Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:04 (GMT +7)
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long
Thứ 2, 06/07/2020 | 16:04:47 [GMT +7] A A
Sáng 6/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long để nghe báo cáo tổng kết Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển TP Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cho ý kiến về Đề án, dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và cho ý kiến công tác chuẩn bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hạ Long, nhiệm kỳ 2020-2025. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Hơn 4 năm qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 30/6/2016 của BTV Tỉnh ủy về phát triển TP Hạ Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tới nay, thành phố đã đạt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 15,64%. Dịch vụ chiếm 57,6% trong cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 12.500 USD. Thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 19,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 110.350 tỷ đồng, bằng 2,2 lần so với giai đoạn trước – con số này đã thể hiện sự tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với TP Hạ Long, góp phần làm thay đổi nhanh chóng kiến trúc đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Tại hội nghị, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 04 đã tạo ra nguồn lực, động lực quan trọng, quyết định để TP Hạ Long từng bước phát triển trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới Hạ Long. Đặc biệt, TP Hạ Long sau khi đã có sự sáp nhập của huyện Hoành Bồ đã được mở rộng đơn vị hành chính, không gian phát triển để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt vốn có của hai địa phương trước đây, phát huy mọi nguồn lực, làm hạt nhân, động lực thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Từ việc thực hiện Nghị quyết 04 đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với TP Hạ Long, nổi bật trong đó là Nghị quyết số 38/2016/NQ-HĐND ngày 7/12/2016, Nghị quyết 85/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 với cơ chế nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long (phần nộp ngân sách nhà nước sau khi trích tỷ lệ % để lại phục vụ cho các hoạt động của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long theo quy định) được điều tiết 100% cho TP Hạ Long để đầu tư các dự án trên bờ và dưới Vịnh Hạ Long. Từ năm 2016-2019, thành phố đã bố trí trên 2.936 tỷ đồng vốn chi đầu tư phát triển từ nguồn thu phí tham quan Vịnh để thực hiện đầu tư các dự án công trình tôn tạo, tu bổ các công trình trên Vịnh và đầu tư các công trình hạ tầng trên bờ có liên quan. Đây là chủ trương có tính chất quan trọng, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tập trung dành nguồn lực cho TP Hạ Long từng bước hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng du lịch, giao thông; là động lực và là cú hích để tạo ra bước phát triển đột phá của thành phố trong thời gian tới.
Tuy nhiên, TP Hạ Long cũng cần quan tâm một số vấn đề như tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải từ các khu đô thị chưa đạt mục tiêu; chưa phát huy hết hiệu quả từ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, để đẩy mạnh ngành du lịch, dịch vụ, các loại hình kinh tế biển, dịch vụ logistics,…
Kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nghị quyết 04 đã được ban hành kịp thời, đúng hướng, tạo động lực, nguồn lực cho TP Hạ Long phát triển vượt bậc, quan trọng hơn là tăng niềm tin, niềm tự hào của nhân dân về hình ảnh thành phố thủ phủ của tỉnh. Những hiệu quả có được, cũng nhờ vai trò rất lớn của TP Hạ Long trong tổ chức, thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp trong Nghị quyết, nhất là việc sử dụng, phát huy các nguồn lực.
Đồng chí cho rằng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xây dựng và ban hành Nghị quyết mới về phát triển TP Hạ Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, phương hướng được đặt ra gắn với Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ tới. Trong đó, cũng sẽ đề cập rõ tới những nhiệm vụ, giải pháp giải quyết những vấn đề xã hội sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long do yêu cầu quy luật khách quan của sự phát triển. Mục tiêu là tạo động lực mới, nguồn lực mới nhưng cũng sẽ có những “áp lực mới” cho TP Hạ Long mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ phải có tư duy sáng tạo, đột phá hơn, để thúc đẩy sự phát triển của thành phố nhanh, bền vững, giữ được đà tăng trưởng, cũng như vai trò của đô thị loại I.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Để trả lời cho bài toán huy động nguồn lực, TP Hạ Long cần tập trung vào hạ tầng kỹ thuật đô thị loại 1, thúc đẩy khu vực vùng cao phát triển, giảm chênh lệch vùng miền và nâng cao chất lượng đời sống toàn diện của người dân; lấy nội lực làm nền tảng, căn bản, có ý nghĩa quyết định, lấy ngoại lực là chủ yếu, quan trọng, có ý nghĩa tạo đột phá. Trong các trụ cột phát triển, dịch vụ du lịch sẽ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, thông minh để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo tồn tài nguyên rừng, nhất ở khu vực Đồng Sơn – Kỳ Thượng.
TP Hạ Long phải là điển hình trong thực hiện “lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy dịch vụ thúc đẩy công nghiệp phát triển bền vững”. Về nhiệm vụ trọng tâm, phải tập trung phát triển doanh nghiệp, đảm bảo cả chất lượng và số lượng, coi kinh tế tư nhân là động lực mới. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người Hạ Long; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới và thu hẹp chênh lệch vùng miền, thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và chất lượng sống mọi mặt của nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Hạ Long là điển hình của tỉnh về xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh, hiện đại.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền gắn với cải cách nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Về khâu đột phá, bên cạnh nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố Hạ Long cần tập trung phát triển chất lượng nguồn nhân lực tương xứng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển nguồn nhân lực với phát triển dân số, nâng cao chất lượng dân số; bảo đảm tính liên thông tổng thể trong phát triển hạ tầng của khu vực vùng cao thành phố gắn kết với vùng thấp và trung tâm; đồng bộ hạ tầng đô thị và khu công nghiệp Cái Lân, Việt Hưng. Về cơ chế, sẽ tiếp tục phân cấp giao quyền ở mức cao nhất trên tinh thần tăng tính chủ động, sáng tạo, gắn với trách nhiệm, tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, nhất là trong quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, đầu tư, biên chế…
Cũng trong sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21 - 22/7.
Minh Hiền – Phạm Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()