Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:20 (GMT +7)
Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đối với các trường tư thục có cấp THPT
Thứ 5, 18/01/2024 | 17:40:38 [GMT +7] A A
Chiều 18/1, tại TP Hạ Long, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 05/9/2023 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 10/11/2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đối với các trường tư thục có cấp THPT trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, tính đến năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh có 23 trường tư thục có cấp THPT (chiếm 39,66% tổng số trường có cấp THPT), với tổng số 16.928 học sinh (chiếm 36,70% tổng số học sinh THPT).
Từ năm học 2020 - 2021 đến nay, đã có 11.702 học sinh tư thục được công nhận tốt nghiệp THPT, đạt tỷ lệ 97,99%, xấp xỉ tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh (97,90%). Nhìn chung, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của khối tư thục được cải thiện qua các năm. Tuy vậy, vẫn thấp hơn 1,38% so với tỷ lệ tốt nghiệp THPT khối công lập.
Thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, điểm trung bình của học sinh các trường THPT tư thục là 5,87 (đạt trên mức trung bình). Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách lớn so với khối THPT công lập (thấp hơn 0,82 điểm), một số đơn vị còn mức điểm dưới trung bình.
Thống kê kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh THPT, số lượng thí sinh tư thục đoạt giải là 665 (chiếm tỷ lệ 14,71% số lượng giải toàn tỉnh). Số lượng giải có sự chênh lệch lớn giữa các trường THPT tư thục, phản ánh sự chênh lệch về chất lượng giáo dục mũi nhọn giữa các đơn vị.
Thống kê kết quả tuyển sinh vào lớp 10, có 36 học sinh của 4 trường tư thục trúng tuyển vào Trường THPT Chuyên Hạ Long, chiếm tỷ lệ 2,56% học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.
Hội nghị đã đi sâu phân tích thực trạng, tồn tại, hạn chế trong công tác hoạt động của các trường tư thục có cấp THPT giai đoạn 2020-2023 như: công tác bố trí sắp xếp, công nhận cán bộ quản lý ở một số cơ sở giáo dục tư thục còn mang tính thời vụ, chưa có tính chiến lược lâu dài; một bộ phận giáo viên, nhân viên chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy; hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh có nơi, có lúc chưa thực chất; chất lượng tuyển sinh đầu vào phần lớn còn hạn chế; nhiều trường chưa quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng học, phòng chức năng và trang thiết bị phục vụ dạy học…
Trên cơ sở đó, Hội nghị thống nhất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 đối với các trường tư thục có cấp THPT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, cần tập trung thu hút nhà đầu tư có tiềm năng, đáp ứng yêu cầu cung ứng dịch vụ chất lượng cao; lộ trình quy mô mạng lưới theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2025, tăng 04 trường thành lập mới. Sở GD&ĐT đề nghị các trường tư thục có cấp THPT chủ động rà soát Đề án xây dựng nhà trường đảm bảo triển khai đầu tư đúng, đủ, đạt hiệu quả, tạo cơ hội tốt nhất cho cán bộ, giáo viên và học sinh giảng dạy và học tập; quan tâm tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm bảo về số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu chất lượng giáo dục của tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các kế hoạch chuyên môn theo tinh thần đổi mới chương trình, sách giáo khoa các cấp học; đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu... Phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục.
Thu Phương
Liên kết website
Ý kiến ()