Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 03:01 (GMT +7)
Bản Sen: Niềm tin vào một chặng đường phát triển mới
Chủ nhật, 18/10/2015 | 10:55:11 [GMT +7] A A
Bản Sen (huyện Vân Đồn) là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận mưa lụt lịch sử hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua. Thế nhưng, vào những ngày này, trong không khí hân hoan đón mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020, người dân xã Bản Sen càng thêm quyết tâm, nỗ lực phấn đấu với niềm tin sâu sắc vào thắng lợi ở chặng đường phía trước...
Ở Bản Sen, ngay từ đầu thôn đã có tấm băng zôn chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV được treo rất trang trọng. |
Gửi trọn niềm tin
Sau gần 3 tháng kể từ khi trận mưa lụt lịch sử đi qua, đến Bản Sen những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những nỗ lực của người dân xã đảo trong việc khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, tập trung phát triển sản xuất. Ngay khi bước chân lên xã đảo, dải băng zôn với khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020” màu đỏ tươi, cùng với tiếng nói, tiếng cười của người dân hỏi han, chào đón nhau khi chuyến tàu từ đất liền ra vừa cập bến, đã xoá đi ngay trong tôi suy nghĩ về một không khí ảm đạm do những thiệt hại của đợt mưa lụt kéo dài vừa qua gây ra ở đây. Đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn Bản Sen mấy tháng trước mưa lụt gây sạt lở nghiêm trọng nay đã được người dân nhanh chóng khắc phục, đắp lại hoàn chỉnh; dọc đường đi, nhà nhà đều đã dọn dẹp, sửa chữa xong, dẫu không được khang trang nhưng vẫn toát lên một không khí tươi mới, một sức sống mới. Tôi nhớ rõ trong lần đến Bản Sen vào ngày mưa lụt ấy, nhà văn hoá của thôn Bản Sen bị chìm trong nước; nay ngôi nhà đã được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí cờ hoa rực rỡ. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thoại, một trong số những gia đình sản xuất kinh doanh giỏi của thôn Bản Sen. Những năm qua, nhờ mạnh dạn trong đầu tư sản xuất mà gia đình anh đã tự xây được ngôi nhà thuộc diện khang trang nhất, nhì trong thôn. Vừa chăm sóc những cây cam còn lại trong vườn, anh Thoại vừa kể về những cố gắng, cưu mang nhau của người dân trong thôn ngay trong đêm khi mưa lũ về. Anh bảo: Khi nước dâng cao lên đến nền nhà, mọi người hô hào nhau kê lại đồ đạc, vật dụng lên cao hơn, nhưng không ngờ nước lũ lên quá nhanh, mọi người trong thôn chỉ biết bảo nhau lên căng lán phía trên sườn núi để trú tạm. Đàn ông, thanh niên giúp đỡ người già, trẻ nhỏ sao cho đảm bảo an toàn. Có trường hợp một cụ già trong thôn đã hơn 70 tuổi, trong khi chạy lũ, không may trượt chân, chậm một chút xíu là nước lũ cuốn trôi nếu như không có sự hỗ trợ kịp thời của bà con trong thôn. “- Đợt mưa lụt vừa qua, gia đình tôi bị thiệt hại toàn bộ hơn 600 lồng tu hài và cơ man nào là cam, chè đang vào thời kỳ thu hoạch. Gần 3 tháng nay, gia đình đang nỗ lực chăm sóc những cây cam, cây chè còn khả năng sống để khôi phục sản xuất. Được sự hỗ trợ, quan tâm, động viên chia sẻ, cả về vật chất và tinh thần, của tỉnh, huyện và những tấm lòng hảo tâm trong cả nước, hiện nay nhà tôi cũng như các hộ dân trong thôn đều đã ổn định cuộc sống…” - Anh Thoại tâm sự.
Anh Thoại còn cho biết thêm, rằng anh cũng như các bà con khác đều rất vui mừng khi biết tỉnh và huyện đã có phương án di chuyển toàn bộ người dân trong thôn đến nơi định cư mới để ổn định cuộc sống cho người dân, yên tâm phát triển sản xuất. Anh nói: “- Người dân thôn Bản Sen chúng tôi luôn tin tưởng vào thành công của Đại hội và kỳ vọng trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có sự quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư hạ tầng, hỗ trợ người dân về cây, con giống để phát triển sản xuất...”.
Thanh niên tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả do mưa lụt ở xã Bản Sen. |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Lê Minh Sản, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư Chi bộ thôn Nà Sắn, tâm sự: “- Còn nhớ những năm trước Bản Sen nghèo lắm, đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Để đến các thôn phải trèo đèo, lội suối rất nhiều. Người dân trên đảo chủ yếu sống nhờ vào nghề đi biển, nuôi trồng hải sản; nhưng thiên tai xảy ra liên miên khiến công việc gặp vô vàn khó khăn. Nhiều nhà chẳng còn vốn liếng gì để làm ăn. May là những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng đầu tư khang trang, tỉnh lại có nhiều chính sách hỗ trợ cây, con giống để người dân nuôi trồng thuỷ sản, trồng cam, trồng rừng v.v.. nên đến nay, đời sống của bà con xã đảo đã khá lên trông thấy. Đặc biệt, vừa qua, được sự quan tâm của tỉnh, điện lưới quốc gia đã được đưa đến xã đảo. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân ra sức thi đua sản xuất, vươn lên làm giàu…”.
Ông Sắn cũng cho biết thêm: Để chung sức cùng người dân xã đảo vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, anh em hội viên Hội Cựu chiến binh Bản Sen luôn động viên con cháu tập trung phát triển kinh tế; các hội viên quan tâm tích cực giúp đỡ nhau sản xuất bằng những mô hình kinh tế cụ thể trong nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc, nuôi ong lấy mật và trồng rừng... Đến nay, trong số 83 hội viên thì có tới hơn 50 gia đình hội viên có mức sống khá. Vì vậy, anh em CCB rất tin tưởng và kỳ vọng Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục đưa ra được những định hướng đúng đắn cho những năm tới và lựa chọn ra được những cán bộ có đức, đủ tài, với những quyết sách sáng suốt đưa kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có các xã đảo như Bản Sen, phát triển nhanh, mạnh, bền vững...
Bản Sen bứt phá
Những năm gần đây, Bản Sen luôn được đánh giá là một trong những xã có sự bứt phá khá nhanh về tốc độ phát triển kinh tế cũng như văn hoá, xã hội của huyện Vân Đồn. Trong việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bản Sen cũng được xem như điểm sáng của tỉnh. Hiện nay, kết cấu hạ tầng, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của xã... được đầu tư khang trang. Con đường từ đầu xã đến cuối xã được bê tông hoá thay thế con đường đất đá gập ghềnh khi xưa. Đường vào các thôn xóm cũng được mở rộng, nâng cấp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà văn hoá các thôn Bản Sen, Nà La, Điền Xá đều đạt chuẩn nhà văn hoá nông thôn mới. Các điểm trường thôn Điền Xá, Nà Sắn được xây dựng… góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trên địa bàn… Ông Lê Hồng Phương, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, nói: “- Chỉ cách đây hơn chục năm, đời sống kinh tế - xã hội của xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã lên tới 75%. Từ thực tế này, chính quyền xã đã đưa ra quyết tâm thay đổi tỷ lệ từ 75% hộ nghèo thành 75% hộ khá, giàu. Trong lúc khó khăn, nói đến quyết tâm này ai cũng nghĩ là chuyện khó tin, nhưng với quyết tâm cao của xã và sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, đến nay quyết tâm đó đã trở thành hiện thực. Xã có 6 thôn thì 3 thôn chuyên trồng lúa, 3 thôn trồng cam, chè, nuôi trồng thuỷ sản và trồng rừng. Cùng với việc đầu tư triển khai xây dựng nông thôn mới, Bản Sen tập trung hỗ trợ cây trồng, con giống cho người dân phát triển những thế mạnh đó. Hiện nay cả xã có 70ha cam sen, một giống cây trồng của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao; toàn xã có hơn 45ha đất nông nghiệp, cho sản lượng lương thực hàng năm trên 230 tấn; hơn 80ha cam, chè, hơn 4.400ha rừng, chủ yếu là keo, bạch đàn và hơn 800 bè nuôi trồng thuỷ sản với hơn 200 hộ nuôi. Nhờ tập trung phát triển kinh tế, từ 75% hộ nghèo, hiện Bản Sen chỉ còn 9,17% hộ nghèo, các hộ khác đều vươn lên khá giả và làm giàu…
Sau trận mưa lụt lịch sử, giờ đây người dân Bản Sen đã ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất. |
Phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới” đã thực sự trở thành một động lực làm thay đổi diện mạo của xã. Để phong trào đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của nhân dân, xã Bản Sen đã thành lập Ban chỉ đạo phong trào ở cấp xã và mỗi khu dân cư đều có Ban vận động ở thôn mình. Hàng năm, Uỷ ban MTTQ xã phối hợp với chính quyền tổ chức họp mở rộng triển khai các nội dung của phong trào; tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh của xã, kẻ vẽ pa nô, khẩu hiệu, thông qua hội nghị, các tổ liên gia… để nhân dân cùng nhau thực hiện. Bên cạnh đó, công tác xã hội cũng luôn được chính quyền xã quan tâm. Các gia đình có công với cách mạng luôn được Đảng uỷ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể chăm sóc chu đáo, đảm bảo chính sách, miễn các loại thuế, phí. Từ các nguồn của tỉnh, huyện và xã, Bản Sen đã hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xây bể nước sạch cho 150 hộ dân trên địa bàn, đến nay hầu hết các hộ dân đều đã có bể nước, đảm bảo nguồn nước sạch, hợp vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt. Công tác giáo dục, y tế ngày càng được nâng cao về chất lượng. Năm học 2013-2014, Trường PTCS xã có 137 học sinh thì có 31 học sinh giỏi, chiếm tỷ lệ 23%; 55 học sinh khá, chiếm 40%. Công tác phổ cập giáo dục cấp tiểu học, THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 100%. Có thể khẳng định phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới” ở Bản Sen đã thực sự đi vào cuộc sống. Từ phong trào này đã khơi dậy, phát huy được những tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã...
“- Mặc dù mưa lụt đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người dân xã đảo Bản Sen, song đây cũng chính là lúc mà người dân xã đảo khẳng định quyết tâm vượt khó…” - Đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã nói với chúng tôi khi chia tay Bản Sen. Theo đó, với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bản Sen đã và đang đồng lòng, quyết tâm khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế bằng những chương trình, dự án mở rộng diện tích cây cam; khắc phục môi trường, mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản và đầu tư trồng rừng gỗ lớn... Cán bộ và nhân dân xã Bản Sen kỳ vọng, với thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Bản Sen sẽ có thêm động lực để phát huy trí tuệ nhằm xây dựng xã đảo ngày càng phát triển hơn về mọi mặt.
Hữu Việt[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()