của dân
Liên kết website
Ý kiến ()