Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:19 (GMT +7)
Bài học về sự chủ quan
Thứ 5, 10/01/2008 | 07:24:05 [GMT +7] A A
Sau nhiều cố gắng nỗ lực, phải áp dụng cả các biện pháp cấm đoán, chúng ta mới khống chế, dập được dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm trong một thời gian ngắn. Vậy mà sau thời điểm công bố hết dịch chưa được bao lâu dịch tiêu chảy cấp lại tái phát ở chính nơi nó đã khởi phát là Hà Nội-địa phương có cuộc sống văn minh nhất nước, trình độ dân trí ở mức cao, tập trung các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cấp cao.
Theo báo cáo của Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau 15 ngày Bộ Y tế chính thức công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm thì kể từ ngày 25-12-2007 cho tới nay lại xuất hiện các bệnh nhân khác. Qua giám sát dịch tễ đã ghi nhận 22 ca tiêu chảy, trong đó có 17 ca dương tính với tiêu chảy cấp nguy hiểm, xảy ra tại 6 quận/huyện ở Hà Nội.
Trước mối nguy này, ngày 7-1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cảnh báo nguy cơ dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể quay trở lại trong dịp Tết Mậu Tý. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra việc đảm bảo ATVSTP, cung cấp nước sinh hoạt, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, pha chế, kinh doanh thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mắm tôm và rau sống. Giám sát chặt chẽ, liên tục để phát hiện sớm các trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm đầu tiên; khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh theo đúng hướng dẫn Bộ Y tế đã ban hành. UBND các cấp chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để dịch lan rộng trên địa bàn phụ trách.
Tiêu chảy cấp nguy hiểm là dịch bệnh có nguy cơ tử vong cao, tốc độ lây lan nhanh, rộng. Việc khống chế, dập được dịch trong thời gian qua đã hết sức khó khăn, tiêu tốn bao công sức, tiền của. Việc để dịch tái phát trở lại có trách nhiệm của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Song cũng còn có một nguyên nhân quan trọng là do ý thức chủ quan, lơ là của người dân. Đa số người dân có một thói quen xấu là khi thấy cơ quan chức năng công bố hết dịch là lại hết sức thoải mái, tuỳ tiện trong ăn uống, sinh hoạt như chưa hề có dịch xảy ra; họ không ý thức được mầm bệnh có thể tồn tại lâu dài trong môi trường. Đây là bài học đắt giá cho các cấp, các ngành, cơ quan y tế và người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch tiêu chảy cấp nói riêng.
Ở Quảng Ninh, trong thời gian vừa qua, cũng đã xảy ra một vài ca tiêu chảy cấp nguy hiểm trên địa bàn phường Cửa Ông (Cẩm Phả). Vì vậy công tác phòng chống dịch phải được “hâm nóng” lại bằng các biện pháp đồng bộ, tinh thần quyết liệt, liên tục để đảm bảo cho người dân đón một cái tết vui tươi, phấn khởi, an toàn...
Liên kết website
Ý kiến ()