Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:19 (GMT +7)
Giải bài toán nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng
Thứ 2, 20/12/2021 | 09:46:34 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai đồng loạt. Dự kiến giai đoạn từ 2020-2025, cần khoảng 650 triệu m3 đất đá (trung bình mỗi năm cần 130 triệu m3) phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Để đáp ứng đủ nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai nhanh các công trình phục vụ phát triển kinh tế, tỉnh và các ngành chức năng đã và đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn...
Theo số liệu thống kê, nhu cầu các dự án sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng ở các địa phương trong tỉnh hiện nay khá lớn, trong đó, Hạ Long trên 196 triệu m3, Móng Cái 80 triệu m3, Đông Triều trên 51 triệu m3, Vân Đồn 30 triệu m3, Đầm Hà trên 10 triệu m3… Đặc biệt, tại TX Quảng Yên có nhu cầu lớn nhất (trên 203 triệu m3) với nhiều dự án trọng điểm, như: Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, tuyến đường ven sông… Dự kiến giai đoạn 2020-2025, nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu san lấp mặt bằng các dự án của thị xã cần khoảng trên 200 triệu m3 nhưng hiện Quảng Yên chỉ có duy nhất mỏ đất công viên nghĩa trang TX Quảng Yên trữ lượng 2,7 triệu m3. Đa số nguồn đất phục vụ san lấp mặt bằng vận chuyển từ các mỏ đất của các địa phương khác...
Thực tế thời gian qua cho thấy, để đáp ứng nguồn đất, cát phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng của các dự án trên địa bàn tỉnh luôn là bài toán khó cho các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương có dự án triển khai cũng như các chủ đầu tư. Nhiều trường hợp do khó khăn về nguồn đất, cát san lấp mặt bằng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án theo kế hoạch.
Trong khi đó, Quảng Ninh có một nguồn đất đá rất dồi dào thải ra từ quá trình khai thác của các mỏ thuộc ngành Than. Theo tính toán, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam quản lý (chủ yếu nằm trên địa bàn Quảng Ninh) khoảng 1.210 triệu m3, với lượng đất đá thải phát sinh hằng năm khoảng 150 triệu m3. Bên cạnh đó, khối lượng đất đá thải tại các mỏ do Tổng Công ty Đông Bắc quản lý cũng vào khoảng 268 triệu tấn.
Có thể nói, đây là nguồn đất đá vô cùng lớn có thể tận dụng vào việc san lấp mặt bằng cho các dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh. Nếu thực hiện tốt và hiệu quả nguồn đất đá thải mỏ này sẽ tạo ra lợi ích kép. Trước hết là đáp ứng được nhu cầu đất đá cho việc san lấp mặt bằng của các dự án, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai nhanh các công trình. Cùng với đó, ngành Than sẽ giải quyết được bài toán các khu vực đổ thải đã và đang quá tải, các bãi thải có độ cao quá lớn, dễ sạt lở xuống các khu dân cư phía dưới, giảm được chi phí vận chuyển khi phải đổ thải xa. Và một điều quan trọng nữa là sẽ hạn chế, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các bãi thải đến môi trường sống ở các khu vực xung quanh bãi thải.
Để từng bước tháo gỡ khó khăn, ngày 18/8/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3060/QĐ-UBND về kế hoạch nghiên cứu các địa điểm, khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Theo đó, sẽ có 105 khu vực, địa điểm đưa vào thăm dò, khai thác sử dụng (có xem xét bổ sung, điều chỉnh theo thực tế), với tổng diện tích khoảng 1.950ha, trữ lượng dự kiến khai thác ước đạt gần 420 triệu m3. Tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành chức năng khẩn trương kiểm tra, rà soát, tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép khai thác đất san nền cho các dự án trên địa bàn.
Tính đến nay, tỉnh đã giải quyết các thủ tục khai thác cho gần 70 mỏ đất; đưa vào kế hoạch thăm dò, sử dụng 60 mỏ đất (đủ điều kiện khai thác); phê duyệt 10 khu vực đấu giá quyền khai thác đất san lấp; cấp 17 giấy phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng 10 khu vực mỏ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng kịp thời bổ sung các mỏ đất vào hoạt động đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án, như: Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc; Dự án Đường ven sông nối từ cao tốc Hạ Long- Hải Phòng đến TX Đông Triều; Dự án cầu Cửa Lục 1 và 3…
Cùng với đó, hướng đi mới theo kinh tế tuần hoàn là đưa đất đá thải mỏ phục vụ ngược lại việc san nền mặt bằng cho các dự án cũng đang được tỉnh triển khai. Từ cuối năm 2020, tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan đã nghiên cứu xây dựng Đề án “Tận dụng nguồn đất đá thải mỏ bỏ đi để làm vật liệu san lấp”. Theo đó, cuối tháng 3/2021, những tấn đất đá thải mỏ đầu tiên từ khu vực vỉa 17 Cánh Tây thuộc Công ty CP Than Núi Béo (TP Hạ Long) đã được bốc xúc, phục vụ san lấp dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả. Tính đến nay, đã có 700.000m3 đất đá thải mỏ không có khoáng sản đi kèm sẽ tiếp tục được lấy phục vụ đắp đất nền đường dự án này.
Bên cạnh đó, tỉnh đã báo cáo Bộ TN-MT giải quyết phương án sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng bãi thải mỏ Tây Khe Sim và Tây Nam Lộ trí với khối lượng 3,5 triệu m3. Ngoài ra, Quảng Ninh đang tính toán tận dụng đất đá bãi thải mỏ Bàng Nâu ở TP Cẩm Phả của Công ty CP Than Cao Sơn để phục vụ các dự án trọng điểm huyện Vân Đồn và một số dự án khác trên địa bàn tỉnh. Bãi thải mỏ Bàng Nâu có diện tích rộng trên 435ha, mỗi năm được bổ sung thêm 40 triệu tấn đất đá thải và hiện đạt trên 150 triệu m3 (chiếm 50% sản lượng quy hoạch bãi thải).
Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Để đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu san lấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục bám sát Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi luật Khoáng sản theo hướng đơn giản thủ tục hành chính đối với việc cấp phép khai thác, sử dụng các mỏ đất đồi, ưu tiên đất đá thải mỏ để đảm bảo kịp tiến độ cho các dự án của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tận dụng triệt để đất từ các dự án có đào, hạ cốt nền; các nguồn tro xỉ nhiệt điện và chất nạo vét từ luồng lạch để làm vật liệu san lấp mặt bằng dự án…
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()