Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 06:17 (GMT +7)
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh: Hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra
Thứ 6, 13/12/2013 | 07:04:30 [GMT +7] A A
Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cũng như các ban của HĐND tỉnh, thành viên phần lớn là lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh hoạt động kiêm nhiệm. Để triển khai các nhiệm vụ theo luật định, ngay sau kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ, Ban đã đề ra quy chế hoạt động với những quy định cụ thể về nguyên tắc và chế độ hoạt động, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo và thành viên Ban, giúp Ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong suốt nhiệm kỳ.
Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khoá XII, các đại biểu Tổ Uông Bí - Quảng Yên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Ảnh: Quang Minh |
Qua hơn 2 năm hoạt động, Ban đã tổ chức được 9 cuộc giám sát chuyên đề và 8 cuộc khảo sát tại các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong tỉnh. Nội dung khảo sát, giám sát tập trung về tình hình triển khai, thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh và những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cử tri quan tâm. Cụ thể: Việc thực hiện chương trình 135; thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020; thực hiện một số chính sách an sinh xã hội của T.Ư, của tỉnh; thực hiện Luật Bình đẳng giới; thực hiện các khoản thu ở các cơ sở giáo dục; công tác chấn chỉnh dạy thêm, học thêm; triển khai hoạt động của các điểm trường, các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia; thực hiện quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh… Qua khảo sát, giám sát, Ban đã đánh giá những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế, đồng thời kiến nghị tập trung vào việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND tỉnh tại địa phương. Sau mỗi đợt giám sát, Ban ghi nhận rất nhiều ý kiến, kiến nghị hợp lý của các đơn vị chịu sự giám sát, chuyển đến cơ quan và ngành chức năng xem xét. Trong đó, đặc biệt quan tâm gửi kiến nghị đến UBND tỉnh để UBND tỉnh nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, hầu hết các kiến nghị được các cơ quan giải quyết thoả đáng, những khó khăn của địa phương, đơn vị dần được tháo gỡ. Điển hình như kiến nghị về việc chuyển Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện để khắc phục những bất cập; kiến nghị về việc thành lập Phòng Bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB&XH để tham mưu sâu về công tác bình đẳng giới; kiến nghị về việc tăng cường công tác y tế trường học nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh; kiến nghị về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ, bảo trợ cho các đối tượng trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu giám sát của Ban không những đạt được, mà còn giúp cho việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh được bảo đảm, nhiều nghị quyết đã thực sự phát huy hiệu quả trong đời sống.
Việc thẩm tra các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình được Ban đặc biệt quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, Ban đã thẩm tra 5 báo cáo, 17 dự thảo nghị quyết. Báo cáo của UBND tỉnh tại các kỳ họp là quá trình sơ kết, tổng kết những thành tựu đạt được và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện của UBND tỉnh trong lĩnh vực văn hoá - xã hội. Để việc thẩm tra đạt hiệu quả, giúp HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tiễn, Ban luôn chủ động khảo sát, giám sát thực tế tại các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là những đối tượng chịu tác động của nghị quyết; chủ động thu thập tài liệu, thông tin liên quan, đồng thời nghiên cứu kỹ các báo cáo, tờ trình để đưa ra các kiến nghị cụ thể, chính xác và phản biện, để UBND tỉnh làm rõ vấn đề. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh luôn tiếp thu, điều chỉnh kịp thời, tạo được sự đồng thuận cao giữa HĐND, UBND tỉnh trong việc xây dựng và ban hành nghị quyết đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Nhờ đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ tính riêng lĩnh vực văn hoá - xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành 15 nghị quyết. Qua giám sát cho thấy, phần lớn các nghị quyết đã thể chế hoá và vận dụng đúng đắn các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tỉnh. Khi triển khai thực hiện đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, mang lại hiệu quả rõ rệt, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ, như Nghị quyết số 48/2011 về chính sách bảo trợ đối với người cao tuổi; Nghị quyết số 47/2011 về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước; Nghị quyết số 59/2012 về chính sách hỗ trợ cho đối tượng học sinh bán trú đang học THPT, học trung cấp nghề hoặc học văn hoá THPT kết hợp với học nghề trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 67/2012 về tăng cường quản lý và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế VHTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015; Nghị quyết số 68/2012 về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến 2020...
Các nghị quyết chuyên đề thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội do HĐND tỉnh ban hành vừa đáp ứng yêu cầu ổn định lâu dài, vừa kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trước mắt từ thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Sau khi nghị quyết được ban hành, Ban luôn chú trọng giám sát để phát hiện những bất cập, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện, kịp thời yêu cầu, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp để nghị quyết thực sự mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.
Châu Hoài Thu (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()