Tất cả chuyên mục

Mong muốn cho con em mình được học bán trú là nhu cầu cấp thiết của phần lớn phụ huynh học sinh khối tiểu học. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đông, việc đáp ứng về cơ sở vật chất lẫn giáo viên không đủ, đã khiến nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường ở trung tâm thành phố lớn gặp khó khăn trong công tác tổ chức bán trú.
![]() |
Giờ ăn trưa của học sinh lớp 3A2, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. |
Áp lực ở các trường trung tâm
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long), có đến 1.874 học sinh, chia thành 46 lớp. Nằm ở trung tâm thành phố, dân cư đông, nhiều tòa chung cư mới được xây dựng, áp lực về sĩ số học sinh luôn là một vấn đề đặc biệt quan tâm của nhà trường. Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày có trên 1.100 học sinh ăn bán trú và học buổi 2 tại trường. Cụ thể, lớp 1 và lớp 2 có 2 ngày/tuần được ăn, học bán trú; lớp 3, 4, 5 có 4 ngày/tuần được ăn, học bán trú. Trường chỉ có 42 phòng học; để bố trí đủ số lượng học sinh học bán trú thì còn thiếu 4 phòng học nữa. Tháng 4/2019, UBND TP Hạ Long đã quyết định xây dựng 1 khu nhà học 4 tầng với 12 phòng học, phòng chức năng cho trường, dự kiến, năm học 2019-2020, khi công trình này hoàn thành, trường sẽ có 54 phòng học, giải quyết được vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất.
Theo đó, năm học tới, vì phải tiếp nhận học sinh từ các khu chung cư, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ tăng thêm 1 lớp, nâng tổng số lớp lên con số 47. Dù được tháo gỡ về cơ sở vật chất, nhưng còn về giáo viên đứng lớp vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Để có thể bố trí học sinh học 2 buổi/ngày ở tất cả các lớp, trường cần thêm tới 8 giáo viên. Về nội dung này, nhà trường vẫn đang tiếp tục tham mưu với các cấp lãnh đạo để được bổ sung giáo viên, tiến tới đáp ứng quy định 1,5 giáo viên/lớp.
Những năm học trước, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP Hạ Long) chỉ có khoảng 10 lớp, đến năm học 2018-2019 là 18 lớp. Cô giáo Lê Thị Kim Huế, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Tháng 4/2019, trường được nhận thêm 1 dãy nhà học 4 tầng với 8 phòng, nâng tổng số phòng học và phòng chức năng, phòng thư viện lên tới 28 phòng. Hiện nay, trường vẫn bố trí đủ 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, do trường đang thiếu 6 giáo viên, nên học sinh chỉ được học 6 tiết/ngày (sáng 3 tiết, chiều 3 tiết); nếu bố trí đủ giáo viên, học sinh sẽ được học 7 tiết/ngày (sáng 4 tiết, chiều 3 tiết). Việc này tuy vẫn đúng theo yêu cầu của Sở GD&ĐT là học 2 buổi/ngày không quá 7 tiết với cấp tiểu học, tuy nhiên về chất lượng giáo dục thì cũng ảnh hưởng phần nào. Dự kiến, năm học tới, nhà trường còn tăng tới 4 lớp, đồng nghĩa sẽ thiếu tới 10 giáo viên. Cũng như Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, nhà trường đang tích cực tham mưu với cấp trên để bổ sung thêm một số giáo viên đứng lớp.
![]() |
Tiết học buổi 2 của học sinh lớp 1D, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP Hạ Long. |
Ưu tiên cho các lớp lớn
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, rất nhiều phụ huynh có con chuẩn bị hoặc đang học cấp tiểu học đều có mong muốn cho con em mình được ăn, học bán trú tại nhà trường. Chị Phạm Thu Hương (38 tuổi, TP Hạ Long), có con chuẩn bị vào lớp 1, chia sẻ: Tôi rất muốn cho con học các trường công lập vì chi phí học tập phù hợp. Tuy nhiên, nhiều trường không thể sắp xếp được cho các cháu lớp 1 học 2 buổi/ngày nên tôi dự định chọn trường ngoài công lập cho cháu. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, không bố trí được thời gian đưa, đón cháu về buổi trưa.
Không có điều kiện như gia đình chị Hương, rất nhiều gia đình không đủ kinh tế cho con theo học ở trường ngoài công lập, đành phải gửi con sau giờ học trên lớp ở nhà trẻ tư thục gần trường hoặc một số giáo viên đã về hưu để tiện cho ăn, ngủ trưa và bổ sung kiến thức.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT, toàn tỉnh hiện có 221 trường phổ thông có cấp tiểu học, trong đó có: 173 trường tiểu học; 1 trường mầm non, tiểu học; 47 trường phổ thông có cấp tiểu học. Số trường dạy học 2 buổi/ngày (9-10 buổi/tuần) là 116/221 trường, chiếm 52,5%; số trường dạy học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần) là 5/221 trường, chiếm 2,26%; số trường có nhiều loại hình tổ chức (như có các lớp dạy học 2 buổi/ngày, 1 buổi/ngày, tăng buổi) là 100/221 trường, chiếm 45,24%. Tổng số học sinh tiểu học là 125.160 em, với 4.273 lớp. Trong đó, số học sinh học 2 buổi/ngày mới có 96.042/125.160 em, đạt 76,74%.
Nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn trong việc tổ chức bán trú ở các trường tiểu học, nhất là các trường ở trung tâm thành phố là do hạn chế về cơ sở vật chất và thiếu giáo viên. Đa phần các trường tập trung ưu tiên cho khối lớp 3, 4, 5, nhằm đảm bảo việc thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Thiết nghĩ, việc tổ chức bán trú cho tất cả học sinh tiểu học là rất cần thiết, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Bên cạnh việc quan tâm đến cơ sở vật chất, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí đủ giáo viên để các nhà trường yên tâm giảng dạy, công tác.
Lan Anh
[links()]
Ý kiến (0)