Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 03:53 (GMT +7)
Bài học trong bảo tồn di vật
Thứ 4, 19/11/2008 | 06:27:10 [GMT +7] A A
Để phục vụ cho lễ hội du lịch năm 2008, đầu năm, Bảo tàng Quảng Ninh đã cho sơn trắng bộ xương cá voi (là một trong những bộ xương lớn hiện có ở Việt Nam) và đưa đi trưng bày tại khu du lịch Bãi Cháy để du khách tham quan. Sau “sự kiện” này, dư luận cho rằng việc sơn bộ xương cá voi của Bảo tàng Quảng Ninh là việc làm phản khoa học, vi phạm nguyên tắc bảo tồn hiện vật (Báo Quảng Ninh đã có một số bài phản ánh).
Tuy nhiên, phía Bảo tàng Quảng Ninh vẫn khẳng định việc làm của mình là đúng. Do không có cơ sở để khẳng định đúng, sai, vì vậy tại cuộc làm việc giữa Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch với Báo Quảng Ninh (do Sở VH-TT&DL chủ trì) hai bên đã thống nhất cần có một cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học và cơ quan quản lý có thẩm quyền để có kết luận chính thức về việc này.
Và mới đây, ngày 15-11, tại TP Hạ Long, Hội thảo khoa học “Bảo quản bộ xương cá voi của Bảo tàng Quảng Ninh” đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 50 đại biểu là các nhà khoa học, lãnh đạo một số bảo tàng trong nước, Viện nghiên cứu của Trung ương và các sở, ngành liên quan của tỉnh do lãnh đạo Sở VH-TT&DL và Cục Di sản Văn hoá (Bộ VH-TT&DL) cùng chủ trì. Tại hội thảo, tham luận và ý kiến của các nhà khoa học và đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc Bảo tàng Quảng Ninh sơn trắng bộ xương cá voi là tùy tiện, sai nguyên tắc bảo quản hiện vật, hậu quả là đã làm biến đổi màu sắc bộ xương cá. Kết luận hội thảo, lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá nhấn mạnh: Sự việc đáng tiếc ở Bảo tàng Quảng Ninh là bài học chung cho tất cả các Bảo tàng trong cả nước; việc bảo quản hiện vật chỉ có thể thực hiện sau khi đã xác định được giá trị của nó, đặc biệt phải nắm vững nguyên tắc bảo quản. Lãnh đạo Cục Di sản Văn hoá cũng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia phối hợp giúp Bảo tàng Quảng Ninh khắc phục, bảo quản bộ xương cá voi đúng quy trình để trả lại màu sắc ban đầu cho hiện vật.
Được biết, ngoài bộ xương cá voi, Bảo tàng Quảng Ninh còn tiến hành sơn lại một hiện vật khác (?!).
Thế mới biết, để bảo quản, giữ gìn các hiện vật có giá trị, đặc biệt là những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng rất cần những người làm công tác quản lý, cán bộ, nhân viên ở các đơn vị này phải có kiến thức chuyên sâu, tôn trọng nguyên tắc và biết lắng nghe; không được phép tuỳ tiện, ngẫu hứng.
Nhìn rộng ra, thời gian qua, một số di tích lịch sử, văn hoá ở các địa phương khi trùng tu, tôn tạo, sửa chữa cũng đã vi phạm nguyên tắc như không giữ đúng nguyên trạng, thêm bớt chi tiết, thay đổi kiểu dáng v.v.. đã làm ảnh hưởng đến giá trị của chúng. Mong rằng từ bài học của Bảo tàng Quảng Ninh, ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình trùng tu, sửa chữa để vừa đạt được mục đích chống xuống cấp, vừa giữ nguyên được giá trị của các di tích...
Liên kết website
Ý kiến ()