Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:35 (GMT +7)
Bài học từ cây vải
Thứ 5, 28/01/2010 | 05:49:29 [GMT +7] A A
Nói đến sản phẩm nông nghiệp ở Đông Triều không thể không nhắc tới vải thiều, nhãn với hàng chục ngàn ha trải khắp 14 xã, thị trấn.
Có một thời cây vải, cây nhãn được coi là cây “xoá đói giảm nghèo” cho người nông dân ở địa phương; đã có nhiều mô hình kinh tế vườn đồi với cây vải là chủ lực cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, nhiều hộ gia đình giàu lên từ cây trồng này. Vậy là phong trào trồng vải được dấy lên, nhà nhà đua nhau khai hoang vỡ đất trồng vải.
Nhưng rồi, cây vải từng mang niềm vui làm giàu đến cho người nông dân ấy giờ đây đang khiến họ lao đao, sầu não vì nó. Bên cạnh mặt được, người trồng vải ở Đông Triều luôn canh cánh nỗi lo: mất mùa - được giá, được mùa - rớt giá. Những biến động về thời tiết và cơ chế thị trường luôn tiềm ẩn yếu tố bất ổn cho vùng vải Đông Triều. Đây là hậu quả của việc sản xuất theo phong trào. Do trồng vải theo phong trào nên các yếu tố kế hoạch phát triển, khả năng tiêu thụ, công nghệ chế biến đã không được tính toán và dự báo. Chính vì thế mà mấy năm gần đây, mặc dù vải được mùa nhưng người trồng vải ở Đông Triều vẫn thất thu.
Trước thực trạng trên, huyện Đông Triều chủ trương chuyển đổi diện tích (khoảng gần 1.800 ha) trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây nông - lâm kết hợp khác có hiệu quả hơn. Dự án vừa được UBND tỉnh phê duyệt và sẽ triển khai từ nay đến năm 2011. Theo đó, diện tích chuyển đổi cây trồng chủ yếu là vải và nhãn; số diện tích cây vải, cây nhãn còn lại theo định hướng 20-30% là giống vải chín sớm, 70-80% giống vải chính vụ sẽ được tập trung cải tạo, bố trí lại cơ cấu chủng loại giống, vùng thâm canh, thị trường tiêu thụ. Đồng thời UBND tỉnh sẽ hỗ trợ về cây giống, vật tư, một phần chi phí nhân công và chi phí cơ bản khác cho các hộ gia đình thực hiện cải tạo, chuyển đổi diện tích cây trồng. Các phương án chuyển đổi cũng đã được huyện tính toán thận trọng, có bước đi thích hợp đảm bảo yếu tố phát triển sản xuất bền vững.
Việc điều chỉnh lại cơ cấu cây trồng ở vùng vải Đông Triều là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho các hộ gia đình thực hiện sản xuất nông - lâm kết hợp, có thu nhập cao hơn để tái đầu tư cho các chu kỳ kinh doanh rừng ở các giai đoạn tiếp theo. Do vậy Dự án rất cần được các hộ gia đình trên địa bàn ủng hộ, tích cực tham gia góp phần ổn định và phát triển sản xuất.
Liên kết website
Ý kiến ()